Tìm hiểu các bộ phận cơ bản trên ô tô

Nguyên Huy 24/02/2019 21:58

Nắp capô, lưới tản nhiệt, vô lăng hay cần số… là những bộ phận cơ bản trên ô tô mà chắc hẳn ai cũng từng nghe qua, nhưng liệu có bao nhiêu người hiểu được chức năng của chúng?

Tìm hiểu các bộ phận cơ bản trên ô tô - ảnh 1

Các bộ phận cơ bản của một chiếc ô tô.

Trên thực tế, không ít người sở hữu ô tô chỉ quan tâm tìm hiểu về những yếu tố có phần phức tạp như thiết kế, trang bị, khả năng vận hành hay tính năng an toàn. Thế nhưng, đa số lại quên mất sự cần thiết của việc nắm vững cấu tạo cơ bản của ngoại, nội thất, trong khi đây lại là những thông tin cực kỳ hữu ích giúp vận hành xe một cách trơn tru và hiệu quả.

1. Ngoại thất

Nắp ca-pô: Là phần khung kim loại ở phía đầu xe có công dụng bảo vệ cho khoang động cơ, có thể đóng mở để bảo trì và sửa chữa các bộ phận bên trong.

Lưới tản nhiệt: Hầu hết ô tô đều trang bị lưới tản nhiệt ở mặt trước để bảo vệ bộ tản nhiệt và động cơ, đồng thời cho phép không khí luồn vào bên trong. Ngoài ra, lưới tản nhiệt có thể được đặt ở một số vị trí như phía trước bánh xe (để làm mát hệ thống phanh) hoặc trên phía sau xe, đối với các xe có động cơ đặt sau.

Tìm hiểu các bộ phận cơ bản trên ô tô - ảnh 2

Các bộ phận ở ngoại thất chiếc ô tô.

Đèn pha: Là thiết bị chiếu sáng thường đặt ở hai góc trái phải nối liền giữa nắp capô và mặt trước của xe. Đèn pha tạo ra luồng sáng mạnh và tập trung, chiếu ngang mặt đường và có khả năng chiếu sáng khoảng 100 m. Đèn pha có thể được dùng kết hợp với đèn cốt (đèn chiếu gần) trong cùng một chóa đèn, hoặc lắp bổ sung cho độ chiếu sáng tối ưu.

Cản: Là cấu trúc gắn liền hoặc được tích hợp vào phía trước và phía sau của ô tô để hấp thụ lực tác động khi xảy ra va chạm, góp phần giảm thiểu chấn thương cho người ngồi trong xe và hư hại ở các bộ phận khác.

Kính chắn gió: Là một dạng cửa sổ kính nằm ở phía trước của ô tô, không chỉ có công dụng chắn gió, bụi, mưa… vào trong xe, mà còn tham gia vào việc gia tăng độ cứng vững cho kết cấu xe và bảo vệ an toàn cho hành khách trong một số tình huống va chạm.

Gương chiếu hậu: Là gương được gắn bên góc của hai cửa trước nhằm mục đích hỗ trợ người lái nhìn thấy khu vực phía sau và hai bên của chiếc xe.

2. Nội thất

Vô lăng: Là một phần trong hệ thống lái được điều khiển bởi tài xế. Phần còn lại của hệ thống sẽ phản ứng với những tác động từ người lái lên vô lăng thông qua sự phối hợp giữa hai cặp cơ cấu lái bánh răng - thanh răng và trục vít - bánh vít, đồng thời có thể được hỗ trợ từ bơm thủy lực.

Tìm hiểu các bộ phận cơ bản trên ô tô - ảnh 3

Các bộ phận bên trong nội thất của chiếc ô tô.

Bảng đồng hồ: Là một hệ thống thông tin bao gồm các đồng hồ, màn hình và đèn báo giúp người lái biết được thông tin về tình trạng hoạt động của một số hệ thống chính trong xe. Thông tin hiển thị dưới 2 dạng: kim hoặc số.

Đồng hồ đo tốc độ (Speedometer): Dùng để đo lường và hiển thị tốc độ tức thời của chiếc xe, là trang bị tiêu chuẩn trên các phương tiện gắn động cơ từ năm 1910, thường kết hợp với đồng hồ đo quãng đường (Odometer) để báo quãng đường xe đã đi được từ lúc bắt đầu hoạt động và đồng hồ hành trình (Tripmeter) để đo các khoảng cách ngắn.

Đồng hồ đo vòng tua: Là công cụ đo tốc độ quay của trục khuỷu động cơ, hiển thị số vòng/phút (RPM - Revolution per minute). Đối với xe số sàn, thông số này có ý nghĩa quan trọng, cho biết động cơ có đang hoạt động trong dải mô men xoắn tối ưu và tốc độ không tải có đạt chuẩn hay không. Còn với xe số tự động, người lái theo dõi đồng hồ để duy trì tình trạng hoạt động của động cơ ở dải vòng tua hợp lý và tiết kiệm nhiên liệu.

Bàn đạp ga: Là bộ phận trong ô tô mà khi tác động lực sẽ làm cho xe chạy nhanh hơn. Bàn đạp ga được điều khiển bởi chân phải và có công dụng kiểm soát lượng nhiên liệu bơm vào động cơ. Người lái đạp ga càng mạnh, nhiên liệu bơm vào động cơ càng lớn làm cho xe chạy nhanh hơn. Khi nhả chân ga, xe sẽ chạy chậm lại. Bàn đạp ga phản ứng rất nhanh nhạy dù lực tác động không lớn.

Bàn đạp phanh: Bộ phận này cũng được điều khiển bởi chân phải và sử dụng trong trường hợp muốn giảm tốc độ hoặc dừng hẳn xe lại. Khi người lái tác động lên bàn đạp phanh, dầu phanh trong hệ thống sẽ di chuyển theo các đường ống dẫn đến các xi lanh bánh xe, dưới tác dụng của lực sinh ra do áp suất dầu phanh tác động lên piston, cơ cấu phanh sẽ thực hiện nhiệm vụ giảm tốc hoặc dừng xe. Thời gian và quãng đường để xe phanh phụ thuộc vào lực tác động lên bàn đạp. Tuy nhiên, tốt nhất người lái nên tăng áp lực dần dần cho đến khi xe đạt được tới điểm dừng một cách nhẹ nhàng, tránh phanh gấp.

Bàn đạp ly hợp (chỉ có trên xe số sàn): Bàn đạp này được điều khiển bằng chân trái của người lái và sử dụng khi muốn điều khiển xe ra khỏi một vị trí cố định, chuyển số và dừng xe mà không làm cho động cơ bị tắt đột ngột. Để xe chuyển động không bị rung giật, khi nhả bàn đạp ly hợp cần thực hiện theo trình tự: Khoảng 2/3 hành trình đầu nhả nhanh cho đĩa ma sát của ly hợp tiếp giáp với bánh đà, khoảng 1/3 hành trình sau nhả từ từ để tăng dần mô men xoắn truyền từ động cơ đến hệ thống truyền lực. Khi nhả hết bàn đạp ly hợp, người lái nên đặt chân xuống sàn xe để tránh hiện tượng trượt ly hợp.

Cần số: vận hành cùng với bộ ly hợp. Việc điều khiển cần số sẽ tác động lên sự ăn khớp giữa các bánh răng trong hộp số, làm thay đổi sức kéo và tốc độ chuyển động của ô tô.

Thiết kế, trang bị hay thông số kỹ thuật động cơ là những yếu tố cố định theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, dù chủ xe có hiểu rõ cũng không ứng dụng được nhiều vào quá trình sử dụng. Trong khi đó, một khi nắm vững nguyên lý hoạt động của các bộ phận được đề cập như trên, người lái có thể linh hoạt điều khiển chiếc xe tùy theo từng điều kiện khác nhau, từ đó tối ưu hóa khả năng vận hành cho chiếc xe. Chính vì thế, đừng nên xem thường bất cứ chi tiết cơ bản nào, bởi một cơ cấu đơn giản cũng có thể sở hữu công dụng to lớn.

Theo thanhnien.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Tìm hiểu các bộ phận cơ bản trên ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO