Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: 3 điều Nhà nước kiến tạo phát triển cần làm
(Baonghean.vn)- Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh tư liệu. |
» Ngẫm về vụ việc Nguyễn Đình Thục: Con vua có lỗi cũng xử như con dân!
Chính phủ kiến tạo phát triển là một trong những thuật ngữ đang vào mốt và được nhắc tới nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ kiến tạo phát triển chỉ là một bộ phận của nhà nước kiến tạo phát triển và chỉ vận hành trong nhà nước kiến tạo phát triển. Hơn thế nữa thuật ngữ mà thế giới sử dụng là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state), chứ không hẳn là (developmental government). Vậy nhà nước kiến tạo phát triển là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi bên lề tại Hội nghị truyền thông về Quốc hội cho sinh viên các trường đại học. Ảnh Internet. |
Thực ra, nhà nước kiến tạo phát triển là thuật ngữ được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson (1931-2010) đưa ra từ năm 1982, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, các nước Đông Á và nhiều nước khác đã đi theo xu hướng này và đều được coi là những nhà nước kiến tạo phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa mô hình nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Đây là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.
Thế thì nhà nước kiến tạo phát triển cần phải làm những gì?
Trước hết, nhà nước kiến tạo phát triển phải hoạch định được đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo...) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó. Thúc đẩy việc hiện thực hóa thì không có nghĩa là làm thay người dân và các doanh nghiệp, mà tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Hệ thống khuyến khích đó có thể hình thành từ chính sách chi tiêu công, thuế, tín dụng, thương quyền...
Ngoài ra, nhà nước còn cần phải phát huy ưu thế của nhà nước điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ thể chế để từng người dân và các doanh nghiệp có thể dễ dàng làm ăn. Quan trọng nhất ở đây là: quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do kế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.
Hai là, nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Bởi vì rằng đây là những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển. Đồng thời nhà nước cũng cần cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cho công chúng. Muốn làm được điều này, phải xây dựng được một bộ máy hành chính-công vụ hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm nghiêm ngặt trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ba là, nhà nước phải biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn.
Với một khuôn khổ khái niệm như trên, thì kể từ khi đổi mới (năm 1986), Nhà nước ta quả thực đã từng bước chuyển mình sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Vấn đề là chúng ta cần sớm làm sáng tỏ hơn nữa khung khái niệm để có những bước tiến mạch lạc và vững chắc hơn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
TIN LIÊN QUAN |
---|