Tín dụng chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào miền núi ở Nghệ An

Thu Huyền 14/02/2023 11:11

(Baonghean.vn) - Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mở ra cơ hội nâng cao đời sống vùng đồng bào miền núi trên địa bàn tỉnh.

Hàng ngàn gia đình được vay vốn sửa chữa nhà dột nát

Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) là 1 trong 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Nguồn vốn mà Nghệ An được giao để thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP trong năm 2022 là 150 tỷ đồng.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Nghệ An đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan triển khai chính sách tín dụng này.

Cán bộ Ngân hàng CSXH kiểm tra mô hình vay vốn tại cho đồng bào khó khăn vùng dân tộc miền núi. Ảnh: Thu Huyền

Năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 763/HD-UBND ngày 02/11/2022 chỉ đạo UBND các huyện phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, ngân hàng chưa thể triển khai do chưa có danh sách các đối tượng thụ hưởng của cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho vay. Cuối năm 2022, một số địa phương đã lên danh sách đối tượng hưởng thụ, nhờ đó, Ngân hàng CSXH tỉnh đã có danh sách được phê duyệt của UBND các huyện.

Đến 31/01/2023, dư nợ cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là 38 tỷ đồng; một số đơn vị có doanh số cho vay đạt cao: Kỳ Sơn 10,9 tỷ đồng; Quỳ Châu 10,3 tỷ đồng; Con Cuông 9,2 tỷ đồng; Tương Dương 5,2 tỷ đồng... hoàn thành 25,3% kế hoạch.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu thăm gia đình chị Vi Thị Mai ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh. Ảnh: Thu Huyền

Tại huyện Quỳ Châu, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ngân hàng CSXH huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 542/UBND-DT ngày 17 tháng 5 năm 2022 của UBND huyện Quỳ Châu về việc rà soát danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.

Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu đã tiến hành 10 đợt giải ngân, với tổng số vốn giải ngân hơn 10,3 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tổng số hộ được vay từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28 là 258 hộ, với mức cho vay tối đa là 40 triệu đồng/hộ. Trong đó, có 64 trường hợp xây mới nhà để ở, 194 trường hợp sửa chữa nhà dột nát đảm bảo nhà ở kiên cố cho người dân. Cụ thể: Xã Châu Hạnh 74 hộ, xã Châu Bính 50 hộ, xã Châu Bình 32 hộ, xã Châu Hoàn 20 hộ, xã Châu Hội 16 hộ, xã Châu Nga 18 hộ, xã Châu Phong 14 hộ, xã Châu Thắng 2 hộ, xã Châu Thuận 24 hộ, xã Diên Lãm 8 hộ.

Gia đình chị Lữ Thị Hiền ở xóm mới, xã Châu Phong thuộc diện hộ nghèo khó khăn của xã, nhà tạm bợ đã vay vốn ưu đãi xây nhà mới. Ảnh: Thu Huyền

Điển hình như hộ chị Hà Thị Thủy (SN 1966) ở Quỳnh 2, xã Châu Bình, nhà có 3 mẹ con, con trai lớn đi làm thuê, con gái út đang học cấp 2, là hộ nghèo của xã, nhà ở đã xuống cấp, nay chị đã được vay vốn để sửa chữa lại nhà ở. Hộ ông Lô Văn Châu (SN 1964) ở xóm mới, xã Châu Phong có 6 người, cuộc sống chủ yếu phục thuộc vào sản xuất nông nghiệp, là hộ nghèo lâu năm của xã Châu Phong, nhà ở đã xuống cấp không ở được phải dỡ bỏ để xây nhà mới. Hay chị Lữ Thị Hiền (SN 1987) ở xóm Mới, xã Châu Phong, nhà có 3 người, 2 vợ chồng và 1 con còn nhỏ. Hai vợ chồng chị Hiền sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo khó khăn của xã, nhà tạm bợ đã được dỡ bỏ để xây nhà mới.

Ông Đặng Hoài Nam – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu cho biết: Kế hoạch trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cho vay theo Nghị định 28 với số vốn đăng ký theo kế hoạch đầu năm gần 12 tỷ đồng, với khoảng 300 hộ nghèo được vay vốn.

Cần tập trung giải ngân

Khó khăn đặt ra hiện nay là dù nguồn vốn để giải ngân theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP Ngân hàng CSXH tỉnh đã sẵn sàng, nhưng danh sách phê duyệt đối tượng được thụ hưởng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP trong năm 2023 từ UBND các huyện chưa có, do đó, Ngân hàng CSXH tỉnh chưa có cơ sở để giải ngân. Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, tại các cuộc họp ban đại diện ngân hàng, chúng tôi đã nêu vấn đề này, rất mong các địa phương khẩn trương rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng để thực hiện giải ngân, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sớm được vay vốn chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP.

Ngân hàng Chính sách xã hội Con Cuông giải ngân tại xã Thạch Ngàn. Ảnh: Thu Huyền

Ông Lương Văn Khánh - Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc triển khai chương trình bị chậm một phần do chương trình có nhiều nội dung mới, phần khác do văn bản hướng dẫn định mức từ Trung ương bị chậm. Thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tích cực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung thuộc chương trình. Trước mắt là đôn đốc các địa phương sớm rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng để Ngân hàng CSXH Nghệ An giải ngân cho vay.

Trước đó, ngày 26/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021- 2030.

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bà con quan tâm chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Thu Huyền

Theo đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất ở, 40 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ nhà ở. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.

Về cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, Nghị định số 28 quy định đối tượng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh (cơ sở sản xuất kinh doanh) hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý (Dự án vùng trồng dược liệu quý), Dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao (Dự án trung tâm nhân giống) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng mức cho vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng đối với Dự án vùng trồng dược liệu quý, không vượt quá 92 tỷ đồng đối với Dự án trung tâm nhân giống.

Mức cho vay đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Dự án trung tâm nhân giống và Dự án vùng trồng dược liệu quý do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định cho vay căn cứ phương án sử dụng vốn và quyết định phê duyệt thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền, nhưng không vượt quá 45% mức đầu tư của cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tham gia vào dự án. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa là 10 năm. Lãi suất cho vay 3,96%/năm.

Mới nhất
x
Tín dụng chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào miền núi ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO