Tiểu thương Nghệ An nỗ lực xoay xở trước tình trạng kinh doanh ế ẩm

Thanh Phúc 29/03/2023 10:50

(Baonghean.vn) - Đã hết quý 1/2023, thị trường đang khá ảm đạm, cả chợ truyền thống lẫn siêu thị bán lẻ hiện đại đều ế ẩm. Tiểu thương, doanh nghiệp tìm mọi cách để khơi dậy sức mua…

Ở các chợ, các trung tâm thương mại từ sau Tết đến nay luôn trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. Ảnh: Thanh Phúc

Kinh doanh thịt lợn ở chợ Hưng Dũng (phường Hưng Dũng, TP.Vinh) đã gần 10 năm, chưa năm nào bà Nguyễn Thị Hà lại thấy tình trạng ế ẩm kéo dài như năm nay. “Kể cả dịp Tết vừa qua sức mua cũng giảm mạnh, chỉ bằng 60-70% so với các Tết trước. Ra Tết cho đến nay, sức mua giảm sút hoàn toàn, nếu như trước kia, mỗi ngày bán 1,5-2 tạ thịt trong buổi sáng thì nay, cao lắm cũng được 50-70kg mà phải ngồi bán cả ngày. Riêng từ đầu tháng 3 đến nay thì còn ế hơn khi các nhà hàng, quán nhậu cũng rơi vào cảnh ế ẩm nên nhiều mối đặt hàng thịt lợn cắt bỏ”, bà Hà cho biết.

Những gian hàng thực phẩm ở các chợ truyền thống cũng rơi vào tình trạng ế ẩm chưa từng có. Ảnh: Thanh Phúc

Cùng kinh doanh ngành hàng thực phẩm, chị Mai Thị Hoài, đại lý cung cấp gà, vịt, ngan ở chợ đầu mối Vinh cho biết: “Trước đây, với đối tác 20 nhà hàng, hàng chục đại lý các chợ lẻ và khách vãng lai, mỗi ngày tôi cung ứng ra thị trường cả mấy tạ gia cầm thì nay giảm khoảng 60%, lượng khách lẻ cũng ít hơn nhiều”.

Dù sao, đó cũng là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ ăn uống hàng ngày của mỗi gia đình nên dù doanh thu giảm sút cũng chưa đến nỗi ế ẩm như các ki-ốt kinh doanh áo quần, giày dép, mỹ phẩm.

“Không mở cửa thì lo hàng tồn đọng, ẩm mốc. Mở thì không bán được, tốn thêm tiền điện, tiền thuế. Nay, đã giao mùa song cũng chưa dám lấy hàng mới về nhiều, vì cả ngày có khi không có khách vào hỏi mua”, chị Nguyễn Thị Hương, kinh doanh áo quần, giày dép ở chợ Sen, Nam Đàn cho biết.

Dãy dài các ki-ốt ở các chợ truyền thống đóng cửa. Ảnh: Thanh Phúc

Kinh doanh ế ẩm do đó, đã hết quý 1/2023 song tại nhiều chợ truyền thống, nhiều tiểu thương vẫn chưa mở cửa trở lại, một số người treo biển sang nhượng lại ốt quán. Theo khảo sát, hiện ở một số chợ ở TP. Vinh như chợ Ga Vinh, chợ Vinh, chợ Hưng Dũng, chợ Quán Lau… tình trạng tiểu thương đóng ốt, tạm ngừng kinh doanh chiếm đến 30-40%. Trong đó, có nhiều chợ tiểu thương treo biển sang nhượng lại ốt, quán.

Không riêng gì các chợ truyền thống, ở các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mi-ni đến các siêu thị lớn như Big C, MM Mega Market… tình hình mua bán cũng hết sức trầm lắng.

Các siêu thị cũng vắng khách hơn trước, doanh thu ở một số ngành hàng giảm rõ rệt. Ảnh: Thanh Phúc

“Kinh tế khó khăn, thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi, khách hàng mua số lượng nhỏ ngày càng nhiều so với trước. Xu hướng giảm sút ở kênh bán hàng trực tiếp đã xuất hiện. Ở một số ngành hàng không thiết yếu như mỹ phẩm, thời trang, giày dép... doanh số giảm thấy rõ”, ông Trần An Khang, đại diện siêu thị Big C cho biết.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An, tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,36%. Có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,77%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,35%; May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,29%; Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,1%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%; Giao thông giảm 0,28%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,14%.

Trước tình hình ế ẩm đó, ở các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương đã bắt đầu chuyển đổi phương thức kinh doanh, vừa bán hàng trực tiếp vừa bán hàng online.

Chị Phan Thị Nga, tiểu thương kinh doanh thời trang ở chợ Hưng Dũng cho biết: “Thuê ốt ở đây chủ yếu là để bày hàng, phục vụ một số đối tượng khách nhất định. Còn lại, tôi tập trung mạnh cho kênh online. Đến nay, lượng đơn hàng online chiếm 70% doanh thu của cửa hàng”. Đồng thời, với tình cảnh ế ẩm như tình hình chung hiện nay, thì để hạn chế hàng tồn đọng, chị Nga sẽ đăng mẫu lên trước, khi có lượng khách “chốt đơn” cơ bản, chị mới nhập hàng về.

Nhiều tiểu thương đa dạng hoá phương thức bán hàng: bán trực tiếp, bán online... với các chính sách hậu mãi đi kèm nhằm thu hút khách. Ảnh: Thanh Phúc

Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh thực phẩm ở các chợ truyền thống cũng đã tính toán cắt giảm tối đa chi phí, không tăng giá bán, nhận sơ chế sẵn thực phẩm giúp thuận tiện cho người mua, giao hàng tận nhà miễn phí… để giữ khách hàng và thoát khỏi tình cảnh ế ẩm.

Ông Trần An Khang, đại diện siêu thị Big C Vinh cho biết thêm: “Hiện, chúng tôi thực hiện các chương trình khuyến mãi định kỳ; các chương trình về thực phẩm tươi sống giảm thêm 10% nếu khách hàng đi chợ trước 10h sáng hằng ngày, giảm giá sốc cho hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu để kích cầu mua sắm”.

“Sau Tết, sức mua giảm là quy luật chung của thị trường. Tuy nhiên, năm 2023, do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên thị trường trầm lắng, sức mua giảm mạnh. Trước tình hình đó, bên cạnh chờ sự hồi phục của thị trường, nhiều hộ kinh doanh, các doanh nghiệp, siêu thị tìm các giải pháp ứng phó, triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá, thúc đẩy tiêu dùng nhưng lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng. Dự báo năm 2023 là một năm khó khăn cho ngành bán lẻ”.

Bà Trần Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương

Mới nhất

x
Tiểu thương Nghệ An nỗ lực xoay xở trước tình trạng kinh doanh ế ẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO