Tìm hướng đi bền vững cho nông sản: Bài 1: Rau, quả “nằm vườn” chờ giải cứu

Suốt gần 2 tháng lại nay, cụm từ “giải cứu nông sản” được người dân Nghệ An nhắc đến nhiều. Từ rau màu ở vùng đồng bằng cho đến hoa quả ở miền trung du đều kêu cứu vì ứ đọng, rớt giá. Nhiều nơi người nông dân buộc phải trông chờ vào sự “giải cứu”. Vậy đâu là giải pháp căn cơ cho thực trạng này và làm sao để điệp khúc “được mùa rớt giá” không lặp đi, lặp lại?

Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, trên các cánh đồng rau của các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu… hàng loạt thửa rau quá lứa nhưng không được thu hoạch, bỏ mặc cho sâu bọ ăn trụi lá, thậm chí có vườn cải bắp còn để cho nở hoa.

Lão nông Lê Văn Thái ở xã Diễn Phong (Diễn Châu) buồn bã nói: Gia đình có hơn 1 sào cải bắp, đáng lẽ thu hoạch vào cuối tháng 2, nhưng vì không có đại lý đến mua. Gánh ra chợ bán thì giá chỉ từ 500 đến 1.000 đồng/bắp nhưng không có ai mua nên đành chấp nhận để vậy. Nghe nói Đoàn Thanh niên xã có kế hoạch mua gom, giải cứu bắp cải cho bà con, nên ngày nào cũng trông chờ đến lượt mình được giúp đỡ mong vớt vát được đồng vốn bỏ ra.

Đoàn thanh niên giải cứu hàng tấn rau xanh cho người dân huyện Diễn Châu. Ảnh: Quang An.
Đoàn thanh niên giải cứu hàng tấn rau xanh cho người dân huyện Diễn Châu. Ảnh: Quang An.

Sau khi có thông tin nông dân kêu cứu vì nông sản ế thừa, giá rẻ như cho, nhiều cơ sở Đoàn và tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã kết nối “giải cứu nông sản”. Vì vậy, những ngày đầu tháng 3, những chuyến xe ô tô vận tải về các vựa rau để “giải cứu” rau, củ, quả cho bà con nông dân các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Bà con nông dân vui mừng vì dù bán nông sản giá rẻ, nhưng được các tổ chức, cá nhân đến tận nơi mua gom, nếu không cũng phải bỏ ngoài ruộng hoặc đưa máy phay để trồng lứa khác.

Anh Hồ Hữu Chiến – một đại lý rau, quả ở xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) cho biết, dù biết mua cải bắp với giá 1.000 đồng/bắp là rẻ, nhưng không thể nâng giá được nữa vì cơ sở cấp đông cũng thu mua với giá thấp. Bản thân anh mỗi ngày cố gắng mua 8 tấn rau, quả chuyển ra nhập kho đông ở tỉnh Thanh Hóa. Dù lãi không nhiều, nhưng giúp được bà con lúc này cũng là vui rồi!

Chị Lê Thị Giang – Bí thư Đoàn xã Diễn Phong (Diễn Châu) đang tất bật “giải cứu” cải bắp trên ruộng rau cho biết: Đầu tháng 3, toàn xã còn khoảng 1.000 tấn cải bắp ngoài đồng chưa tiêu thụ được, nhưng rất ít đại lý liên hệ đặt hàng nên có nguy cơ ế ẩm rất cao. Chỉ sau 1 tuần kêu gọi giải cứu, đã có gần 30 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia giải cứu, sản lượng ước đạt 700 tấn cải bắp.

Đặc biệt, trong số đó có con em tại địa phương đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu thu mua 150 tấn cải bắp cho bà con quê nhà. Một số khách sạn lớn trên địa bàn huyện cũng cử đoàn viên, thanh niên đến mua giúp bà con. Ngoài ra, có những người khác là anh em họ hàng khi về địa phương cũng ra đồng mua 1 – 2 tạ rau về phân phát cho anh em, bạn bè sử dụng. Chỉ sau thời gian ngắn, hàng ngàn tấn cải bắp xã Diễn Phong đã được tiêu thụ, vơi đi phần nào nỗi lo.

Còn tại các huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp, vì không có người mua và cây đã ra hoa vụ mới nhưng hàng trăm tấn quýt PQ của bà con buộc phải “treo” trên cây. Người trồng quýt dài cổ ngồi chờ đại lý, còn chính quyền địa phương dù biết là vấn đề cấp thiết nhất nhưng lực bất tòng tâm.

Nắm bắt được thông tin quýt PQ ở huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp ế ẩm, Tỉnh đoàn Nghệ An đã có mặt để “giải cứu”.

Ông Hoàng Thanh Hoài – chủ vườn quýt ở xã Nghĩa Yên, bày tỏ: Trong lúc vườn quýt ế ẩm, không bán được cho ai mà đoàn thanh niên địa phương đến giải cứu hàng chục tấn quả, gia đình bớt được áp lực vì một vụ thất bát. Từ khi trồng quýt đến nay, chưa có năm nào giá giảm sâu như năm nay. Nguyên nhân có lẽ do dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn.

Nhiều mặt hàng nông sản dư thừa, giảm giá sâu trong thời gian qua, nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số tỉnh trong nước. Điều đó là không sai bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới cũng như trong nước, sản xuất công nghiệp và thương mại bị ngưng trệ, gián đoạn nên buộc các địa phương phải chú trọng vào sản xuất nông nghiệp để bù đắp kinh tế, đảm bảo thu nhập cho người dân.

Từ đó, nguồn “cung” nông sản tăng lên đột biến, trong khi sự lưu thông gặp khó khăn, khiến nhiều mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi tiêu dùng của người dân có xu hướng thắt lại. Không chỉ vùng nông thôn mà cả ở thành thị, nhiều gia đình tranh thủ thời tiết chính vụ thuận lợi đều tìm một mảnh đất vườn, thậm chí đưa đất vào chậu trên sân thượng, góc vỉa hè để trồng rau, tự túc nhu cầu rau trong nhà, hạn chế ra chợ mua khiến rau ngoài chợ ế ẩm, giá lại rẻ.

Cánh đồng rau tại xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu héo úa, hư hỏng do người dân không thu hoạch. Ảnh: Quang An
Cánh đồng rau tại xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu héo úa, hư hỏng do người dân không thu hoạch. Ảnh: Quang An

Bà Nguyễn Thị Thủy ở khối 1, thị trấn Yên Thành (Yên Thành) cho hay: “Gia đình có khoảng 40 m2 đất vườn, mùa nào thức ấy, tranh thủ trồng rau, củ, quả để tự túc rau xanh hàng ngày, không những vậy còn cho hàng xóm chung quanh. Mặt khác, do rau ở chợ không rõ nguồn gốc, thật giả lẫn lộn nên sợ không dám ăn vì không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chịu khó làm để dùng cho yên tâm”.

Còn bà Trần Thị Thơm ở phường Trường Thi (TP. Vinh) cho biết: Gia đình chỉ có 3 miệng ăn nhưng vẫn đầu tư bộ dụng cụ trồng rau tại nhà để tự túc lượng rau xanh hàng ngày, vừa đảm bảo rau luôn tươi và an toàn. Đây là một thực tế của nền kinh tế thị trường còn nhỏ bé của Việt Nam. Bản chất của kinh tế thị trường là chuyên môn hóa, sản xuất nhưng mặt hàng mình có lợi thế để đưa ra thị trường bán nhằm thu lợi nhuận và mua những gì mình cần. Người tiêu dùng thay vì ra chợ mua rau, quả thì co lại, “tự sản, tự tiêu” như thời bao cấp khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh.

Mặc dù “giải cứu” là giải pháp trước mắt giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn; nhưng thẳng thắn mà nói, thì bản chất của từ “giải cứu” đã nói lên sự thất bại và bị động trong tổ chức và nhiệm vụ đưa nền nông nghiệp nước ta đi lên sản xuất lớn.

Thực ra, điệp khúc “được mùa mất giá” hay “trồng sau đó chặt bỏ” không phải là chuyện mới diễn ra, mà từ cách đây mấy chục năm, khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường. Điều đau xót là cái vòng luẩn quẩn đó luôn đeo bám người nông dân và trong mối quan hệ này, nông dân là thiệt thòi nhất. Dịch Covid-19 lần này, nông nghiệp là cứu cánh nhưng cũng chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khiến nông dân càng khó khăn hơn.

Nguyên nhân sâu xa là chúng ta chưa “bắt” đúng “bệnh”? Lâu nay, người nông dân, luôn gắn với hình ảnh cần cù, chịu thương, chịu khó. Tuy nhiên, hiện nay, khi nền sản xuất đã chuyển sang sản xuất lớn, cạnh tranh và hội nhập, nhưng người nông dân chưa chịu đổi mới, thay đổi tư duy để thích ứng với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh mới.

Thực chất, người nông dân dù thế nào cũng chỉ là người sản xuất trên đồng ruộng, tư duy của họ chỉ là các tính toán trên thửa đất của mình sau cho hiệu quả và thông tin về thị trường phải do các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp xây dựng; các doanh nghiệp, HTX phải làm tròn trách nhiệm là cầu nối dự báo và thông tin thị trường. Xảy ra tình trạng trên là do khâu dự báo “cung- cầu” vĩ mô quá yếu và thiếu chính xác nên các giải pháp đưa ra cũng không phát huy hiệu quả.

Mô hình dưa nhà lưới được xem là giải pháp nhưng do quy mô quá nhỏ nên không ai dám ký hợp đồng với siêu thị. (Ảnh: Mô hình dưa Lê Cảnh Hiếu ở xóm 4, xã Nam Anh, Nam Đàn. Ảnh: P.V)
Mô hình dưa nhà lưới được xem là giải pháp nhưng do quy mô quá nhỏ nên không ai dám ký hợp đồng với siêu thị. (Ảnh: Mô hình dưa Lê Cảnh Hiếu ở xóm 4, xã Nam Anh, Nam Đàn. Ảnh: P.V)

Thực tế trên lý giải vì sao rau, củ, quả bà con nông dân sản xuất ra không có nguồn gốc nên rất khó tiêu thụ và nguy cơ ế ẩm cao. Mặt khác, theo thống kê của ngành Nông nghiệp, năm nay thời tiết cơ bản thuận lợi nên các vùng rau màu, củ, quả trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước đều đạt năng suất cao. Vì vậy, do chế biến bảo quản còn hạn chế nên khi xảy ra hiện tượng “đứt gãy”, khiến lưu thông phân phối gặp khó khăn thì “cung” vượt quá “cầu” nên ế đọng, bán mà không ai mua.

Trong khi nông sản dư thừa với số lượng lớn, nhưng các cấp chính quyền với tư cách là cơ quan quản lý và điều tiết cũng đứng ngoài bất lực vì thiếu thông tin. Có địa phương dù biết nguy cơ ế đọng và giá rẻ từ trước nhưng không làm gì được vì không có quan hệ với doanh nghiệp và không biết khuyến cáo được người dân đưa đi đâu, không biết chỗ nào cần và phó mặc cho thị trường và phần nào đó tư thương thao túng.