Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cận Tết
“Thực phẩm bẩn” là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những năm qua. Dịp cận Tết, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm tăng cao, mối lo này lại càng hiện hữu.
Thấp thỏm lo thực phẩm bẩn
Những ngày giáp Tết, có mặt tại khu vực chợ Xanh, thị trấn Diễn Thành, huyện Diễn Châu, phóng viên ghi nhận các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh mứt, hoa quả phục vụ Tết được bày bán khá nhiều với lượng người mua đông đúc. Mặc dù vậy, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra.
Tại khu vực sơ chế và nướng các loại hải sản ở chợ đều không có bàn kê, tất cả các công đoạn đều được tiểu thương chế biến ngay tại sàn gạch. Từng khúc cá được cắt lát chờ lên lò nướng được bỏ ngay dưới đất với nước bẩn lênh láng khiến nhiều người e ngại.
Cách đó không xa là các gian hàng bán thịt lợn, thịt bò và các mặt hàng chế biến từ thịt như xúc xích, lạp xưởng… Theo ghi nhận của phóng viên, các sạp hàng này đều không có lưới, màng che chắn ruồi nhặng, một số tiểu thương còn dùng tay không bốc thịt để bán cho khách. Tại gian hàng bán gia cầm, nhiều lồng gà, vịt, ngan… các loại để trên nắp cống thoát nước. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm bốc lên nồng nặc cả một góc chợ.
Ông Trần Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Diễn Thành cho biết: Hiện nay trên địa bàn có 3 chợ, bao gồm chợ Xanh, chợ chiều và chợ Phủ Diễn. Tại khu vực chợ Xanh lâu nay gặp khó khăn do chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ nên phần nào ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi nhận được phản ánh, thị trấn Diễn Thành sẽ cho kiểm tra tại khu vực chợ để chấn chỉnh về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tại địa bàn chợ thị trấn Hoa Thành, huyện Yên Thành cũng được bày bán nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống như hoa quả, miến dong, thực phẩm đông lạnh… nhưng hầu hết không có bao bì, tem nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như cá, tôm, tép cũng được bày bán chế biến ngay nền chợ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.
Bà Phan Thị Tuyết - Trưởng phòng Y tế huyện Yên Thành cho biết: Trên địa bàn huyện có 2.602 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 21 chợ. Đến nay, huyện đã nâng cấp được 10 chợ, tuy nhiên, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện vẫn đang còn nhiều tồn tại, đặc biệt là ở các chợ chưa được nâng cấp, có thể kể đến như vẫn còn một số cơ sở chưa được cấp giấy đủ điều kiện và ký cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn còn tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn phụ trách; chưa bám sát và triển khai kịp thời các văn bản cấp trên…
Không chỉ tại các chợ quê mà trên địa bàn TP. Vinh, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tái diễn. Theo thống kê, toàn thành phố có 26 khu chợ đang hoạt động, trong đó có các chợ lớn, là trung tâm mua bán của tỉnh như chợ Vinh, chợ đầu mối, chợ Ga Vinh… tuy nhiên, theo ghi nhận, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xuất hiện tại các khu chợ này.
Theo ghi nhận, tại chợ Vinh, khu chợ lớn nhất Nghệ An, người dân đã bắt đầu mua sắm hàng Tết, trong đó, các gian hàng bánh kẹo tập trung đông người mua. Tại cổng vào đình Tây chợ Vinh có hàng chục gian hàng bán bánh kẹo với đa dạng các loại, được bài trí khá bắt mắt, đặc biệt các loại kẹo cân, kẹo yến chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, các mặt hàng này không có nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ, không có hạn sử dụng, được bán với giá khá rẻ… Khi được hỏi thì một số tiểu thương mới vội vàng lấy nhãn mác để dán vào hàng hóa để đối phó.
Trên địa bàn TP. Vinh hiện nay, lò mổ Hưng Chính là lò mổ gia súc tập trung duy nhất sau khi lò mổ Nghi Phú dừng hoạt động. Mặc dù vậy, việc giết mổ gia súc tại đây chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, nhắc nhở về an toàn vệ sinh thực phẩm tại lò mổ này vẫn đang bỏ ngỏ.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 974 cơ sở giết mổ gia súc, trong đó, chỉ có 41 cơ sở thu gom giết mổ tập trung có sự giám sát của cơ quan thú y thường xuyên, còn lại 933 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đây là con số đáng báo động về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi các cơ sở nhỏ lẻ không được giám sát, kiểm tra thường xuyên, nhất là khi tỉnh Nghệ An đã liên tiếp xuất hiện các đợt dịch tả lợn châu Phi trong năm 2024.
Tăng cường kiểm tra
Theo số liệu của Sở Y tế, trong năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 1.632 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 20.719 cơ sở, trong đó có 19.870 cơ sở đạt (94,69%) và 1.114 cơ sở vi phạm (5,31%) với tổng số tiền xử phạt gần 3,5 tỷ đồng.
Các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu như: Cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không có hoặc đã hết hạn; Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; Người trực tiếp chế biến thức ăn không đầy đủ trang phục bảo hộ lao động theo quy định; Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm; Vi phạm về chất lượng sản phẩm không đảm bảo an toàn...
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm thuộc cấp huyện, xã quản lý, với 77 người mắc, không có trường hợp nào tử vong.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, có thể kể đến như: Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn phân tán, chưa tập trung đầu mối; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã chưa thường xuyên, chủ yếu mới chỉ tập trung vào các thời điểm cao điểm; Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết thêm: Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nguồn thực phẩm đổ về Nghệ An khá nhiều, trong đó, có khá nhiều mặt hàng lực lượng chức năng qua kiểm tra đều không rõ nguồn gốc xuất xứ như nội tạng động vật, trứng, bánh kẹo…
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; vận động người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm… Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm, quán ăn, chợ, các cơ sở sản xuất thực phẩm, chất phụ gia… trên địa bàn.