Tiên phong đổi mới dạy và học môn Tiếng Việt 1

29/03/2015 17:36

(Baonghean) - Năm học 2014 - 2015 là năm thứ hai Nghệ An là 1 trong 42 tỉnh, thành trong cả nước triển khai chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (CNGD) nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong đó, huyện Thanh Chương là một trong những địa phương tiên phong trên toàn tỉnh triển khai chương trình đại trà và đã thu được những kết quả bước đầu.

Năm học 2013- 2014 huyện Thanh Chương hưởng ứng thực hiện thí điểm tại 12 trường tiểu học với 1.128 học sinh theo học chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD. Trường Tiểu học Võ Liệt 1 là một trong những trường đó. Lần đầu tiên áp dụng phương pháp giảng dạy môn Tiếng Việt mới với nhiều điểm khác biệt so với chương trình giảng dạy truyền thống, nên giáo viên còn bỡ ngỡ Phòng Giáo dục huyện đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đồng thời thành lập tổ cốt cán, đi dự giờ để hỗ trợ trực tiếp cho các giáo viên; lãnh đạo Trường Tiểu học Võ Liệt 1 vào cuộc đánh giá, nhận xét giáo viên thường xuyên để khắc phục những tồn tại, vướng mắc. Nhờ đó, phương pháp giảng dạy mới đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cô giáo Đặng Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Liệt 1 cho biết: Sau năm đầu tiên thí điểm áp dụng chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt của nhà trường đã thay đổi tích cực. Giáo viên hướng dẫn cho học sinh học theo một quy trình với 4 việc cụ thể; tập trung vào cấu tạo ngữ âm của tiếng, đảm bảo học sinh năm chắc về nguyên âm, phụ âm, nắm rõ một vần… Đặc biệt là các em nắm rất chắc luật chính tả. Nhờ đó mà năm đầu trường thí điểm chương trình tại 3 lớp 1, tỷ lệ học sinh đọc thông viết thạo các môn tăng so với năm học trước (chỉ còn 1/88 em viết còn chậm so với 2/63 em chữ viết chưa đẹp và đọc chậm). Năm học 2014 - 2015 là năm thứ 2 triển khai chương trình nên giáo viên và học sinh đã vào “guồng” và hào hứng với phương pháp học mới.

Kết thúc năm học 2013 - 2014, cả 12 trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Chương áp dụng thí điểm chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD đều ghi nhận chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học môn Tiếng Việt; với trên 96% học sinh đạt học lực trung bình trở lên, trong đó 43% học sinh đạt loại giỏi. Để tiếp tục nhân rộng phương pháp học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục huyện đã triển khai đại trà chương trình này trong năm học 2014 – 2015.

Việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đưa Tiếng Việt 1 - CNGD vào giảng dạy đại trà đã được ngành Giáo dục huyện chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm học. Thầy Đặng Văn Hoá, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thanh Chương cho biết: “Ngay từ tháng 5/2014 phòng đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ giáo dục tổ chức đợt tập huấn với quy mô lớn: mời GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - tác giả của chương trình và các cán bộ Vụ Giáo dục tiểu học tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên của 42 trường tiểu học trên địa bàn toàn huyện. Qua đó, các cán bộ, giáo viên được tập huấn kỹ càng từ tư tưởng, quan điểm, phương pháp nghiệp vụ dạy Tiếng Việt 1- CNGD, đặc biệt là thực hành kỹ thuật của từng dạng bài, mẫu bài, kiến thức ngữ âm, luật chính tả để sẵn sàng triển khai áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Đồng thời chỉ đạo các trường chú trọng công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh nhằm chuẩn bị tâm thế cho con em chuẩn bị bước vào lớp 1 với phương pháp học mới. Tăng cường kiểm tra, hỗ trợ trực tiếp đối với các giáo viên kịp thời khắc phục vướng mắc để chương trình triển khai có hiệu quả.

Năm học 2014 - 2015 này, 100% trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Chương triển khai đưa công nghệ giáo dục vào giảng dạy bộ môn Tiếng Việt tại 38 lớp với 3.200 học sinh. Cô Trần Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hưng cho biết: Một học kỳ đã qua, giờ đây cô và trò đã quen với phương pháp học theo quy trình 4 việc, nên thấy nhẹ nhàng và dễ thực hiện hơn. Giáo viên không phải soạn bài nhiều nên có thời gian để nghiên cứu thiết kế bài giảng. Học sinh tự tư duy bài dưới hình thức nghe, hiểu và viết lại nên tiếp thu nhanh hơn. Điều dễ nhận thấy là học sinh học đến đâu hiểu chắc đến đấy. Bởi vậy, kết thúc học kỳ 1, học sinh có thể nghe để viết (chứ không nhìn chép), chữ viết theo toạ độ, đều và đẹp hơn. Nếu như trước đây, hầu hết học sinh sang học kỳ 2 mới đọc được văn bản, thì với phương pháp học mới, kết thúc học kỳ 1 các em đã đọc thông, viết nhanh. Kết thúc học kỳ 1, theo kết quả đánh giá của Trường Tiểu học Thanh Hưng, có 74 em học sinh lớp 1 đều biết đọc và viết, chỉ có 2 em đọc còn chậm hơn. So với thời điểm này năm học trước, vẫn còn 9 em viết và đọc còn non.

Theo đánh giá chung, phương pháp học tiếng Việt 1- CNGD đã và đang tạo sự chuyển biến mới mẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tốt các môn học khác. Trong thời gian tới ngành Giáo dục Thanh Chương tăng cường chỉ đạo tổ cốt cán phối hợp với các trường trực tiếp dự giờ để hỗ trợ giáo viên, đánh giá, phân loại học sinh. Từ đó nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng các học sinh còn yếu hơn để hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc viết cho các em. Đồng thời, ngành tiến hành hội thảo cấp cụm (mỗi cụm từ 8-10 trường), mỗi tháng một lần, để đánh giá, rút kinh nghiệm, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm triển khai hiệu quả chương trình, nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Việt 1 - CNGD, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Tiên phong đổi mới dạy và học môn Tiếng Việt 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO