TikTok đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ: Kịch bản nào sắp tới?
(Baonghean.vn) - Trong động thái mới nhất, TikTok và Công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc đã chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về đạo luật mới buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok, nếu không ứng dụng chia sẻ video phổ biến này sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Động thái này diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua đạo luật gây tranh cãi này. Trong khi giới chức Mỹ nhấn mạnh đây là biện pháp để đảm bảo an ninh quốc gia, phía ByteDance và TikTok lại cho rằng đây là quyết định vi hiến, là sự phân biệt không công bằng và là cuộc tấn công chưa từng có vào quyền tự do ngôn luận.
Nhiều tranh cãi
Trong đơn kiện gửi Toà phúc thẩm ở Washington, ByteDance cho rằng, đạo luật mới được Chính phủ Mỹ thông qua coi việc sở hữu TikTok là một mối đe dọa an ninh quốc gia vì có thể chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ với Trung Quốc, là không phù hợp với Tu chính án thứ nhất khi không thể đưa ra những bằng chứng cho cáo buộc này.
Đơn kiện nêu rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ ban hành luật quy định một nền tảng duy nhất phải bị cấm vĩnh viễn trên toàn thế giới”. Vụ kiện là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý kéo dài về tương lai của TikTok tại Mỹ. Cần nhắc lại, mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc nền tảng này sẽ bị cấm tại Mỹ. Đây là một phần của kế hoạch viện trợ nước ngoài lớn hơn, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ nhằm đích danh vào một công ty truyền thông xã hội. Nếu việc mua bán được tiến hành, công ty sẽ có thêm 3 tháng nữa để hoàn tất giao dịch.
Tuy nhiên, trong rất nhiều tuyên bố, ByteDance đều khẳng định không có bất cứ kế hoạch nào bán TikTok. Và ngay cả khi có muốn thoái vốn thì cũng không dễ dàng thực hiện, vì công ty này không muốn phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình. Đây được cho là thuật toán độc đáo “có 1 không 2” đã tạo nên thành công vượt trội cho TikTok mà không có công ty mạng xã hội nào làm được.
Cũng từng có thông tin cho rằng, có thể ByteDance cũng đang có kế hoạch xây dựng một vài kịch bản về tương lai hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ mà không cần thuật toán đặc biệt này. Tuy nhiên ngay sau đó, công ty này đã khẳng định một lần nữa rằng: “Sẽ không có kế hoạch bán TikTok”.
Chưa hết, theo ByteDance, luật mới mà Chính phủ Mỹ thông qua sẽ khiến công ty này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa trước ngày 19/1/2025, việc tiếp tục hoạt động tại Mỹ sẽ không khả thi về mặt thương mại, công nghệ hay tính pháp lý.
Như về mặt công nghệ, đây là kịch bản bất khả thi khi luật yêu cầu hàng triệu dòng mã phần mềm của TikTok phải được lấy lại từ ByteDance trong trường hợp thoái vốn, để đảm bảo rằng “không có mối quan hệ giữa công ty Trung Quốc và một bên mua lại mới của Mỹ”.
Ngoài ra, điều quan trọng là ByteDance không thể thoái vốn khỏi nền tảng TikTok tại Mỹ như một thực thể riêng biệt với phần tổng thể còn lại của TikTok vốn có 1 tỷ người dùng trên toàn cầu. Như vậy đồng nghĩa, 170 triệu người dùng TikTok ở Mỹ sẽ giống như một ốc đảo biệt lập, tách biệt hoàn toàn với thế giới và hoàn toàn mất kết nối với phần lớn cộng đồng của nền tảng ứng dụng này.
Ai thắng - Ai thua?
Sau khi phía ByteDance và TikTok đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ, Bộ Tư Pháp nước này đã từ chối đưa ra bình luận về vụ kiện. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng từ chối trả lời các câu hỏi về lý do tại sao đội ngũ của Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục sử dụng TikTok cho các hoạt động chính trị, tranh cử thời gian qua.
Dù vậy, trong một tuyên bố bảo vệ đạo luật mới, Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi - đảng viên Đảng Dân chủ tại bang Illinois một lần nữa nhấn mạnh, “đây là cách duy nhất để giải quyết mối đe dọa an ninh quốc gia do quyền sở hữu của ByteDance đối với các ứng dụng mạng xã hội như TikTok. Thay vì tiếp tục các chiến thuật lừa đảo, đã đến lúc ByteDance phải bắt đầu quá trình thoái vốn”.
Trong khi đó, Gus Hurwitz - thành viên cấp cao tại Trường Luật Carey thuộc Đại học Pennsylvania cho rằng, trước mắt ByteDance có thể yêu cầu tòa án tạm thời ngăn chặn việc đạo luật có hiệu lực để kéo dài thời gian giải quyết vụ việc một cách ổn thoả. Nhưng việc này tất nhiên chẳng hề dễ dàng, bởi toà án sẽ phải xem xét cân bằng các vấn đề quan trọng như quyền tự do ngôn luận và các cáo buộc về việc gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Dù vậy, một số chuyên gia tin rằng, tòa án có thể ủng hộ Chính phủ Mỹ với lập luận an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu.
Đây là lần thứ hai, TikTok phải đối mặt với các thách thức pháp lý từ phía Chính phủ Mỹ. Nhìn lại hồi năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump cũng từng nỗ lực cấm nền tảng ứng dụng chia sẻ video ngắn này nhưng đã bị các tòa án tại các bang ngăn chặn. Với lần này, nhiều ý kiến cho rằng, vụ kiện có khả năng được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ về tính phức tạp của vấn đề. Bởi thực tế, cuộc chiến về TikTok diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn tiến căng thẳng, tiếp tục lan ra nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ tiên tiến, bảo mật dữ liệu - vốn đóng vai trò cốt yếu đối với sức mạnh kinh tế và an ninh của mỗi quốc gia.
Các nhà lập pháp Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều bày tỏ quan ngại rằng, chính quyền Trung Quốc có thể buộc ByteDance giao dữ liệu của người dùng Mỹ hoặc thao túng các thuật toán tác động đến dư luận…
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, các nội dung của TikTok đang bị phóng đại hoặc đang được phổ biến, định dạng theo cách có lợi cho phía Trung Quốc. Tất nhiên, ByteDance đã phản đối tất cả các cáo buộc này. Cùng quan điểm, một số ý kiến khác cũng cho rằng, kể cả Chính phủ Trung Quốc hay bất cứ bên nào khác cũng không dễ lấy được thông tin của người dùng Mỹ, kể cả thông qua các bên môi giới, mua bán thông tin cá nhân.
Nhận định về những căng thẳng đang diễn ra, Patrick Toomey - Phó Giám đốc Dự án An ninh Quốc gia của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng, việc thu thập dữ liệu bằng các ứng dụng mạng xã hội nếu là thật sẽ gây ra hậu quả thực sự với quyền riêng tư của người dùng. Nhưng việc cấm một nền tảng được hàng triệu người sử dụng không phải là giải pháp. Thay vào đó, người Mỹ cần Quốc hội thông qua các luật về bảo vệ quyền riêng tư một cách chặt chẽ ngay từ đầu.
Trong khi đó, Jameel Jaffer - Giám đốc điều hành Viện Knight First Amendment tại Đại học Columbia lại kỳ vọng vụ kiện của TikTok sẽ thành công với lý giải rằng, “Tu chính án thứ nhất nêu rõ chính phủ không thể hạn chế người Mỹ tiếp cận các ý tưởng, mạng thông tin hoặc phương tiện truyền thông từ nước ngoài mà không có lý do chính đáng”.
Nhưng theo một số nhà quan sát, dù TikTok từng chiếm ưu thế trong các vụ kiện trước đó dựa theo Tu chính án thứ nhất, nhưng không rõ vụ kiện lần này có đơn giản như vậy hay không.
Theo Giáo sư luật Gautam Hans tại Đại học Cornell, mỗi bên hiện đều đưa ra lý lẽ riêng, nhưng chắc chắn thời gian tới, nếu không có các cuộc thảo luận công khai về chính xác những rủi ro, mối đe dọa mà TikTok gây ra là gì thì rất khó để các toà án Mỹ lại chấp nhận một đạo luật chưa từng có như vậy./.