Thường vụ Quốc hội họp bất thường vì sai sót Bộ luật Hình sự
Qua rà soát phát hiện có trên 80 nội dung, điều khoản có sai sót, trùng lặp, lỗi kỹ thuật… Những sai sót này dẫn tới không thể áp dụng ngay BLHS theo mốc hiệu lực đã định (ngày 1-7-2016).
Sáng 27-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng với thành phần gồm cả các vị trưởng hoặc phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành.
Được mời tham dự phiên họp bất thường này còn có Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng hai bộ Tư pháp và Công an, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra còn có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Lý do của phiên họp là để Ủy ban Thường vụ trao đổi, thống nhất với người đứng đầu các đoàn đại biểu Quốc hội các vấn đề liên quan tới khắc phục sai sót trong Bộ luật Hình sự, được Quốc hội khóa XIII thông qua hồi tháng 11/2015, và sẽ có hiệu lực đầy đủ từ 1/7 tới.
Một số nguồn tin cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo tới các đại biểu về kết quả rà soát BLHS 2015, mà qua đó tổng hợp trên 80 nội dung, điều khoản có sai sót, trùng lặp, lỗi kỹ thuật… Những sai sót này dẫn tới không thể áp dụng ngay BLHS theo mốc hiệu lực đã định.
Vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giải pháp là trình các đại biểu một dự thảo nghị quyết về việc lùi hiệu lực của BLHS 2015. Kèm theo đó là lùi hiệu lực của hai đạo luật có liên quan là Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức điều tra hình sự - đều có hiệu lực từ 1/7 tới. Như vậy, các luật hiện hành sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, vào nửa cuối tháng 7, Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo xin bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nội dung sửa BLHS. Đạo luật này sẽ được Quốc hội khóa mới sửa đổi sớm nhất có thể, và sau đó cùng với các luật liên quan sẽ có hiệu lực triển khai đồng bộ, thay thế các luật hiện hành.
Trong một hai ngày tới, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành sẽ nhóm họp để thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết đặc biệt này. Đặc biệt vì nghị quyết này được Quốc hội thông qua không phải tại phiên họp toàn thể ở Hà Nội, mà bằng cách họp tại từng đoàn. Và đặc biệt bởi đó là nghị quyết để khắc phục yếu kém, sai sót của chính Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật – cụ thể là BLHS 2015.
Theo PLO
TIN LIÊN QUAN |
---|