Tìm tiếng nói chung
(Baonghean) - Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các đồng minh trong NATO tại Hội nghị thượng đỉnh của khối đang được chờ đợi. Sự kiện ngày 25/5 tại Brussels sẽ làm rõ cam kết của Mỹ đối với châu Âu, cũng như vấn đề đóng góp kinh phí hoạt động - vốn gây tranh cãi giữa đôi bên.
Tổng thống Mỹ Trump muốn NATO gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ảnh: The Hill |
Sức ép kim tiền
Gần 5 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu trong NATO đã trải qua nhiều trạng thái cảm xúc. Họ từng hoang mang trước những tuyên bố khi vừa nhậm chức của Tổng thống Trump.
Đó là những dòng bình luận trên mạng Twitter của Tổng thống Mỹ rằng nước này sẽ xem xét lại các cam kết nếu các nước châu Âu không tăng chi tiêu quốc phòng và đóng góp nhiều hơn vào ngân sách của khối.
Ông chủ Nhà Trắng cũng cảm thấy NATO nên dành nhiều tâm sức hơn cho mặt trận chống khủng bố và các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương ứng.
Nhưng rồi họ đã phần nào thở phào sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố “NATO đã hết lỗi thời” và ca ngợi tương lai của Liên minh trong cuộc gặp với Tổng thư ký Jens Stoltenberg hôm 12/4.
Việc tăng ngân sách quốc phòng đã được các nước thành viên NATO thống nhất năm 2014 tại hội nghị ở Wales. Theo kế hoạch khối sẽ dành 2% tổng sản lượng kinh tế vào năm 2024 cho lĩnh vực an ninh. Như vậy, NATO đã lập trình bản kế hoạch ngân sách trong vòng 10 năm nhưng Tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy nó diễn ra sớm hơn.
Trên thực tế, trong năm 2015 chỉ có 5 nước chấp hành đúng quy định này là Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Trong năm tài khóa 2015 - 2016, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tới con số 587 triệu USD và khoản nợ công lên đến 19,8 nghìn tỷ USD.
Đây là một trong những lý do chính khiến nhà tỷ phú Trump cảm thấy đã đến lúc phải cắt giảm bớt khoản tiền dành cho NATO, đồng thời yêu cầu 27 quốc gia thành viên phải bỏ ra số tiền đúng 2%/GDP như quy định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hôm 12/4. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, không có nước thành viên NATO nào ở châu Âu muốn đánh mất sự bảo vệ của Mỹ - quốc gia đóng góp chi tiêu quân sự nhiều nhất cho khối, chiếm khoảng 70%. Trong năm 2016, Mỹ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn tất cả các nước NATO khác cộng lại.
Việc chính quyền của Tổng thống Trump đe dọa cắt bớt các cam kết nếu không có tiến triển thực tế nào, khiến các nước thành viên châu Âu lo sốt vó.
Để đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra, trước đó, ngày 10/11/2016, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từng kêu gọi EU thành lập một lực lượng quân đội châu Âu: “Chúng ta phải cảm ơn người Mỹ rất nhiều… nhưng họ sẽ không chăm lo cho nền an ninh châu Âu mãi mãi. Chúng ta phải tự bảo vệ mình, điều này giải thích tại sao chúng ta cần một cách thức mới để xây dựng một nền an ninh EU mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập một lực lượng quân đội châu Âu”.
Cái khó của EU
Thực tế, lãnh đạo các nước thành viên châu Âu của NATO đều hiểu rằng họ cần đảm trách nhiều hơn các nghĩa vụ quốc phòng của mình. Thực tế, sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, các nước châu Âu đều nhất trí dừng việc cắt giảm chi phí quân sự cũng như tiêu dùng ít nhất 2% GDP không muộn hơn năm 2024.
Và đã có nhiều tiến bộ kể từ đó. Năm ngoái, 23 trong số 28 đồng minh NATO đã tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Và dự báo năm tới, 8 nước sẽ đạt được hạn mức 2%.
Nhưng cần phải khẳng định rằng, giá trị của NATO như là một liên minh quân sự không chỉ nằm ở việc các nước dành sự quan tâm thế nào cho ngân sách quốc phòng. Vai trò của NATO được biết tới trong các cam kết thiết yếu nhất một khi các nước thành viên bị tấn công. Khi đó, cả khối sẽ có một hành động chung để cho thấy cam kết đó là rõ ràng.
Ví dụ như sau vụ khủng bố ngày 11/9, liên minh này đã viện dẫn Điều 5 Hiệp ước của khối và triển khai máy bay cảnh báo sớm nhằm giúp đỡ chính quyền của cựu Tổng thống George Bush. Kể từ năm 2004, lực lượng của các nước thành viên NATO khác cũng đã cùng Mỹ có mặt tại nhiều điểm nóng trên thế giới, trong các hoạt động diễn tập chung.
Binh sĩ các nước thành viên NATO trong một hoạt động quân sự chúng. Ảnh: Reuters |
Thực tế là đã có sự khác biệt trong quan điểm của châu Âu và Mỹ về đóng góp cho NATO. Sự quan tâm của châu Âu cũng không chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự hóa để giải quyết các vấn đề an ninh. Châu Âu đã phải khổ sở với làn sóng nhập cư khổng lồ mấy năm qua.
Điều này gây ra những hậu quả xã hội và chính trị khó lường. Đó là sự trỗi dậy của các đảng cực hữu và dân túy, sự đổ vỡ niềm tin giữa tầng lớp tinh hoa lãnh đạo với người dân. Vậy nên, ưu tiên lúc này phải là giải quyết sự bất bình, chán nản của người dân châu Âu trước - những người chịu thiệt hại do toàn cầu hóa, thương mại và nhập cư. Không nhiều người tin rằng tăng chi quốc phòng sẽ giúp giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội thiết thực hàng ngày.
Các lãnh đạo châu Âu cũng có những nguyên tắc khi xem xét vấn đề quốc phòng trong tổng thể ngân sách quốc gia. Họ phải cân đối giữa các cam kết của NATO và bổn phận của một thành viên EU. Ví dụ, Hiệp ước Bình ổn và Tăng trưởng của EU yêu cầu các nước duy trì thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.
NATO, trong khi đó, lại buộc các thành viên đáp ứng mục tiêu 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Cái khó sẽ khiến nhiều chính phủ trong EU phải dè chừng trước những yêu cầu gia tăng đóng góp cho ngân sách quốc phòng chung trong NATO.
Sự đoàn kết và sức mạnh của NATO đang bị nghi ngờ. Nhưng về mặt chiến lược Liên minh này vẫn là trụ cột quân sự của Mỹ, châu Âu trong không gian an ninh Đại Tây Dương. Vậy nên những khác biệt sẽ chỉ là ngắn hạn. Các bên sẽ tiếp tục điều hòa lợi ích của nhau cho phù hợp hơn trong bối cảnh mới.
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|