Tìm hiểu Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo

09/06/2014 22:24

(Baonghean) - Hỏi: Ai là người giải quyết khiếu nại? Người thực hiện khiếu nại gửi đơn đến cơ quan nào để được giải quyết?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7, Luật Khiếu nại năm 2011 thì: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.

Như vậy, người giải quyết khiếu nại lần đầu chính là người đã ra quyết định hành chính, thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định hành chính hoặc thủ trưởng của người đã có hành vi hành chính sai trái đó hoặc Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng hành chính. Thông thường người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; thủ trưởng cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh là trưởng phòng và tương đương của cơ quan hành chính huyện; chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; trưởng phòng cấp sở, giám đốc sở và tương đương; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ trưởng và tương đương (theo quy định tại Điều 17, Khoản 1 Điều 18, Điều 19, Khoản 1 Điều 20, Khoản 1 Điều 21, Điều 22 và Khoản 1 Điều 23 Luật Khiếu nại).

Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N. ra quyết định tháo dỡ công trình xây dựng của ông K. có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật. Ông K. có quyền khiếu nại quyết định đó của Chủ tịch xã N. Ông K. gửi đơn hoặc trực tiếp đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã N. thực hiện quyền khiếu nại của mình. Chủ tịch xã N. phải thực hiện các thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của Luật Khiếu nại đối với ông K.

Như vậy, ông N. là người giải quyết khiếu nại lần đầu và chính là người đã ra quyết định hành chính.

Nếu trường hợp ông K. không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch xã N hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N. hoặc ông K. có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Hỏi: Thời hạn để biết có được giải quyết khiếu nại lần đầu hay không được giải quyết là bao nhiêu ngày? Và thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là bao nhiêu ngày?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 Luật Khiếu nại năm 2011: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.”

Như vậy, nếu người khiếu nại gửi đơn đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết và là đơn khiếu nại hợp pháp thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan, người có thẩm giải quyết khiếu nại lần đầu nhận được đơn khiếu nại phải tiến hành thụ lý đơn để giải quyết.

Để biết được đơn của mình có được thụ lý giải quyết hay không, sau hơn 10 ngày kể từ ngày gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, người khiếu nại sẽ nhận được văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trong văn bản thông báo có nêu rõ việc thụ lý giải quyết hay không giải quyết đơn khiếu nại và lý do không giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý”.

Người khiếu nại có thể căn cứ vào văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để biết ngày thụ lý giải quyết khiếu nại của mình.

Phòng Bạn đọc

Mới nhất
x
Tìm hiểu Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO