Tiếp tục xây dựng giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu đáp ứng tình hình mới
(Baonghean.vn) - Chiều 25/9, Sở Văn hóa Thể thao, Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh đã long trọng kỷ niệm 50 năm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, 65 năm sân khấu Cách mạng Nghệ Tĩnh.
Tham dự lễ kỷ niệm về phía Trung ương có TS. Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
Về phía tỉnh, có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao. Cùng các thế hệ nhà quản lý các đoàn nghệ thuật, các anh chị em nghệ sỹ qua các thời kỳ.
Tại buổi lễ, chương trình sử thi nghệ thuật do trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn với nhiều loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, dân ca Nghệ Tĩnh được dàn dựng công phu, có nội dung sâu sắc chạm đến trái tim khán giả. Đặc biệt chương trình nghệ thuật có sự tham gia của nhiều thế hệ diễn viên đã gây được những ấn tượng và sự xúc động với người xem.
Diễn văn do NSND Trịnh Thị Hồng Lựu phát biểu tại lễ kỷ niệm cho biết: Hành trình 65 năm sân khấu Nghệ An và Hà Tĩnh là hành trình nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Là quá trình tiếp nhận những giá trị, phong cách nghệ thuật mới để hiện đại hóa nền sân khấu nhằm phù hợp với những xu thế thị hiếu thẩm mỹ mới của công chúng, của thời đại, đồng thời kiên trì nắm vững, bám chắc vào các giá trị văn hóa, các truyền thống nghệ thuật của xứ Nghệ.
Kể từ khi mới thành lập đến nay, các thế hệ nghệ sỹ luôn kiên trì sưu tầm, nghiên cứu vốn dân ca Ví, Giặm của người Kinh, dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số để không chỉ bảo tồn, lưu giữ mà còn để làm chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Rất nhiều tác phẩm ca, múa, nhạc thành công từ phát triển dân ca, dân vũ. Đặc biệt, dân ca Ví, Giặm đã được các thế hệ tác giả, nghệ sỹ dày công nghiên cứu, thử nghiệm để sáng tạo thành công kịch chủng mới, đó là Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Đây là một đóng góp rất lớn đối với nền sân khấu Việt Nam. Giới nghệ sỹ của Trung tâm cũng đã có đóng góp quan trọng để đưa dân ca Ví, Giặm đến với bạn bè quốc tế, trở thành giá trị chung của nhân loại khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014.
Phát huy những thành quả đạt được hôm nay, trong thời gian tới, thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Nghiên cứu để đổi mới phương thức hoạt động, từ quản lý đến sáng tạo và biểu diễn để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu nghệ thuật của công chúng.
Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển di sản dân ca, dân vũ các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện, phát triển hơn nữa kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh; Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ, tìm kiếm, thu hút những hạt giống tài năng, đào tạo họ thành những nghệ sỹ, những tác giả sân khấu, âm nhạc; Cùng với sân khấu cả nước tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã trao tặng Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh bức trướng với dòng chữ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua"; Trao tặng NSND Trịnh Thị Hồng Lựu Bằng khen vì đã có thành tích trong biểu diễn và cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh nhà.
UBND tỉnh cũng tặng bức trướng cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, bằng khen cho các nghệ sỹ có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.