Thủy điện Suối Choang chậm tiến độ hơn 10 năm
(Baonghean.vn) -Thủy điện Suối Choang được khởi công xây dựng từ năm 2009, dự kiến đến năm 2012 sẽ hoàn thành, tuy nhiên đến nay thủy điện này vẫn chưa thể vận hành.
Chậm tiến độ hơn 10 năm
Nằm sâu trên thượng nguồn Khe Choăng, có hơn 400 hộ dân thuộc các bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) sinh sống từ nhiều đời qua. Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn càng khiến cho cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy người dân nơi đây, đặc biệt là ở những vùng của người Đan Lai sinh sống như Khe Nóng, Khe Bu. Đây được xem là khu vực khó khăn, nghèo đói nhất của cả huyện Con Cuông.
Con đường dẫn vào những bản làng này ngoằn nghèo, dốc đá lởm chởm, phải băng qua nhiều khe suối. Cũng vì giao thông đi lại khó khăn mà việc học của những con em ở đây càng thêm trắc trở. Mỗi lần vào đầu năm học mới hoặc ra Tết, các giáo viên, cán bộ xã lại phải đến từng nhà vận động cho con em đến trường. Một phần nguyên nhân khiến phụ huynh không mặn mà cho con đi học là bởi, từ năm lớp 1, các em đã phải vượt hàng chục km đường sá khó khăn để tới được trường ở trung tâm xã.
Theo lãnh đạo xã Châu Khê, hầu hết các hộ dân nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. “Nguyên nhân một phần đến từ dự án thủy điện Suối Choang kéo dài suốt 14 năm qua mà vẫn chưa xong. Dự án kéo dài khiến việc đầu tư hạ tầng cơ sở khó khăn, không làm đường vào các bản đó được. Vì thế, khu vực trong đó rất khó phát triển”, vị lãnh đạo xã Châu Khê nói và cho hay, nếu dự án thủy diện này tích nước, tuyến đường đi vào Khe Bu, Khe Nà và Khe Nóng sẽ phải nằm dưới lòng hồ, vì thế đến nay chính quyền chưa dám đầu tư làm đường. Không chỉ có giao thông, đến nay hơn 400 hộ dân nơi đây vẫn chưa có điện lưới để sinh hoạt.
Dự án thủy điện Suối Choang cắt ngang dòng Khe Choăng, được khởi công xây dựng từ năm 2009, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển MECO. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư là 74,5 tỷ đồng, công suất lắp máy được phê duyệt là 2,1MW, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012, điện lượng sản xuất trung bình hàng năm là 14,2 triệu Kwh. Tuy nhiên, sau đó dự án thi công ì ạch, thậm chí đình trệ suốt nhiều năm.
Đến cuối năm 2017, dự án thủy điện Suối Choang mới được tái khởi động. Tuy nhiên, từ đó đến tháng 4/2021, chủ đầu tư đã phải 3 lần xin điều chỉnh tiến độ và tổng mức đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong lần điều chỉnh cuối cùng, dự án đã nâng tổng mức đầu tư lên 145 tỷ đồng, trong khi điện lượng sản xuất trung bình hàng năm vẫn giữ nguyên; tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh, gia hạn tới tháng 8/2022 sẽ vận hành và phát điện lên điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, đến nay đã trễ hẹn tròn 1 năm so với lần gia hạn cuối cùng, nhưng dự án này vẫn chưa thể vận hành.
Chậm trễ tiến độ giải phóng mặt bằng
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, dự án đã thi công xong toàn bộ công trình phụ trợ như san lấp mặt bằng, cấp điện, nước thi công, kho bãi, lán trại, đường thi công. Hạng mục đê quai đạt 100% khối lượng; khu nhà quản lý điều hành của dự án đạt 100% khối lượng; hạng mục đập dâng đạt 100% khối lượng; hạng mục đập tràn đạt 80% khối lượng; đường ống áp lực hoàn thành 100% khối lượng; cửa nhận nước, cổng xả cát đạt 100% khối lượng; hạng mục nhà máy, kênh xả đạt 100% khối lượng; đường dây đấu nối 35KV đạt 100% khối lượng….
Để thực hiện dự án, năm 2009, UBND huyện Con Cuông đã thu hồi hơn 38 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân và UBND xã Châu Khê. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư mới chỉ hoàn tất việc bồi thường diện tích khu vực cụm đầu mối công trình của dự án thủy điện Suối Choang, với diện tích chỉ khoảng hơn 23.000m2, và hoàn thành cơ bản công tác đền bù cây cối hoa màu và vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực lòng hồ thủy điện. Còn phần đất nông nghiệp và lâm nghiệp bị ảnh hưởng, vẫn chưa được đền bù.
Ngoài ra, có 8 ha rừng tự nhiên sẽ bị ngập dưới lòng hồ nếu thủy điện vận hành, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết, thủy điện Suối Choang ảnh hưởng đến cả đường giao thông lẫn đường điện trên địa bàn. "Đến nay, phía chủ đầu tư mới chỉ đền bù hoa màu, tài sản trên đất. Chúng tôi nhiều lần đề xuất chủ đầu tư và các ngành liên quan sớm hoàn thiện công trình để nhân dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho người dân", ông Thương nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thủy điện Suối Choang được xây dựng với công suất lắp máy là 4MW, đúng với trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, trong Quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An, thủy điện Suối Choang được phê duyệt với quy mô chỉ 2,1MW.
Về tiến độ dự án, mới đây chủ đầu tư thủy điện Suối Choang tiếp tục có hồ sơ xin điều chỉnh dự án, trong đó đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thành "vận hành và phát điện lên điện lưới quốc gia vào tháng 6/2024".