Tích cực tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ

(Baonghean) - Để đối phó với tình trạng bệnh sởi tăng nhanh, ngành Y tế tham mưu cho UBND tỉnh ra Kế hoạch 121 ngày 20/3 về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng sởi và tiêm vét vắc xin sởi, tích cực triển khai thực hiện, kiểm tra đôn đốc các cơ sở y tế. Từ đầu tháng 4 đến nay, đã có nhiều địa phương hoàn thành việc tiêm phòng, một số địa phương khác đang tiếp tục triển khai...
Ngày 18/4, là ngày thứ 2 của chiến dịch tiêm sởi bổ sung được triển khai ở Thành phố Vinh, thế nhưng lượng người đưa trẻ đến Trạm y tế xã Nghi Kim tiêm phòng vẫn khá đông. Ủ đứa cháu đích tôn Nguyễn Hoàng Danh mới 12 tháng tuổi trong chiếc chăn mỏng, ông Nguyễn Hoàng Lai (xóm 5, Nghi Kim) tất bật làm các thủ tục cho cháu. Ông Lai lo lắng: “Tối qua nghe ti vi nói nhiều về trẻ tử vong vì bệnh sởi ở Hà Nội nên chúng tôi lo lắm. Bố mẹ cháu đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà, hồi 9 tháng tuổi cháu bị sốt, phải bỏ qua mũi sởi chưa tiêm được. Dừ nghe tin thế này, ông bà cho cháu đi tiêm ngay”…
Thấu hiểu nỗi lo này, các y bác sỹ ở trạm y tế xã Nghi Kim đã tích cực động viên ông bà Lai cũng như nhiều phụ huynh khác, cẩn thận khám sàng lọc cho các cháu. Bác sỹ Lê Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Kim cho hay: Thời điểm trước vì có nhiều thông tin nguy cơ tai biến, bất lợi do tiêm chủng nên người dân nghi ngại không dám cho con đến tiêm, riêng mũi tiêm vắc-xin Quinvaxem, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 50%. Còn đối với mũi tiêm sởi, cả xã chỉ có trường hợp cháu Trần Anh Tuấn là không tiêm (lý do là năm trước, lúc cháu 3 tháng tuổi, tiêm phòng về bị sốt cao phải nhập viện, quan niệm sai nên gia đình không tiêm chủng cho cháu nữa). Vừa qua cháu Tuấn bị mắc sởi. Đây là trường hợp mắc sởi duy nhất ở xã tính từ đầu năm đến nay… 
Tiêm vắc xin phòng sởi
Tiêm vắc xin phòng sởi
Ngày tiêm đầu tiên xã Nghi Kim có 75% số trẻ đến tiêm sởi, ngày hôm nay tiêm số còn lại. Qua rà soát, khám sàng lọc, có 20 cháu không tiêm đợt này vì đang bị sốt phát ban dạng sởi.
Số trẻ đến Trạm y tế xã Hưng Đông tiêm phòng sởi đạt tỷ lệ cao. Do phần lớn phụ huynh là công nhân, lịch tiêm phòng trùng với ngày làm việc nên trạm y tế đã linh hoạt tổ chức lịch tiêm theo từng xóm. Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hưng Đông cho biết: Trẻ tiêm sởi đợt này hầu hết tiêm mũi thứ hai; còn con em công nhân vì nhiều lý do khác nhau thì phần lớn mới được tiêm mũi đầu…
Nhờ được tập huấn kỹ từ trước, nên trong đợt này, việc tiêm phòng luôn đảm bảo sự an toàn. Ở trạm y tế Hưng Bình, cùng một lúc cả trạm trưởng và bác sỹ đứng ra khám sàng lọc kỹ cho trẻ. Phiếu khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm chủng cũng lần đầu tiên được phường Hưng Bình và thành phố đưa vào sử dụng. Trong hai ngày tiêm phòng, ở Thành phố Vinh đã không xảy sự cố tai biến nào, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%...
Thực hiện Kế hoạch 121 của UBND tỉnh và công văn chỉ đạo của Sở Y tế, huyện Anh Sơn đã có kế hoạch tiêm phòng cho các cháu ở 21/21 xã. Bác sỹ Phan Thế Hưng , Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay, đã tiêm phòng được cho 576/1.907 trẻ (9/21 xã); Ngày 18/4, tiến hành tiêm cho các cháu ở xã Trung Sơn và Cẩm Sơn, từ nay cho đến cuối tháng, sẽ tiêm cho tất cả số trẻ còn lại. Để đảm bảo an toàn tiêm phòng, Trung tâm đã thành lập đội cấp cứu lưu động, ứng trực ngay tại các điểm tiêm để sẵn sàng xử lý sự cố xảy ra.
Đến thời điểm này,nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi như ở Hưng Nguyên, Thanh Chương... Điều đáng ghi nhận, chiến dịch này triển khai trong hoàn cảnh gấp gáp, từ khi có văn bản đến khi triển khai đồng bộ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chương trình mục tiêu quốc gia cũng chỉ hỗ trợ thuốc và kim tiêm, không có các chi phí khác nhưng công tác điều tra và tuyên truyền được tổ chức kịp thời. 
Đánh giá về đợt triển khai tiêm bổ sung này, Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Quá trình tiêm các đơn vị đều tuân thủ các quy trình hướng dẫn của Trung tâm Y tế dự phòng, chưa có sai sót xảy ra. Một số nơi còn linh hoạt làm thêm giờ, sẵn sàng tổ chức các đoàn lưu động nếu các cháu không có điều kiện ra nơi tập trung tiêm phòng. Hiện nay, ngành đang tích cực đẩy mạnh việc tiêm phòng sởi; chú trọng việc khám sàng lọc trước tiêm chủng; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động; chỉ đạo các trung tâm y tế phối hợp các bệnh viện đa khoa giám sát dịch sởi, có phác đồ xử lý phản ứng sau tiêm chủng, chuẩn bị tốt nhân, vật lực phòng chống bệnh sởi”.
Tính từ ngày 1/1/2014 đến chiều 18/4/2014, toàn tỉnh có trên 200 trường hợp mắc bệnh sởi. Số bệnh nhân này cư trú ở 14/21 huyện, thành, thị trong tỉnh. Phần lớn các bệnh nhân mắc sởi đều được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (180 bệnh nhân), qua điều trị đã có 146 bệnh nhân khỏi bệnh, 78 bệnh nhân biến chứng viêm phổi, 10 bệnh nhân đã phải vào khoa hồi sức tích cực và 9 bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Tính đến nay, ở Nghệ An đã có 1 cháu bé, 11 tháng tuổi, ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương tử vong do sởi.
Qua thống kê có tới 85% số cháu mắc bệnh do chưa tiêm phòng vắc xin sởi, 15% còn lại mới tiêm mũi thứ nhất. Toàn tỉnh hiện có 120.000 cháu ở độ tuổi 9 - 24 tháng tuổi, 88% số cháu này đã được tiêm phòng sởi; Số lượng trẻ cần tiêm vét vắc xin phòng sởi trong đợt này là 33.500 cháu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ sốt thì cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, kiểm tra. Trong trường hợp sốt không rõ nguyên nhân thì nên điều trị ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới chứ không nên chuyển lên tuyến trên tránh tình trạng bị lây sởi ngay tại bệnh viện. Khi có kết quả xét nghiệm mắc sởi mới nhập viện tuyến tỉnh. 
Bài, ảnh: Mỹ Hà - Thành Chung

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.