Tích cực vào tôm vụ 2
(Baonghean) - Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích nuôi tôm vụ 1 toàn tỉnh là 1.350 ha với sản lượng thu hoạch đến hết tháng 8 ước đạt 3.405 tấn. Kết thúc vụ 1, bà con gặp khá nhiều khó khăn bởi nắng nóng kéo dài gây thiệt hại lớn cho diện tích nuôi. Vì vậy việc tiếp tục tiến hành nuôi vụ 2 được xác định là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nuôi.
Tại Thị xã Hoàng Mai, nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua khiến môi trường nuôi biến động, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm và một số bệnh dịch phát triển. Người nuôi tôm vụ 1 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng vẫn có nhiều hộ đạt năng suất cao do áp dụng quy trình nuôi tôm đảm bảo tính khoa học. Đến hết tháng 8, sản lượng thu hoạch của toàn thị xã là 1.800 tấn, đạt 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Để chuẩn bị bước vào vụ mới, trong tháng qua, 2 trại ương gièo giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn đã nhập về 32 triệu con giống, nâng tổng số lên tới 332 triệu con. Đồng thời, thị xã đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản để ương gièo 72 vạn tôm he giống. Đến thời điểm này, trên địa bàn đã nuôi thả 590 ha tôm vụ 2, đạt 140% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại phường Quỳnh Xuân, vụ 1 vừa qua, ông Vũ Đức Tường (khối 3) may mắn gặt hái thắng lợi. Gia đình ông có hơn 3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng với hệ thống 8 ao nuôi và 1 ao lắng được đầu tư xây dựng hợp lý. Gia đình ông thả nuôi 3 triệu con tôm giống, sau 90 ngày chăm sóc, tôm phát triển tốt, sản lượng đạt 28 tấn. Sau khi trừ chi phí lãi hơn 2 tỷ đồng. Vụ 1 thắng lợi, gia đình ông phấn khởi và tiếp tục thả tôm vụ 2 với 78 vạn con tôm giống. Chia sẻ về những dự định của gia đình về vụ tôm tiếp theo, ông cho biết: “Để tôm vụ 2 phát triển tốt, sau khi thu hoạch vụ 1, gia đình tiến hành vệ sinh và khử trùng ao nuôi cẩn thận. Sau khi hoàn tất mọi công đoạn, tiến hành bơm nước ngọt vào ao để ngâm 1 tuần cho sạch đáy, sau đó xả nước, phơi khô đáy rồi mới bơm nước mặn vào bắt đầu thả tôm. Giống tôm được gia đình mua ở trại giống của Công ty TNHH Hải Tuấn thuộc xã Quỳnh Liên, đây là một trong những trại giống có uy tín của địa phương. Vì những ngày đầu thả tôm vụ 2 trong thời tiết nắng nóng, trong khi tôm giống sức đề kháng yếu nên gia đình bổ sung nước vào ao nuôi thường xuyên và theo quy trình 10 ngày cấp 1 lần. Ngoài ra, gia đình đầu tư 32 dàn quạt máy sục khí. Với thời tiết thất thường, thời điểm giữa và cuối vụ tôm thường bị các loại bệnh đỏ thân, phân trắng, gan tụy. Đối với những bể nuôi được tráng đáy nền bằng xi măng thì cần xử lý vi sinh dày hơn, bổ sung chất kháng thể cho tôm. Đồng thời, trong những ngày mưa cần hạn chế cấp nước vào để đảm bảo lượng nước vừa đủ”.
Ông Vũ Đức Tường (Khối 3, Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai) kiểm tra quá trình sinh trưởng của tôm nuôi vụ 2. |
Phường Quỳnh Xuân hiện có 85 ha nuôi tôm vụ 2, chủ yếu là giống tôm thẻ chân trắng, tập trung nhiều ở khối 6 và khối 7. Ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Hiện nay, các hộ dân đã tiến hành thả tôm vụ 2, đạt khoảng 60 – 70% diện tích. Trước khi thả nuôi, địa phương đã tiến hành họp và thành lập 3 tổ ở những vùng nuôi tôm để giao trách nhiệm quản lý, trông coi và xử lý các vấn đề liên quan nảy sinh trong vụ nuôi, tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hộ dân tự ý xả nước thải trong ao nuôi ra ngoài môi trường. Ngoài ra, đẩy mạnh quá trình nâng cấp, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương trong khu vực nuôi tôm để thuận lợi cho việc đi lại cũng như thoát nước đảm bảo vệ sinh. Để hạn chế việc tôm bị mắc bệnh, kém phát triển, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các hộ nuôi cần nắm chắc khoa học kỹ thuật chăm sóc tôm, cũng như theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm để có biện pháp khống chế, không để dịch bệnh xảy ra”.
Nuôi tôm ở Quỳnh Bảng - Quỳnh Lưu. Ảnh Văn Hải |
Đối với Quỳnh Lưu, hiện các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện đã hoàn tất công đoạn xử lý ao nuôi và thả tôm giống cho vụ 2. Trong những ngày qua, huyện đã phân bổ 9,2 tấn thuốc để xử lý dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm. Đồng thời, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch nguồn tôm giống, nâng cao chất lượng ươm nuôi tại các trại sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất tôm giống của huyện đã sản xuất và xuất bán được 305 triệu con tôm giống, đạt 127% kế hoạch năm. Hiện nay, huyện tập trung làm tốt công tác kiểm dịch tôm giống, kiểm tra lấy mẫu nước thường xuyên nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi và phấn đấu giành thắng lợi trong nuôi tôm vụ 2 năm nay.
Về xã Quỳnh Thanh, địa phương có 75 ha nuôi tôm đã được bà con đầu tư, chuẩn bị kỹ càng cho vụ mới. Gia đình ông Trần Văn Thường (xóm 14) có tổng diện tích nuôi tôm 3 ha đã hoàn tất công đoạn thả nuôi hơn 2,4 triệu con giống. Sau 28 ngày khoanh nuôi, nhìn chung tôm phát triển tốt, tuy nhiên có một diện tích nhỏ xuất hiện hiện tượng tôm bị bệnh đường tiêu hóa. Để khắc phục, gia đình đã mua thuốc về điều trị, đồng thời kết hợp với các loại thuốc lá truyền thống như lá mui, lá khỉ, cỏ mực giã nhỏ lấy nước trộn vào thức ăn. Ông chia sẻ: “Tôm vụ 2 thời tiết mưa nắng thất thường, lại không có gió Nam nên nguồn nước dưới ao khó cân bằng được nhiệt độ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng của tôm. Gia đình đã chuẩn bị vôi, đá bột khử phèn theo quy định cho những ngày mưa sắp tới, còn với thời tiết nắng nóng trong những ngày đầu vụ vừa qua thì tiến hành đánh phèn, kiểm tra nồng độ pH để có cách điều chỉnh hợp lý”.
Đầu vụ nuôi 2, bà con nuôi tôm đang gặp một số khó khăn khi những ngày đầu đã xuất hiện tình trạng tôm bị nhiễm bệnh. Chỉ tính riêng tháng 8 Thị xã Hoàng Mai đã có 18,64 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh, nâng tổng số diện tích tôm bị nhiễm bệnh lên 152 ha; cụ thể phường Quỳnh Xuân có hơn 79 ha, phường Mai Hùng là 36 ha, xã Quỳnh Lộc gần 18 ha... chủ yếu là bệnh đốm trắng và gan tụy. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng khiến tảo phát triển rất nhanh, trong đó, có nhiều loại tảo độc hoặc tảo chết phân hủy; cùng đó, khi tôm ăn quá nhiều trong điều kiện nắng nóng nên rất dễ bị mắc bệnh tiêu hóa. Chính vì vậy, người nuôi cần kiểm soát tốt lượng thức ăn, không để dư thừa, gây ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, nguồn cấp nước cho các đầm tôm ở một số diện tích nuôi đang bị nhiễm khuẩn, khiến cho mầm bệnh lưu trong nguồn nước. Điều này đòi hỏi bà con ở các vùng nuôi tôm phải tăng cường liên kết, phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát, xử lý tốt nguồn nước trước khi cấp cho ao nuôi.
Thanh Quỳnh - Việt Hùng