Tiến sỹ văn học Lê Thanh Nga: Người 'đi lạc'

17/04/2017 11:16

(Baonghean) - Lê Thanh Nga, với tôi, là một người bạn, một người anh. Nhưng với nhiều thế hệ sinh viên Đại học Vinh, Lê Thanh Nga là một người thầy - một “ông đồ gàn” đáng kính.

Anh đã từng là tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ (thời điểm năm 2007), là một trong những tiến sỹ đầu tiên được mời về công tác theo diện “thu hút” của tỉnh.

Đã có lần, tôi nói với Lê Thanh Nga, tôi đã có cảm giác rằng anh là một kẻ lạc lõng giữa đời. Lạc lõng thực sự chứ không phải như một số người tự tách mình ra khỏi số đông, chọn một cuộc sống khác biệt, ngạo đời. Mà là Lê Thanh Nga đã phải khổ sở, vật vã, bằng tất cả sự ngây thơ, chân thành để hòa vào số đông ấy, mà vẫn không thể…

Khi tôi nói như vậy, anh đã thoáng xúc động. Hình như tôi đã gọi đúng cái một góc khuất của anh?

Tiến sỹ Lê Thanh Nga
Tiến sỹ Lê Thanh Nga.

Ẩn ức tuổi thơ

Lên 3 tuổi, ký ức về cha của Lê Thanh Nga, đứa con út trong nhà có tới 6 anh chị em, chỉ còn lại là cái võng cáng mà ông tộc trưởng và người chú đưa cha đi viện cùng một câu nói vui: Đưa cha bây đi nghỉ mát. Để rồi, cha anh sau đó một thời gian ngắn ra đi mãi mãi… Ông ra đi mà không biết rằng, cậu con trai mới lên 3 tuổi của mình trong mỗi bữa ăn của cả nhà, đều bắt dành một phần chờ cha…

“Gia đình công chức những năm tháng ấy nghèo lắm. Cha mẹ là giáo viên, sống giữa làng quê nhưng đâu có ruộng, có trâu, nhà lại mất đi trụ cột nên cuộc sống vốn đã vất vả lại càng thêm túng quẫn” - Lê Thanh Nga nhớ lại. Nhưng anh cũng thầm cảm tạ những tháng ngày gian nan đã cho anh thấu hiểu hơn cuộc sống, và từ đây đã thắp thêm niềm yêu của anh đối với văn chương.

Anh luôn nhớ về những buổi quây quần của gia đình, các chị của mình ngồi làm nón và đọc thơ cho nhau nghe. Đầu tiên chỉ là những bài thơ trong sách giáo khoa. Rồi sau đó thì một người đọc, cả nhà vừa làm vừa nghe, những Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Tam quốc, Kim Bình Mai… Cậu em út trong nhà đã thuộc những bài trong sách giáo khoa cho đến giờ là nhờ những buổi ngồi “hóng” ấy.

Còn gì nữa về những năm tháng ấy? Tôi đã hình dung cậu bé Nga nhỏ nhắn với đôi mắt tròn xoe, vẫn ngơ ngác từ ấu thơ cho tới tận bây giờ. Đôi mắt Nga, có người nói nó quá nhiều ẩn ức, đong chứa nỗi buồn không dễ giãi bày. Cậu bé - chàng trai - người đàn ông ấy đã chọn giãi bày nó trong thơ, trong những tản văn quặn thắt về “Ký ức sông quê”, “Giếng làng”.

Cậu bé lọt thỏm trong căn nhà “thống thếnh” (chữ dùng của Lê Thanh Nga), lang thang trong khoảng sân nhỏ, bạn bầu với những cuốn sách và một mũi kéo. Nói mũi kéo là vì không có giấy vẽ nên anh dùng cái mũi kéo ấy để vẽ trên nền nhà đất. Vẽ ngày ấy là niềm vui vô tận của Nga.

Nền nhà, khi ấy lúc nào cũng nham nhở. Dù bị mẹ và các anh chị cấm, nhưng cũng không ngăn cản được niềm đam mê ấy. Lê Thanh Nga đã ao ước biết bao được trở thành một họa sỹ, nhưng rồi vì phải đắn đo về kinh phí học mỹ thuật mà Lê Thanh Nga đã rẽ sang hướng học làm thầy giáo.

“Tuổi thơ tôi lớn lên trong từng giọt mát lành của giếng làng. Tuổi thơ tôi lớn lên trong lời ru của mẹ (cũng giống như hàng tỉ người đã sống hoặc đã chết trên thế gian này), trong ca dao, tục ngữ, trong truyện cổ từ miệng của những người già, những buổi xem tập vở, diễn vở của phường tuồng và tự hào vì mẹ tôi là nhân vật chính như Trưng Trắc, Ngọc Hoa, Cúc Hoa...

Mười tuổi, tôi đọc thơ Nguyễn Trãi. Tôi không ngờ chính thứ tuổi thơ tưởng êm đềm ấy sẽ đưa tôi vào sóng gió, biến tôi thành ngu ngơ trước những đen bạc của lẽ đời, đã xui tôi vào những giấc mộng viển vông vô nghĩa.

Tôi thậm chí đôi khi còn ngu ngốc hình dung mình là con ngựa trắng không dây cương trên thảo nguyên mông mênh nắng gió và nhiều thứ khác đại loại thế. Hình như tất cả những đứa trẻ sớm tiếp xúc với cổ tích ca dao sau này lớn lên thường hay ngộ nhận, nhạy cảm, nhàu nát, nông nổi và dễ tổn thương”.

Tác phẩm phê bình văn học của Lê Thanh Nga
Tác phẩm gồm những bài tiểu luận và phê bình văn học của Lê Thanh Nga.

Cuộc "hạnh ngộ" với văn chương

Chính tuổi thơ đã thắp lên những ánh lửa văn chương để sau này anh yêu, say mê nó. Dù anh đã không ít lận đận, dù anh nói “xui tôi vào những giấc mộng viển vông, vô nghĩa”, dù “nhạy cảm, ngộ nhận, nhàu nát, nông nổi, dễ tổn thương”, nhưng chưa bao giờ Lê Thanh Nga có một chút hối hận nào khi chọn bước chân vào nghiệp văn (là giảng viên văn học, người làm nghiên cứu, phê bình văn học, làm thơ, viết văn…).

Với Lê Thanh Nga, gọi là “gặp gỡ” thôi chưa đủ, phải gọi là cuộc “hạnh ngộ” với văn chương. Đã có lần tôi hỏi Nga, văn chương đã đem lại cho anh điều gì? Anh nói: “Nó đem lại cho tôi một cuộc sống túng quẫn, một cái nhìn nhiều khi khinh bạc, đắng cay, một gan góc sống như mình muốn. Điều đó khiến tôi thanh thản khi đối diện với mình. Và quan trọng là thấy mình đỡ tẻ nhạt, ngay cả khi mình lầm lụi, câm lặng thì vẫn không thấy mình tẻ nhạt, làm người mà tẻ nhạt thì chán lắm.”

Những bài thơ, những tác phẩm mà mẹ và các chị đọc lúc làm nón, cùng với không gian văn hóa làng quê, nơi có những phường nón rộn rã câu hò, nơi có ông cố Đống với kho truyện tiếu lâm kể mãi không hết và không chán, có bà cố Ngườn thuộc biết bao là thơ, bao câu hò đối… đã làm nên tình yêu thứ nhất của Lê Thanh Nga với văn chương.

Tình yêu thứ 2 phải kể đến, đó là những cuốn sách giáo khoa cũ kỹ, những cuốn sách và tạp chí mẹ mượn được ở thư viện về nhà, cả những cuốn sách mà Lê Thanh Nga nhịn ăn, nhịn mặc để có được trong hành trình đi học, đi làm và mãi cả bây giờ…

Tiến sỹ Lê Thanh Nga

Sinh năm 1976. Quê ở xã Đồng Văn (Thanh Chương)

Giảng viên Khoa Sư phạm Ngữ văn, Đại học Vinh

Hội viên Hội VHNT tỉnh

Trưởng ban Văn học Hội Văn nghệ thành phố Vinh

Tác phẩm đã xuất bản:

Những gương mặt quen và lạ (nghiên cứu, phê bình)

Văn học hiện thực con người (nghiên cứu, phê bình)

Giải B Hồ Xuân Hương năm 2010.

Còn rất nhiều điều nữa, dẫn Nga đến với văn chương. Như anh là học sinh giỏi văn nhiều năm, đã từng đi thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 1987 (khi ấy Lê Thanh Nga học lớp 5 trường làng). Chuyến bắt xe đò xuống Vinh cùng với mẹ để đi thi học sinh giỏi năm ấy, cũng là chuyến đi xa bằng ô tô đầu tiên của cậu bé Nga.

Cũng chuyến đi này, Lê Thanh Nga đã tập tọng làm bài thơ đầu tiên, bài thơ về một chuyến xe, còn nhiều ngô nghê nhưng là một dấu ấn quan trọng để sau này, anh tiếp nối những sáng tác văn chương.

Năm 1995, Lê Thanh Nga có bài thơ đầu tiên đăng trên Tạp chí Sinh viên Việt Nam. Rồi Nga trở thành chủ nhóm bút Dòng xanh của Đại học Vinh nhiều năm liền.

Suốt những tháng năm sinh viên, nỗi gian nan, vất vả trùm lên cuộc sống của Nga cũng như người mẹ nghèo ở quê của anh. Chính là những cuốn sách, chính là tình yêu văn chương đã giúp anh neo lại, nhẫn nhịn và cố gắng để vượt qua tất thảy. Để anh là một trong số ít những sinh viên xuất sắc nhất, trở thành thạc sỹ rồi tiến sỹ ngành văn trẻ nhất lúc bấy giờ.

Về tỉnh, theo diện thu hút, Lê Thanh Nga công tác tại Tạp chí Sông Lam (Hội VHNT tỉnh), rồi sau đó, bước ngoặt khác đưa anh đến làm giảng viên đại học. Anh hóa thân mình làm “người thổi sáo”, lặng lẽ khúc hoan ca của mình để lấp đi những “biền biệt” “ưu phiền”, những “hoang dại mênh mông”, những “nhịp buồn” để kiếm tìm một giấc mơ.

Một giấc mơ khao khát hòa cảm với cuộc đời “Có phải từ thung xa rống lên những tiếng gọi bầy/ Có phải giọng cá trầm trầm nơi đáy sông sâu/ Có phải tiếng ốc bò buồn buồn từ nao nao phía cát/ Ta một đời mơ giấc mơ bay lên của loài chim cánh cụt/ Tóc mộng du cả sóng ngang trời.”

Người “đi lạc”

Lê Thanh Nga, dù đang vui vẻ cười nói giữa chốn đông người hay lặng lẽ một góc khuất, vẫn luôn mang đến cho tôi cảm giác ấy: người đi lạc. Anh lạc giữa đời, bởi chính “sự ngộ nhận” mà có lần anh thú nhận văn chương đã mang đến cho anh. Không phải ngộ nhận về bản thân đâu, mà ngộ nhận về cuộc sống, về con người xung quanh mình.

Anh cả tin, anh dễ xúc động, luôn “ngu ngơ” trước đời. Những cú lừa, những đòn giáng của cuộc sống dường như không làm anh thay đổi. Anh vẫn kiên trì với những suy nghĩ, phương cách sống của mình. Nhiều người nói anh “sống như vậy là dại, là thiệt”, nhiều người xem anh là “gàn dở”, nhưng Lê Thanh Nga biết, mình chọn điều gì, vững tâm để tiếp tục sống là mình, đúng với bản ngã của mình.

Với nhiều thế hệ học trò Khoa Sư phạm Ngữ văn Đại học Vinh thì thầy Nga là một tấm gương sáng về nhân cách, về sự tận tụy, tận tâm. Bao năm qua, Lê Thanh Nga vẫn sống cuộc sống khiêm nhường, giản dị của mình, với chiếc xe máy cà tàng hàng ngày đến lớp, vợ anh cũng là cô giáo, đang dạy học ở tận miệt Thái Hòa. Nhưng chưa bao giờ anh quá suy nghĩ về sự giàu nghèo.

Nghiêm khắc là thế, có chút gì như “bảo thủ” là thế, cứ nghĩ rằng Lê Thanh Nga hẳn là cứng nhắc? Nhưng con người “cứng nhắc” ấy có thể khóc trên những trang sách như một cậu học trò lớp 5, lớp 7. Lê Thanh Nga đã từng vừa khóc vừa viết bài nghiên cứu về thân phận nhân vật ngoại biên trong tác phẩm của Franz Kafka.

Anh cũng nói, nhiều lần mình như rơi vào trạng thái trầm cảm, bởi anh thực chất vẫn có phần yếu đuối. Lê Thanh Nga dường như lấy cái vẻ cứng nhắc của mình để giấu đi đôi mắt buồn đến khóc, giấu đi những tầng tầng ẩn ức mà ai đó chạm vào nó sẽ tổn thương, rớm máu.

Lê Thanh Nga - người đi lạc ấy vẫn luôn loay hoay để có thể song hành cùng “nườm nượp” những con người ồn ã ngoài kia, vật lộn với bao nhiêu đau khổ giằng níu, và khát vọng được nhận ra chính mình, để rồi cuối cùng, anh lại chọn một hành trình cô độc “một mình nghe rong rêu” (Với Huế, thơ của Lê Thanh Nga - PV).

Mãi mãi, “ông đồ gàn” ấy, tự thấy mình vẫn là cậu bé trong “Ký ức sông quê”: “Con đã từng gạt thầm nước mắt thèm muốn khát khao khi chúng bạn cưỡi trâu thổi sáo; khi chúng bạn thánh thót mồ hôi níu sợi dây diều.

Con đã từng mơ giấc mơ vắt vẻo lưng trâu căng tiếng sáo ngang sông, mơ ước có một cánh diều để tự mình cắt dây cho ước mơ lên cao, cao mãi, nơi không bão lũ, không nắng hạn, không có tiếng chửi bới của người hàng xóm phá tan sự tĩnh lặng vĩnh hằng”…

Và tôi, khi viết những dòng này, biết Lê Thanh Nga lại đang quay cuồng, tất bật trong cuộc sống với bao nhiêu dự định chưa thành, để tối về, trong căn phòng nhỏ, một ngọn đèn đêm lại thức cùng anh, cùng những trang sách đã đồng hành cùng anh suốt chặng dài khó khăn của cuộc sống. Anh sẽ mỉm cười, cũng có thể thao thức, khi gấp lại trang sách của ngày hôm đó, và yên tâm rằng, mình đã sống một ngày không tẻ nhạt.

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tiến sỹ văn học Lê Thanh Nga: Người 'đi lạc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO