Tiếp nhận bộ sưu tập quý của cố GS Đoàn Trọng Truyến
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập tư liệu, hiện vật của cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đoàn Trọng Truyến do gia đình Giáo sư trao tặng.
PGC.TS Nguyễn Văn Huy tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật từ đại diện gia đình cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến. |
Bộ sưu tập của cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đoàn Trọng Truyến, nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) với hơn 7.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến sự nghiệp làm khoa học của ông bao gồm: Nhật ký, bản thảo bài giảng về hành chính, bản thảo sách, đề tài nghiên cứu khoa học; từ điển bách khoa toàn thư; tài liệu liên quan đến các chương trình cải cách hành chính, kinh tế; tài liệu về hoạt động nghiên cứu; ảnh tư liệu; các hiện vật gắn với quá trình công tác cũng như sinh hoạt của ông từ sau năm 1945 cho đến cuối đời.
Đánh giá về giá trị của các tài liệu, hiện vật quý giá này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cho biết Giáo sư Đoàn Trọng Truyến đã rất chú ý đến việc lưu trữ những tài liệu cá nhân của mình. Đây là khối tài liệu quý giá, từ di sản mang tính cá nhân, nay đã trở thành di sản phục vụ cho công tác khai thác nghiên cứu của xã hội hôm nay và mai sau.
Trân trọng tiếp nhận bộ tư liệu hiện vật của cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với những cống hiến, đóng góp của Giáo sư Đoàn Trọng Truyến cho nền khoa học kinh tế, hành chính nước nhà.
Giáo sư Mai Hữu Khuê, nguyên Hiệu trưởng Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương (nay là Học viện Hành chính thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), người đã từng cộng tác ở nhiều năm với Giáo sư Đoàn Trọng Truyến xúc động nói: Giáo sư Đoàn Trọng Truyến đã kinh qua rất nhiều cương vị công tác quan trọng được Đảng và Nhà nước giao phó nhưng trên hết ông là một nhà nghiên cứu khoa học tận tâm và đầy nghị lực trong suốt sự nghiệp của mình. Những tư liệu hiện vật của Giáo sư thể hiện được giá trị lịch sử của nền khoa học kinh tế, hành chính cũng như quá trình công tác của cá nhân ông, phản ánh được tinh hoa trí tuệ và tinh thần yêu nước của tầng lớp trí thức Việt Nam từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho đến khi đất nước vừa bước sang giai đoạn đổi mới.
Điểm lại quãng đời sống và làm việc gắn bó lâu dài với cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến, nhà thơ Trần Việt Phương, nguyên Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bày tỏ đối với ông, Giáo sư Đoàn Trong Truyến vừa như một người anh gắn bó thân thiết, vừa là người đồng sự trong công việc phục vụ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
“Giáo sư Đoàn Trọng Truyến là một chính khách xứng đáng; một nhà giáo xứng đáng, là người thầy mà nhiều lớp học trò kính trọng; là một trí thức lớn góp phần làm rạng danh tầng lớp trí thức Việt Nam. Con người ông rất khiêm nhường, giàu lòng yêu nước, giàu chủ nghĩa nhân văn trong mối quan hệ với mọi người, từ lãnh đạo cấp cao đến những người dân bình thường trong tiếp xúc, sinh hoạt thường ngày, thân ái, khiêm nhường, quý trọng, học hỏi để tiến bộ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh lúc sinh thời nhận định Giáo sư Đoàn Trọng Truyến là người trí thức sống bằng vốn trí thức giàu đẹp của mình", nhà thơ Việt Phương chia sẻ.
Ông Bùi Huy Hùng, nguyên Thư ký riêng của cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến cho biết cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến không chỉ là vị Bộ trưởng, một trí thức, tài năng mà còn là người thầy, người cha, người anh và người bạn lớn của mình. "Có thể thấy hình ảnh một con người đậm nét trí thức, đam mê tìm tòi nghiên cứu khoa học, luôn tư duy một cách logic, luôn muốn chia sẻ và tham luận ý tưởng với mọi người trong Giáo sư Đoàn Trọng Truyến. Ông là một công chức mẫn cán, đầy trách nhiệm với nhiệm vụ được giao và luôn khích lệ mọi người xung quanh hết mình cùng ông hoàn thành nhiệm vụ. Nói theo ngôn từ mà Giáo sư Đoàn Trọng Truyến hay sử dụng: Công chức Nhà nước phải là người có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm và phải làm việc một cách chuyên nghiệp. Giáo sư luôn tin tưởng và hướng về thế hệ trẻ, ưu tiên lựa chọn và giao việc cho cán bộ trẻ", ông Bùi Huy Hùng nói.
Thay mặt gia đình Giáo sư Đoàn Trọng Truyến, ông Đoàn Mạnh Giao, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người con trưởng trong gia đình, bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc đến tập thể các nhà khoa học Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Ông Đoàn Mạnh Giao chia sẻ: “Cha tôi luôn suy nghĩ, tư duy như một nhà khoa học và điều đó đã dạy tôi rất nhiều trong công việc của mình. Ông có rất nhiều công trình được công nhận và được giải thưởng trong nước cũng như quốc tế và nhiều công trình sơ khởi cũng như hoàn thiện mà chưa được công bố. Khi cha tôi mất đi, gia đình chưa có giải pháp nào để lưu giữ khối lượng tư liệu, tài liệu đồ sộ của ông thì đã được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đề nghị lưu giữ các di vật cũng như tư liệu của ông. Đây là việc làm có ý nghĩa cao đẹp với đất nước, với lịch sử của các nhà khoa học Việt Nam”.
Lễ tiếp nhận là hoạt động đặc biệt của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, thể hiện sự trân trọng đối với các nhà khoa học và phong cách làm việc nghiêm túc, khoa học theo tôn chỉ mục đích của Trung tâm, đồng thời sẽ là dịp để các học trò, đồng nghiệp thấy được cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp khoa học cho đất nước của Giáo sư, NGND Đoàn Trọng Truyến.
Theo chinhphu.vn