Tiếng chợ
Làng tôi cách chợ Nghèn một thôi đường. Chạy gằn như các bà hàng xáo thì chỉ một lần đổi vai, còn gánh rau như mẹ tôi, đặt đòn gánh lên, thủng thẳng là đến. Làng gần chợ nên từ xa xưa đã có nghề trồng rau và làm hàng xáo. Những năm sau này còn thêm nhiều nghề; người mua mít non chợ Thượng về băm ra làm nộm, làm dưa, làm nhút; người chà ruốc cáy đóng chai, đóng hũ, người buôn xổi đầu chợ bán cuối chợ. Chẳng thiếu thức gì , thứ gì. Gần chợ, nhà nhà thêm được đồng tiền chi tiêu, lại cũng thêm chuyện.
Hai vợ chồng chú B hay cãi nhau. Chú đi làm ăn xa, vợ ở nhà buồn tình xúc vài mủng lúa xuống chợ. Ngồi hàng quà cũng chỉ con bánh đúc hay vài lá bún chấm ruốc bể, bữa nào nhạt mồm mà chưa bán được thóc thì mua vài vắt lộc đỗ chấm muối. Ăn quà cốt lấy no. Thế rồi cót thóc vơi. Vợ chồng chì chiết nhau, bên nhà tôi nghe rõ mồn một. Mẹ tôi tặc lưỡi “Ngủ ngày quen mắt, ăn trắt quen mồm”.
Bác Thứ gái tôi lại là chúa đi chợ về muộn. Người ta về đông về tây, bác vẫn la cà đâu đó, không ai biết bác ở dưới chợ làm gì, mua gì. Hỏi, ai cũng bảo vừa gặp bác. Trưa trật mới thấy bác cắp rổ về. Mấy ông trước ngõ nhà bác đã quen, cứ nửa đùa nửa thật giục con dọn bữa trưa: “Nhanh, dọn cơm ăn, bà Thứ đã về rồi”. Lũ chúng tôi cũng đã quen lệ, nhác bóng bác chợ về thì chuẩn bị đi học là vừa. Hôm nào bác vắng chợ là y như rằng có thằng đến muộn, bị quỳ vỏ mít. Tan học, mấy thằng lêu lêu đứa bị phạt. Chỉ thấy nó mặt đỏ tía tai, tay xoa đầu gối mồm nhăn nhó: “Răng bữa ni bà Thứ không đi chợ hè?”. Mưa như nắng, đông như hạ, chưa bao giờ nghe bác trai phàn nàn, nhà lặng lẽ như không.
Lắm lời nhất làng là bà B. Mẹ bà ngày xưa làm nghề quét chợ Nghèn. Bà cụ chửi nhau giỏi lắm, ai cũng thua. Đến đời bà, có giảm, nhưng chửi vẫn hay. Nhất là gà ai vào vườn bà :“Bay ơi, ơ bay! Có nhốt ga lại không hay là để tau chưởi”. Bài chửi gà vào vườn của bà có đầu có đuôi có xuôi có ngược, chúng tôi cứ đứng vểnh tai, há hốc mồm mà nghe. Mẹ ra kéo vai tôi: “Về! Gà nhà ta có thả đâu mà đứng hóng”...
Làng trồng rau kị nhất chuyện thả gà. Có vô tâm, bận việc đến đâu cũng phải ra sông đợi người đi bè về qua mua vài vác nứa tươi chẻ gài manh manh, giữ gà, giữ chó. Muốn có rau đi chợ phải kín vườn, cũng như nghề hàng xáo thì cối xay, cối giã phải tốt.
Nhà bà Linh khiếm thị không biết nhờ đâu mà có bộ cối giã gạo thuộc loại nhất xóm. Thân cối bằng đá Thanh nguyên khối cao hơn đứa bé lên năm, tang cối gỗ mít đỏ ròng, còn cần, chày, giá bằng gỗ tốt. Bà làm nghề giã gạo thuê cho các o hàng xáo. Lũ chúng tôi chơi trò đánh giặc giả, hay trốn trong nhà bà. Có người đến chơi, bà mồm nói, tai nghe, chân nhún nhịp nhàng. Gạo bà giã đưa xuống chợ, khách quen tranh mua, hột nào hột nấy trắng bóng như bây giờ người ta chuốt máy. Nhà có khách, mẹ tôi mang gạo nhà sang đổi, đong dôi vài ống bà cũng không ưng. Nhưng thuê giã thì bà vui lắm. Chuyện cứ xoắn xuýt cho tới khi mẹ con tôi ra tận ngoài ngõ.
Tiếng chày giã gạo của người đàn bà mù độc thân chỉ ngừng vào bữa ăn trưa. Hình như bà không ngủ, cứ thậm thịch thế thâu đêm, tôi học khuya vẫn nghe. Sau này lớn lên, làm ăn xa, cứ hễ thức khuya khi bốn bề lặng ngắt lại nghe tiếng chày thậm thịch của bà Linh, từ thẳm sâu ký ức dội thẳng vào ngực tôi. Thảng thốt, nghẹt thở, đẩy tôi về miền xa lắc, thuở hay ngẩn ngơ.
Tháng áp Tết, người ngoài Bắc gọi là cữ một chạp. Trời khô, hanh lạnh, ít mưa. Trước một chạp là cữ gió. Gió thổi khô hết ngõ lội tứ phía ngoại thành, thổi đỏ lá bàng, rụng trụi lá xoan để đêm sâu hun hút lòng đường phố mùi dạ hương riết róng quẩn chân người. Và, lũ chúng tôi mấy thằng đêm đêm xa xẩn bát phố, chơi khan. Chơi rõ khuya rồi mới chịu về. Về, đóng chặt cửa, vùi đầu vào chăn. Đêm tĩnh hẳn, tiếng xe máy đơn lẻ và tiếng rao khuya lặng bặt thì bỗng đâu từ trong đầu ong ong, rì rào, râm ran một đợt sóng âm. Tiếng ngỡ như tiếng giã gạo? Tiếng động biển? Ở đây xa biển lắm. Thôi, phải rồi. Tiếng chợ! Tiếng từ miền trẻ thơ xa vời mà day dứt, cứ theo hoài ngày cuối năm xa quê.
Nhà tôi không quá gần chợ Nghèn, cũng không quá xa, đủ nghe rõ để biết khi đông, khi vãn. Ngồi trên lưng trâu, tôi không cần giỏng tai vẫn nghe u u, khi gần như một đàn ong khổng lồ lào rào, khi xa rền âm âm như động bể. Tiếng chợ ngày Tết rền lâu hơn, sớm hơn, rộng ra bốn phía nghe ấm mà vui. Đang vỏng vót thế này có nghĩa là còn lâu mẹ mới về. Tới khi đã nhẹ, đã nhạt rồi, mới nghe rõ một vài tiếng đì đẹt từ trong làng vọng ra, thế tức là đã có thằng nào may mắn hơn tôi, được xuống chợ Nghèn mua pháo, thứ bán lẻ từng quả một, chỉ giỏi cháy ngòi doạ người, làm lũ chúng tôi chạy thật xa, bưng hai tai để rồi cuối cùng chỉ được nghe một tiếng ...bục ! Mười quả may ra nổ được một hai. Tiếng vừa rồi có lẽ là pháo của lũ thằng Trí, thằng Mậu. Tôi vội vã giong trâu về.
Mẹ tôi đang ngồi ở bậu cửa, tay chống đòn gánh, tay cầm nón quạt. Không biết mẹ đang kể chuyện với ai mà điệu bộ vui thế. Chắc không phải với cha tôi, vì ông đang dạy học xa chưa về. Cũng không phải với hai chị tôi, các chị đang cấy ngoài đồng. Hoá ra mẹ đang nói chuyện với mự Quế, em dâu út. Hai chị em vốn thân nhau nhất nhà. Mự tôi sang xin lửa, tay cầm núm rơm vo tổ chim vung vẩy xuýt xoa, khói ngún đầy nhà. “Này, cái con mẹ chợ huyện thế mà cân điêu. Mình khảo ở nhà già lắm rồi mà bắc lên cân nó là non. Lần sau không bán cho nó nữa”. Mẹ tôi lắc đầu than vãn. Khói rơm che mặt hai chị em. “Cải bắp su hào năm nay vào muộn thế không biết, đang khó mua..!”. Mự tôi chỉ cười, vung nắm rơm đến khi lửa chực bén ra tay mới lật bật chạy về.
Chợ Nghèn hai bảy Tết là phiên đại, to nhất trong năm, cũng là phiên áp Tết. Ai chưa sắm sửa mua thêm nồi đất, dao thớt, tra khâu dao rựa, mua rau dưa, hành kiệu dự trữ thì còn phiên xép ngày hai tám, sang phiên hai chín chủ yếu là mua thịt. Mua sớm quá khó để, mà cũng chẳng có nhiều.
Từ ngày hai mươi tháng chạp trở đi, ngày nào mẹ tôi cũng đi chợ bán rau. Có ngày hai buổi, có ngày chẳng mua sắm được gì. Lần nào đi chợ về mẹ cũng vui, nhưng cũng lại than vãn hàng họ khó mua. Ngày nào hai anh em tôi cũng ra ngõ ngóng mẹ. Tiếng chợ còn đang vỏng vót thế kia, chắc mẹ còn bận...
Mẹ tôi, bác Thứ trai, bà Linh, bà Bao giờ đã ra người thiên cổ. Vợ chồng chú B. đã vào Nam làm ăn. Chợ Nghèn đã nhiều lần đổi địa điểm, năm nay đang đập đình cũ để xây mới, làm Trung tâm thương mại. Ngày Tết, tôi dẫn vợ vào siêu thị. Hàng như núi, chất ngất mà lặng im như tờ. Chốc chốc vợ tôi lại kéo vai. Tôi giật thót mình, ngỡ như mẹ ngày nào đang giữ cho tôi không đổ xuống hàng nồi đất, bánh đa. Tôi ngơ ngác lặng im; trong đầu lại âm âm tiếng chợ. Như có đàn ong mật ở đâu xa, đông lắm, đang rù rì, rồi chấp chới, lấp lóa trong đầu!
Truyện ngắn của Trần Đắc Túc (Hà Tĩnh)