Tiềm ẩn bạo lực học đường từ không gian mạng

Tiến Hùng 22/02/2023 07:58

(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tục xuất hiện các video clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau. Điều đáng nói, trong nhiều vụ việc, nguyên nhân dẫn đến ẩu đả là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên không gian mạng.

Nữ sinh bị đánh đập, lột đồ vì câu bình luận trên Facebook

Trung tuần tháng 2, Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) vẫn đang xem xét, đưa ra các hình thức kỷ luật đối với các nữ sinh tham gia đánh nhau trong clip lan truyền trên mạng xã hội nhiều ngày qua. Cơ quan công an sau khi mời các nữ sinh lên làm việc cũng đã hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo điều tra của Công an xã Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu), có tới 7 nữ sinh cấp 2 của 3 trường học trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu liên quan đến vụ đánh nhau này. Trong đó, có 2 nữ sinh lớp 7 và 1 nữ sinh lớp 8, Trường THCS Quỳnh Phương có hành vi đánh nhau, làm nhục người khác, quay phim, chụp ảnh. 1 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Nghĩa cũng bị xác định có hành vi tương tự. Ngoài nữ sinh Trường THCS Tiến Thủy là bị hại, 2 nữ sinh còn lại trong vụ việc đều bị xem xét xử lý vì hành vi không tố giác tội phạm.

Ông Hồ Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cho biết, đến nay nguyên nhân dẫn đến vụ đánh nhau cũng đã được làm rõ. Theo đó, chỉ vì 1 câu bình luận trên mạng xã hội Facebook của nữ sinh lớp 7 Trường THCS Tiến Thủy, nhóm 3 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Phương đã vượt quãng đường 20km, tới tận trường lôi em này ra khu vực đê biển thuộc địa bàn xã Quỳnh Nghĩa để đánh đập. Các nữ sinh còn quay lại clip đánh nhau để đăng lên Facebook.

Công an lấy lời khai một nữ sinh trong vụ đánh nhau ở Anh Sơn. Ảnh: T.H

Nội dung trong clip cho thấy, nữ sinh lớp 7 bị nhóm bạn đánh đập dã man, lột đồ bất chấp sự cầu xin của nạn nhân. “Chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt trên mạng xã hội mà các em lại hành xử như vậy. Là hiệu trưởng, tôi rất lấy làm xấu hổ. Trong tiết chào cờ gần đây, tôi gần như dành cả buổi để nhắc nhở các em về vấn đề này cũng như kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn”, ông Tuấn nói thêm.

Đây không phải lần đầu, bạo lực học đường xảy ra chỉ vì nguyên nhân nhỏ nhặt trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, liên tục xuất hiện các video clip ghi lại cảnh học sinh, mà đặc biệt là nữ sinh đánh nhau. Nhiều vụ việc trong số đó, nguyên nhân xuất phát từ lối hành xử trên Facebook của các em.

Những năm qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và sự phổ cập Internet mạnh mẽ đã biến mạng xã hội, đặc biệt là Facebook trở thành một nền tảng giao tiếp phổ biến và được đông đảo người dân sử dụng. Nhưng ngoài mặt tích cực, việc sống ảo trên mạng xã hội cũng trở thành xu hướng của nhiều người, nhất là giới trẻ; hình thành nhiều thói hư, tật xấu vượt quá giới hạn. Đặc biệt là sau giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hầu hết các em học sinh đều được sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính để có thể học online.

Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa tiến hành khảo sát trong 3 tháng đầu năm 2022. Kết quả cho thấy, trẻ em sử dụng mạng Internet ngày càng nhiều. Cụ thể, trong 3 tháng khảo sát có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này, 87% sử dụng Internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội.

Cùng với những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng kèm theo những mặt tiêu cực cho trẻ em như: Tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội.

Hiện nay, hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều có những nhóm riêng trên mạng xã hội. Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin cho nhau những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm nhau. Ngoài ra, còn những dòng trạng thái, bình luận công kích, xúc phạm quấy rối, đeo bám, loại bỏ, cô lập, trêu ghẹo… cũng xuất hiện nhan nhản trên các tài khoản mạng xã hội. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường.

Lỗ hổng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội

Liên quan đến kỹ năng sử dụng mạng xã hội của các em học sinh, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, đơn vị cũng thường xuyên ban hành các văn bản, kế hoạch về vấn đề này. Tháng 2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo còn có một kế hoạch cụ thể gửi các nhà trường. Đó là Kế hoạch tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng năm 2021 và định hướng đến năm 2022.

Kế hoạch này yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng đảm bảo lành mạnh, hữu ích. Giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại, sai trái trên môi trường mạng đối với học sinh. Sở cũng yêu cầu 100% trường học, cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh khai thác, sử dụng môi trường mạng đúng quy định, phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh. 100% các trường học phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên quản lý, giáo dục chính trị đối với học sinh trên môi trường mạng…

Từ năm 2020, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học. Ảnh: Huỳnh Phú

Theo Hiệu trưởng Hồ Anh Tuấn, cũng như các trường khác, từ lâu Trường THCS Quỳnh Phương cũng thường xuyên lồng ghép chương trình dạy kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh vào các tiết học, đặc biệt là qua các tiết chào cờ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa cao. Các tiết học không có giáo trình cụ thể, mà chỉ dựa vào kiến thức của giáo viên. Còn học sinh thường “nghe trước, quên sau”. Nguyên nhân vì những chương trình này vẫn được xem như là môn phụ, không phải trải qua kỳ thi nên không được chú ý.

“Phải thừa nhận, hệ thống giáo dục chúng ta đang nặng về dạy chữ, dạy kiến thức, được đánh giá thông qua các kỳ thi. Còn yếu tố dạy người, dạy kỹ năng sống, dạy về truyền thống văn hóa tại các nhà trường không được chú trọng. Dù một số nội dung cũng có chương trình, nhưng là chỉ học theo hình thức”, thầy Tuấn thẳng thắn nói.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, toàn xã hội đang gặp khủng hoảng về việc quản lý con em sử dụng mạng xã hội. Bố mẹ đều phải trang bị điện thoại thông minh cho con từ rất sớm. Nhà trường lại không thể cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. “Khi các em có điện thoại thì 100% đều có tài khoản mạng xã hội. Về kỹ năng kỹ thuật sử dụng máy thì các em có khi còn sành điệu hơn thầy, cô. Nhưng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội lại chưa được trang bị. Đó là lỗ hổng cực kỳ nguy hiểm”, thầy Tuấn nói.

Đồng quan điểm với thầy Tuấn, một hiệu trưởng THCS khác cũng cho rằng, việc quản lý học sinh sử dụng mạng xã hội đang gặp khủng hoảng. “Nhiều em mới học lớp 6 thôi nhưng thật thà thừa nhận với tôi là nhiều hôm thức đến 3h sáng, lướt mạng xã hội, lập nhóm chát chửi bới nhau trên mạng. Rồi kích chuột vào xem các vụ cướp, giết, hiếp, thậm chí vào xem các trang web đen mà bố mẹ không quản lý được. Bởi vì bây giờ nhiều cháu lên cấp 2 hầu như đã có phòng ngủ riêng. Trong phòng được trang bị đủ thứ, đóng cửa lại là thế giới riêng. Về vấn đề này, nếu như gia đình không hợp tác hoặc bất lực trong quản lý, nhà trường cũng sẽ cực kỳ khó khăn. Nó cực kỳ nguy hiểm”, vị hiệu trưởng nói.

Sau vụ việc xảy ra ở Trường THCS Quỳnh Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, đơn vị đã có văn bản về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến tài liệu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị chỉ đạo và triển khai phổ biến các tài liệu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được đăng tải tại địa chỉ https://vn-cop.vn/tai-lieu đến các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, phụ huynh học sinh trong các nhà trường. Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tài liệu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng qua các hoạt động ngoại khóa, chính khóa, trong các giờ sinh hoạt lớp, thông qua các cuộc thi, diễn đàn về quyền trẻ em.

Mới nhất
x
Tiềm ẩn bạo lực học đường từ không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO