Thương người phụ nữ 11 năm một mình chống chọi bệnh hiểm nghèo

(Baonghean.vn) - Chỉ mong có một ngày khoẻ - là mong muốn duy nhất lúc này của người con gái đến từ mảnh đất Quỳ Châu nơi miền Tây xứ Nghệ. Đời con gái, khi chưa kịp đặt tên những ước mơ, Nguyễn Thị Vỵ đã phải gắn cuộc đời còn lại của mình với chiếc máy chạy thận nhân tạo. Mới đó thôi đã 11 năm rồi...

Đã 32 tuổi, lủi thủi một mình, không muốn làm phiền đến người thân hay bất cứ ai, hơn 11 năm qua, chị Vỵ cứ thế tự chăm sóc bản thân, chống chọi lại với căn bệnh suy thận quái ác, và một mình đi bộ đi đi, về về giữa Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và căn phòng trọ nhỏ bé. Bởi sức chị không còn đủ để đạp xe đạp nữa.

Mẹ mất khi Vỵ còn là cô bé 4 tuổi thơ dại. Nhà khó khăn, cảnh gà trống nuôi con của cha Vỵ khiến ai nấy đều xót xa. Cô bé miền Tây xứ Nghệ có nước da trắng tinh ấy chỉ được học hết cấp 2. Nơi miền quê nghèo khó, Vỵ theo bạn vào Bình Dương xin làm công nhân may.

Khi công việc đang đi dần vào ổn định, Vỵ có đồng ra đồng vào gửi về cho gia đình, phụ cha tiền mắm, tiền muối chưa được bao lâu, Vỵ phát hiện ra sức khỏe của mình không còn được như trước. Tiền bạc tằn tiện mãi nhưng chẳng được bao nhiêu, Vỵ không dám đi khám bệnh. Đến lúc ăn vào lại nôn ra, người không thở được, Vỵ ngất xỉu, được người ta đưa đi cấp cứu cũng là lúc phải chạy thận nhân tạo ngay tức thì. Cô mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo từ đó.

Chị Nguyễn Thị Vỵ (áo trắng) hơn 11 năm một mình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.
Chị Nguyễn Thị Vỵ (áo trắng) hơn 11 năm một mình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Nơi xa xôi, không có người thân bên cạnh, Vỵ một mình tự chăm lo cho bản thân mình. Mỗi ngày, Vỵ tự đi xe bus đến bệnh viện cách 20 cây số để chạy thận. Lúc ấy, sức khỏe vẫn chưa xuống hẳn như bây giờ nên Vỵ vẫn chống chèo được. Hơn 2 năm chạy thận nhân tạo ở Bình Dương, Vỵ trở về quê và chạy tại bệnh viện đa khoa tỉnh nhà.

Vỵ ở trọ trong một căn phòng gần bệnh viện để tiện việc đi lại. Vỵ thường đến sớm hơn so với các bệnh nhân khác, tự lắp quả lọc vào để chạy thận. Nắng cũng như mưa, mỗi tuần 3 buổi, một mình chị tự đi đi, về về giữa bệnh viện và phòng trọ. Có chiếc xe đạp là tài sản quý nhất cứ để mãi trong phòng không dùng đến. Bởi chị không còn tí sức lực nào để đạp xe. Có hôm, bà chủ trọ thấy chị dắt xe ra đi, chưa kịp ngồi lên thì đã ngã khuỵu ngay trước cổng.

Chị Vỵ một mình chạy thận ở đất thành phố, lủi thủi, tự đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp mọi thứ. Tiền bạc thiếu thốn mới gọi điện về nhà xin cha, xin chị. Còn ốm đau đến đâu, chị cũng không kêu than một tiếng, chỉ mong người thân ở nhà không lo lắng, yên tâm làm việc.

Từ khi gắn cuộc sống của mình với chiếc máy chạy thận cũng đã hơn 11 năm, nhưng chị Vỵ chỉ mới được ăn Tết ở nhà 1 lần cùng cha và mọi người. Những ngày chạy thận trúng vào 3 ngày Tết là chuyện thường xuyên xảy ra, nên Vỵ cứ liên tục phải ăn Tết trong viện.

Sức khỏe Vỵ ngày càng yếu, nhưng cũng không dám báo cho người thân biết. Chị đi Hà Nội để mổ cầu tay (để chạy thận) đã không ít lần. Mỗi lần mổ hết 2,5 triệu, mua thuốc thang bên ngoài, chi phí đi lại...cũng tốn không biết bao nhiêu là tiền. Sau khi mổ cầu, tiền mua thuốc hút dịch abomin hơn 1 triệu đồng một lọ. Bệnh tật làm cho kinh tế gia đình của Vỵ ngày càng trở nên túng thiếu.

Cánh tay sần sùi nổi thành từng cục do bệnh của chị Vỵ
Cánh tay chị Vỵ nổi những cầu thận sau 11 năm một mình chạy thận nhân tạo.

Cánh tay chị Vỵ sau nhiều lần mổ cầu thận giờ cứ lổn nhổn những hòn to hòn nhỏ như quả trứng gà. Người chị vốn nhỏ, sau hơn 11 năm chạy thận, giờ chỉ còn lại một thân hình mảnh khảnh, nhỏ thó và không còn sức sống.

Mùa hè này nắng nóng ghê người, chị Vỵ sức khỏe ngày một yếu dần. Cánh tay đã không thể giơ lên nổi để có thể làm việc gì. May ra cũng chỉ quét được đôi nhát chổi trong phòng. Không gượng nổi nữa, chị Vỵ mới đành lòng gọi điện cho gia đình, và chị gái xuống chăm sóc em gái.

Sống lâu với bệnh tật, quen dần với những cơn đau. Chỉ nghĩ đến đó thôi đã ứa nước mắt, cô gái miền Tây xứ Nghệ vốn hiền lành chưa bao giờ dám mơ tới điều gì xa xôi như có bạn trai hay sẽ lấy được tấm chồng như bạn bè. Chị Vỵ tâm sự: “Nhớ nhà lắm, nhưng giờ chỉ mong có thêm sức khỏe để tự mình lo cho mình, chứ không muốn ốm yếu, ảnh hưởng đến mọi người”.

Thiên Thiên

tin mới

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.