TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

Phan Văn Hoà (Theo Reuters) 07/03/2024 14:05

(Baonghean.vn) - Một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã đưa ra dự luật vào ngày 5/3 vừa qua, yêu cầu ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng video ngắn TikTok trong vòng 6 tháng nếu không muốn bị cấm tại Mỹ.

Dự luật này là động thái lập pháp quan trọng đầu tiên trong gần một năm qua nhằm cấm hoặc buộc ByteDance - công ty mẹ của TikTok phải bán ứng dụng phổ biến này, sau khi dự luật của Thượng viện nhằm cấm ứng dụng này bị đình trệ tại Quốc hội vào năm ngoái do các hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ từ phía TikTok.

Mike Gallagher, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa đồng thời là Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc và Dân biểu Raja Krishnamoorthi, quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ, nằm trong số hơn chục nhà lập pháp đệ trình dự luật này.

anh-minh-hoa2-6154.jpg
Ảnh minh hoạ.

Ông Mike Gallagher cho biết: “Đây là thông điệp của tôi gửi đến TikTok: hãy cắt đứt quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc mất quyền truy cập vào người dùng Mỹ. Đối thủ chính của nước Mỹ không có quyền kiểm soát một nền tảng truyền thông thống trị tại Mỹ”.

Dự luật này sẽ yêu cầu ByteDance phải bán TikTok, ứng dụng đang được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng, trong vòng 165 ngày. Ngoài ra, dự luật sẽ khiến việc cung cấp TikTok hoặc dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát trở thành bất hợp pháp đối với các cửa hàng ứng dụng của Apple, Google và các hãng khác.

“Dự luật này thực chất là một lệnh cấm TikTok, bất kể các nhà lập pháp Mỹ cố gắng che giấu nó đến mức nào. Dự luật này sẽ vi phạm các quyền theo Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ của 170 triệu người Mỹ và tước đi của 5 triệu doanh nghiệp nhỏ một nền tảng mà họ tin tưởng để phát triển và tạo việc làm”, một phát ngôn viên của công ty ByteDance cho biết vào ngày 5/3 vừa qua.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng gọi dự luật này là một bước đi quan trọng và được hoan nghênh, đồng thời cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ hợp tác với Quốc hội để thúc đẩy hơn nữa dự luật này và đặt nền tảng pháp lý vững chắc nhất có thể.

Quan chức này cho biết thêm, chính quyền đã làm việc với các nhà lập pháp của cả lưỡng đảng để chống lại các mối đe dọa từ các dịch vụ công nghệ hoạt động tại Mỹ gây rủi ro cho dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ nói riêng và an ninh quốc gia nói chung.

Phản hồi về vấn đề này, đại diện TikTok cho biết họ chưa và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, bà Cathy McMorris Rodgers, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Mỹ cho biết, dự luật sẽ “ngăn chặn các thế lực thù địch nước ngoài, chẳng hạn như Trung Quốc, theo dõi và thao túng người dân Mỹ” thông qua các ứng dụng trực tuyến như TikTok.

Tuy nhiên, sự phổ biến của ứng dụng này tại Mỹ có thể khiến việc thông qua dự luật này gặp nhiều khó khăn trong năm bầu cử 2024. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức “mở kênh” TikTok để tăng sức mạnh cho chiến dịch bầu cử Mỹ 2024, bất chấp chính phủ Mỹ chỉ trích mạng xã hội Trung Quốc này.

Dự luật sẽ trao cho Tổng thống quyền hạn mới để chỉ định các ứng dụng đáng lo ngại gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia và khiến chúng có nguy cơ bị cấm hoặc hạn chế trừ khi quyền sở hữu được chuyển nhượng.

Dự luật cho biết, các ứng dụng bị ảnh hưởng là những ứng dụng hơn một triệu người dùng hoạt động hàng năm và nằm dưới sự kiểm soát của một thực thể đối thủ nước ngoài.

Những lo ngại về TikTok do Trung Quốc sở hữu đã châm ngòi cho các nỗ lực tại Quốc hội vào năm ngoái nhằm giải quyết rủi ro từ ứng dụng chia sẻ video ngắn này hoặc có khả năng cấm nó. Cuối năm 2022, Quốc hội đã cấm các nhân viên liên bang sử dụng nền tảng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

Năm ngoái, chính quyền Mỹ đã ủng hộ dự luật do Thượng nghị sĩ Mark Warner và hơn 20 thượng nghị sĩ tài trợ để trao cho chính quyền quyền hạn mới nhằm cấm TikTok và các công nghệ có trụ sở nước ngoài khác nếu chúng gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia.

Trong tháng 3 năm 2023, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) đã yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán cổ phần của họ, hoặc đối mặt với khả năng ứng dụng bị cấm, nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa có động thái nào để thực hiện yêu cầu này.

Dự luật mới nhằm mục đích tăng cường thẩm quyền pháp lý để giải quyết các mối lo ngại về TikTok. Trước đó, các tòa án Mỹ đã chặn một nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm TikTok vào năm 2020.

Cuối tháng 11 năm ngoái, một thẩm phán Mỹ đã chặn lệnh cấm TikTok đầu tiên của bang Montana, cho rằng nó vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng.

Mới nhất

x
TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO