Xã hội

Tiếp tục thanh, kiểm tra các công ty xuất khẩu lao động tại Nghệ An

Thanh Nga 02/06/2024 17:23

Trên địa bàn Nghệ An vẫn tồn tại một vài công ty không có chức năng đưa người lao động đi xuất khẩu lao động vẫn trưng biển quảng cáo, thu nhận hồ sơ và tiền đặt cọc. Các công ty này đã vẽ ra viễn cảnh đổi đời một cách nhanh chóng nhờ đi xuất khẩu lao động, đồng thời cam kết người lao động sẽ xuất cảnh được với mức phí rẻ nhất...

Công ty XKLĐ "ma" lừa đảo hàng trăm người

Công an Nghệ An vừa ra lệnh khởi tố bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Hằng Nga (SN 1984), trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu về tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của lao động dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Trần Thị Hăng Nga là đối tượng lừa đảo hàng trăm lao động. Ảnh: CQCA cung cấp
Trần Thị Hằng Nga là đối tượng lừa đảo hàng trăm lao động. Ảnh: CQCA cung cấp

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, mặc dù không có chức năng trong việc tổ chức đưa công dân đi xuất khẩu lao động, nhưng Trần Thị Hằng Nga vẫn giới thiệu mình làm giám đốc một công ty có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động và cam kết Nga có thể làm được thủ tục đi xuất khẩu lao động các nước, với mức giá rẻ hơn những nơi khác từ 200 - 300 triệu đồng. Trong các bản hợp đồng và phỏng vấn trực tiếp với người lao động, Nga đều khẳng định các trường hợp công ty của cô nhận để làm thủ tục xuất khẩu lao động đều có tỷ lệ thành công cao, rất ít trường hợp trượt.

Với sự hứa hẹn của Trần Thị Hằng Nga và thấy mức giá rẻ hơn nhiều so với những công ty khác, nhiều môi giới đã tin tưởng và đăng tuyển người có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động để giới thiệu cho Nga. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, đã có hàng trăm công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động các nước như Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Hoa Kỳ… được các môi giới tiến hành giới thiệu và gửi hồ sơ cho Nga để làm thủ tục.

Quá trình nhận làm thủ tục cho các công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động, Nga đã đưa ra thông tin để các công dân đóng tiền theo nhiều đợt với tổng số tiền hàng tỷ đồng, tuy nhiên sau khi đóng tiền vẫn không đi được như Nga đã hứa hẹn. Nhiều công dân đã yêu cầu Nga trả tiền, Nga lần khất nhiều lần và không trả tiền.

Tất cả số tiền nhận từ các công dân, Nga dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Cơ quan Công an cũng xác định văn phòng công ty của Nga tại Thành phố Hà Nội chỉ là văn phòng cho thuê theo giờ, trong văn phòng chỉ có 1 bộ bàn ghế (không có máy tính, máy in, các loại hồ sơ) và cũng không có nhân viên nào. ​

Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 19/5/2024, Phòng Cảnh sát hình sự đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự. Khám xét chỗ ở của Trần Thị Hằng Nga, cơ quan chức năng thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 máy tính bàn, 3 điện thoại di động, nhiều hộ chiếu, hình ảnh lịch hẹn lăn tay xin visa, hình ảnh visa điện tử có dấu hiệu bị chỉnh sửa.

Bước đầu cơ quan Công an xác định, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, Trần Thị Hằng Nga đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 500 công dân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động nước ngoài được các môi giới đã giới thiệu với tổng số tiền Nga nhận được từ các công dân là hơn 20 tỷ đồng.

lao-dong-xuat-canh-sang-croatia.jpeg
Lao động thuộc Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng xuất cảnh sang Croatia. Ảnh: Công ty cung cấp

Theo thông tin của nhiều đơn vị đã được cấp phép đưa người đi XKLĐ, hiện trên địa bàn có nhiều công ty treo biển quảng cáo du học, XKLĐ các thị trường châu Âu, châu Á với mức thu nhập cao nhưng chưa chắc họ đã có đầy đủ chức năng được phép môi giới và đưa người đi XKLĐ. Vì thế, nhiều lao động đang mắc bẫy hoặc kẹt lại, chưa thể xuất cảnh được khi đã nộp hồ sơ và tiền đặt cọc cho các công ty này.

Ông Nguyễn Lê Thắng - Giám đốc Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng cho biết: “Có rất nhiều lao động tìm đến công ty tôi hỏi rằng, nếu không cần cọc tiền có được phép làm hồ sơ không, vì thực tế họ đã từng mắc bẫy và nộp tiền cho các công ty ma”.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, tin tưởng vào những thông tin hấp dẫn mời chào, không ít lao động vẫn bị “mắc bẫy” các đối tượng.

Theo Sở LĐ, TB & XH, hằng năm sở đều đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành định kỳ thanh, kiểm tra các đơn vị môi giới XKLĐ và du học trên địa bàn. Năm qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp kiểm tra tại 18 doanh nghiệp, đơn vị có hoạt động về dịch vụ việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thành phố Vinh.

Đào tạo nghề xây dựng cho lao động tại công ty CPQT Kaizen. Ảnh: Công ty cung cấp
Đào tạo nghề xây dựng cho lao động tại Công ty CP Quốc tế Kaizen. Ảnh: Công ty cung cấp

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐ, TB & XH cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, đối với các đơn vị có giấy phép hoạt động cơ bản chấp hành tốt các quy định về Luật Việc làm, Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng phát hiện có một số đơn vị có những sai phạm, thiếu sót như: Đơn vị chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng đã đăng thông tin trên mạng internet, biển quảng cáo sai quy định. Một số đơn vị được cấp phép hoạt động về lĩnh vực du học nhưng lại treo biển quảng cáo có thông tin về xuất khẩu lao động tạo sự hiểu nhầm cho người lao động.

Lao động được tét nghề xây dựng tại công ty CPTM Phúc Chiến Thắng. Ảnh: Công ty cung cấp
Lao động được test nghề xây dựng tại Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng. Ảnh: Công ty cung cấp

“Đoàn đã kiến nghị Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt hành chính trong sai phạm về quảng cáo và dịch vụ việc làm đối với 3 doanh nghiệp, với tổng số tiền là 42.750.000 đồng và lập biên bản đề nghị các đơn vị khắc phục các sai phạm Đoàn đã chỉ ra”, ông Quỳnh cho biết.

Đoàn liên ngành cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị hoạt động về tư vấn du học; Chấn chỉnh các đơn vị được cấp phép hoạt động về lĩnh vực du học nhưng vẫn hoạt động tư vấn dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Sở Văn hóa và Thể thao cần kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo và treo biển, bảng quảng cáo liên quan đến lĩnh vực cung ứng, tư vấn, giới thiệu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với các đơn vị không có chức năng về dịch vụ việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Rà soát danh sách các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung ứng, tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước đóng trên địa bàn, Tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động trên địa bàn về dịch vụ việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông Quỳnh nhấn mạnh: “Đối với các đơn vị không có chức năng hoạt động về dịch vụ việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đoàn đã kiểm tra yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động tư vấn, tuyển dụng, cung ứng việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; không được thông báo tuyển dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Đồng thời, tháo dỡ, tiêu hủy tờ rơi không đúng nội dung được cấp phép, thay đổi biển quảng cáo theo đúng nội dung đã được cấp phép”.

Tiếp tục thanh, kiểm tra các công ty xuất khẩu lao động tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO