Thủy quân lục chiến Mỹ chiến đấu như thế nào

12/04/2016 07:16

Thủy quân lục chiến Mỹ được tổ chức thành các đơn vị hỗn hợp không - bộ, có thể tác chiến độc lập không cần nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài.

thuy-quan-luc-chien-my-chien-dau-nhu-the-nao

Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh Mỹ số 13 diễn tập đổ bộ lên bờ biển. Ảnh: US Navy

Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC) là một quân chủng trong các lực lượng vũ trang Mỹ, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tiến công đổ bộ từ biển bằng phương tiện cơ động của hải quân, nhằm nhanh chóng triển khai các lực lượng vũ trang hỗn hợp trên bộ, trên biển và trên không.

Đơn vị Hỗn hợp Không, Bộ của Thủy quân Lục chiến Mỹ (MAGTF) là linh hồn trong cách thức tổ chức chiến đấu của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Biên chế của MAGTF không cố định, có thể thay đổi tùy theo tình hình. Đó có thể là đơn vị 500 lính đặc nhiệm triển khai phía trước ở châu Âu, hay các lữ đoàn viễn chinh (MEB) được xây dựng quanh trung đoàn bộ binh thủy quân lục chiến 15.000 quân, hoặc Lực lượng Viễn chinh 40.000 quân (MEF), theo USNI.

Mục đích của việc phân chia này là nhằm đảm bảo mỗi MAGTF - dù ở cấp độ nào - đều là một đơn vị tác chiến độc lập dưới quyền một người chỉ huy và không cần đến nhiều hỗ trợ từ bên ngoài khi hoạt động ở xa căn cứ. Đây chính là đặc điểm của tác chiến "viễn chinh", bản sắc của Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Khái niệm viễn chinh có vai trò quan trọng đối với Thủy quân lục chiến Mỹ, bởi lực lượng này được xây dựng để đổ bộ lên bờ biển của đối phương với số trang thiết bị mang theo ở mức tối thiểu.

thuy-quan-luc-chien-my-chien-dau-nhu-the-nao-1

Biên chế, trang bị của lực lượng MAGTF Mỹ. Đồ họa: USMC

Tất cả các đơn vị MAGTF ở mọi cấp đều được tổ chức giống nhau, gồm một lực lượng tác chiến trên bộ (GCE), lực lượng tác chiến trên không (ACE), một lực lượng hậu cần chiến đấu (LCE) và một sở chỉ huy.

Lực lượng tác chiến trên bộ (GCE) gồm bộ binh, pháo binh, trinh sát, thiết giáp, thiết giáp hạng nhẹ, lực lượng tấn công đổ bộ, công binh và các lực lượng khác khi cần. GCE được trang bị cả xe tăng chiến đấu chủ lực M1-A1, xe tấn công đổ bộ, xe thiết giáp hạng nhẹ, xe Humvee và xe tải hạng nặng.

Lực lượng tác chiến trên không (ACE) có nhiệm vụ hỗ trợ tấn công, tác chiến phòng không, chi viện hỏa lực đường không, tác chiến điện tử, kiểm soát máy bay, tên lửa và trinh sát đường không. Các nhiệm vụ này do các máy bay như Osprey MV-22, trực thăng tấn công AH-1Z Viper, tiêm kích AV-8B Harrier hay tiêm kích F/A-18 Super Hornet cất cánh từ các tàu đổ bộ và tàu sân bay đảm nhiệm.

Trực thăng AH-1Z Viper của Thủy quân Lục chiến Mỹ tấn công mục tiêu

Lực lượng hậu cần chiến đấu (LCE) có chức năng cơ bản là chịu trách nhiệm cung cấp đạn dược, lương thực và y tế trong chiến đấu, còn sở chỉ huy có trách nhiệm ra các mệnh lệnh tác chiến cho lực lượng thủy quân lục chiến thuộc quyền.

Ngoài các đơn vị MAGTF thông thường, Thủy quân Lục chiến Mỹ còn có lực lượng phản ứng nhanh không-bộ (MAGTF-CR), hoạt động ở Địa Trung Hải để giúp Mỹ kịp thời đối phó với các cuộc khủng hoảng ở châu Phi và Trung Đông. Lực lượng này được tổ chức gồm một đại đội bộ binh thủy quân lục chiến, 6 máy bay MV-22 Osprey và hai máy bay KC-130J Hercule.

thuy-quan-luc-chien-my-chien-dau-nhu-the-nao-2

Thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập đổ bộ bằng máy bay Osprey. Ảnh: USMC

Đây là lực lượng hạng nhẹ có tính cơ động cao, có thể phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa khủng bố hoặc một cuộc khủng hoảng bùng phát bất ngờ có thể đe dọa các đại sứ quán Mỹ trong khu vực, như những gì đã xảy ra tại lãnh sứ quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012 khiến 4 người Mỹ thiệt mạng.

Tuy được thành lập chủ yếu để chiến đấu viễn chinh, MAGTF cũng có thể hiệp đồng tác chiến với các đơn vị quân đội khác trong các chiến dịch quân binh chủng hợp thành quy mô lớn, thường là các đơn vị của hải lục không quân Mỹ.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thủy quân lục chiến Mỹ chiến đấu như thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO