Tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

Phú Hương 23/04/2024 12:21

(Baonghean.vn) - Hội thảo đã tập trung bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay.

Ngày 23/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trực tuyến Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể; Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

bna_ toàn cảnh. Ảnh- Phú Hương.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phú Hương

Hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ, nâng cao năng lực các hợp tác xã

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. Trong đó, có 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và gần 10.200 hợp tác xã phi nông nghiệp.

Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay, đã có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; trên 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5%...

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nhằm xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế này, những năm qua, khung pháp lý hỗ trợ, phát triển kinh tế nông thôn đã được hoàn thiện, đồng bộ.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Đó là: Sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các hợp tác xã xây dựng, nâng cao trình độ cán bộ nòng cốt hợp tác xã kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị hợp tác xã.

Xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã. Phát huy hiệu quả hơn nữa các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tăng cường hợp tác công - tư, tăng cường nguồn lực từ chính các thành viên hợp tác xã; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển nhanh, bền vững.

bna_ a Đệ. Ảnh- Phú Hương.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phú Hương

Các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, nếu không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; chủ động ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế này, không trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm những mô hình thành công tại các địa phương trong nước và trên thế giới để áp dụng, phát triển.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng

Tại Nghệ An, những năm qua khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang từng bước phát triển ổn định, khẳng định được ưu thế và vai trò cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế địa phương.

Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh Nghệ An có 895 hợp tác xã, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 56,09%; số lượng thành viên tham gia các hợp tác xã là 268.076 thành viên, tổng số lao động thường xuyên là 60.898 người, các hợp tác xã ngày càng chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá ngành nghề.

bna_ mây tre đan. Ảnh- Phú Hương.jpg
Sản xuất mây, tre đan tại Hợp tác xã Thủ công nghiệp Thắng Lợi (Yên Thành). Ảnh minh hoạ: P.H

Bằng các giải pháp nỗ lực dưới sự chỉ đạo của tỉnh, tính đến ngày 31/12/2023, đã có 4 hợp tác xã được vay vốn từ các ngân hàng thương mại của tỉnh, với doanh số cho vay luỹ kế đạt 20,272 tỷ đồng, tổng dư nợ 7,200 tỷ đồng; có 11 hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Nghệ An, với số tiền 4,480 tỷ đồng và 5 hợp tác xã vay với số vốn 1,650 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm Liên minh hợp tác xã Việt Nam…

Hầu hết các hợp tác xã đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên. Tuy nhiên, kết quả triển khai các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn; chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận vốn của các tổ chức kinh tế tập thể; số hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn còn thấp.

Tại hội thảo, Nghệ An đã kiến nghị một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để khơi thông bế tắc nguồn lực vào hợp tác xã, trong đó có nguồn lực từ ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu với Chính phủ hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến tiếp cận vốn của hợp tác xã; Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức nâng cao nghiệp vụ cán bộ Quỹ hợp tác xã...

Mới nhất
x
x
Tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO