Tiếng chuông cảnh báo từ vụ ông Trần Văn Truyền

23/11/2014 15:32

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo thông cáo báo chí này, với những vụ việc liên quan đến nhà đất cụ thể, ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tổ chức đảng, sẽ bị kiểm điểm, xử lý…

Đây là “thông cáo báo chí”, được thông tin rộng rãi đến mọi người dân, thể hiện tinh thần công khai, minh bạch trong đấu tranh chống tiêu cực của Đảng ta. Vụ việc liên quan đến một vị lãnh đạo từng ở vị trí cấp cao, phụ trách một lĩnh vực rất trọng yếu, nhưng kết luận của Ban Kiểm tra Trung ương thể hiện trong thông cáo báo chí rất chi tiết, cụ thể, chỉ rõ từng sai phạm mang tính cố ý vụ lợi của cá nhân người vi phạm, không né tránh hay nương nhẹ. Cách xử lý đối với những sai phạm của cá nhân ông Trần Văn Truyền và các tổ chức, cá nhân liên quan khác cũng nghiêm khắc, kiên quyết. Như thế không thể nói là có vùng cấm trong đấu tranh chống tham ô tham nhũng.

Mặt khác, ông Trần Văn Truyền đã nghỉ hưu từ năm 2011, nhưng nay phát hiện có vi phạm, thì vẫn kiểm tra, xem xét, xử lý, không thể cứ về nghỉ hưu là hết trách nhiệm, chối bỏ trách nhiệm, là “hạ cánh an toàn”như cái lệ lâu nay.

Một trong những căn biệt thự liên quan đến ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: VnExpress)

TIN LIÊN QUAN

Ngoài những vi phạm về nhà đất, ông Trần Văn Truyền còn có biểu hiện vi phạm về công tác tổ chức, khi trước lúc về hưu ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ, trong đó nhiều trường hợp không đủ năng lực, phẩm chất và chưa được quy hoạch. Dư luận đang chờ cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận và thông báo rộng rãi.

Việc công bố kết luận những sai phạm của một cán bộ cao cấp lúc này có hiệu ứng rất tích cực, thể hiện lời hứa đi đôi với hành động của những người có trọng trách của đất nước. Trong bối cảnh công cuộc phát hiện đẩy lùi tham nhũng thực tế chưa được như mong muốn, thì vụ việc này phần nào đem lại niềm tin cho nhân dân, đồng thời cũng nêu cao một thông điệp: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là có thật và đây là giai đoạn quyết liệt, bất kể là ai, nếu vi phạm, đều bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh.

Từ vụ việc ông Trần Văn Truyền, có nhiều điều cần phải bàn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc không phải từ thông tin mà cán bộ, đảng viên nơi ông Trần Văn Truyền từng công tác phát hiện, báo cáo, mà do dư luận quần chúng nhân dân và báo chí bỏ công điều tra. Ở đây cũng không hề có sự tự giác sửa sai hay hối lỗi của cá nhân. Đặt lòng tin quá mức vào sự gương mẫu, tự giác của cán bộ, dù là cán bộ cao cấp, đã phải trả giá đắt.

Rõ ràng có những trường hợp cụ thể, chức quyền càng cao thì lòng tham và sự vô liêm sỉ càng nặng. Việc bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ và kê khai tài sản cán bộ có chức vụ, dù rất đúng quy trình, nhưng thực ra cái quy trình ấy rất hình thức, không kiểm soát, phòng ngừa được nạn tham nhũng, có khi nó lại là cái màn che đậy cho những hành vi gian trá, vụ lợi.

Có ý kiến cho rằng, từ sự việc của ông Truyền hối thúc chúng ta nhìn lại toàn bộ nền công chức, công vụ, từ việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, cho tới cơ chế trách nhiệm và kiểm soát quyền lực… Đó là ý kiến xác đáng. Nếu không, sự việc ông Truyền chỉ là trường hợp cá biệt, “một bộ phận không nhỏ” vẫn tồn tại nhưng vẫn ở đâu đó, khó mà lộ ra ánh sáng.

Vụ việc ông Trần Văn Truyền như một tiếng chuông cảnh báo: Những ai, dù ở cấp nào, dù đã nghỉ hưu, nếu tham lam, làm trái luật nước phép đảng, trái với đạo đức của kẻ công bộc của dân, dù gian dối đến đâu, cũng sẽ bị xử lý./.

Uông Ngọc Dậu/VOV

Tiếng chuông cảnh báo từ vụ ông Trần Văn Truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO