Tín dụng chính sách giúp nhiều người dân ở Nghệ An thoát nghèo

Bài: Thu Huyền; Kỹ thuật: Lâm Tùng 14/10/2019 15:00

(Baonghean) - Tại Nghệ An, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần trực tiếp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Những đồng vốn tưởng như ít ỏi nhưng với những gia đình ở nông thôn, dân tộc thiểu số đã vô cùng hữu ích khi mang tới những cơ hội đổi đời cho họ.

"BÀ ĐỠ" CỦA HỘ NGHÈO

Ở bản Hội 3, xã Châu Hội (Quỳ Châu), mô hình sản xuất, kinh doanh của chị Hà Thị Đào được mọi người khen ngợi. Chị Đào là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Nông dân bản Hội 3, xã Châu Hội; là gương sáng làm ăn giỏi nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị Đào cho hay: “Trước đây, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo thuộc diện khó khăn trong bản. Trong lúc khó khăn, thiếu vốn làm ăn thì tôi được bình xét để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện”.

Rừng keo của gia đình chị Hà Thị Đào ở xã Châu Hội (Quỳ Châu). Ảnh: Thu Huyền
Rừng keo của gia đình chị Hà Thị Đào ở xã Châu Hội (Quỳ Châu). Ảnh: Thu Huyền

Nhờ có vốn vay Ngân hàng CSXH và có sự hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi của chính quyền địa phương và của tổ chức Hội, qua 3 đợt vay vốn đã giúp gia đình chị Đào ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập tăng thêm từ chăn nuôi và sản xuất kinh doanh; đến nay đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã.

Còn tại Làng Xiềng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) - bản đặc biệt khó khăn, vùng biên giới giáp ranh với nước bạn Lào hiện có 176 hộ, 787 nhân khẩu, hộ nghèo và cận nghèo chiếm 50% số hộ; 100% số hộ là đồng bào dân tộc Thái. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và một số ít làm dịch vụ.

Năm 2005, Tổ tiết kiệm và vay vốn được UBND xã Môn Sơn thành lập, thuộc tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý. Quá trình hoạt động, 100% tổ viên sử dụng tiền vay đúng mục đích, có hiệu quả, các tổ viên chấp hành nghiêm chỉnh quy định trả nợ gốc, lãi đúng hạn. Tín dụng chính sách ngày càng góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo cho địa phương chúng tôi, mức vay ngày càng được nâng lên phù hợp với thực tế của người vay.

Chị Hà Thị Long - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, Con Cuông

Chi em tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vón vay NHCS. Ảnh: Thu Huyền
Chị em tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền

Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn Làng Xiềng có 51 tổ viên, tổng dư nợ của tổ là 1.980,5 triệu đồng, gồm 6 chương trình tín dụng, một số hộ được thụ hưởng 2-3 chương trình tín dụng. Từ nguồn vốn được vay, hiện nay các hộ trong Tổ đã có 166 con trâu bò, dê 185 con, lợn 311 con, và đặc biệt hơn trong tổ đã có 18 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng và 12 hộ tham gia làng nghề Dệt thổ cẩm truyền thống của bản, đây là một nét mới của bản trong vài năm trở lại đây.

Một số hộ trong tổ nhờ vốn vay mà hiện nay đã từ hộ nghèo không có vốn sản xuất, mới ra ở riêng chưa có tài sản đáng kể nay vươn lên thoát nghèo (như hộ Hà Thị Hằng, Vi Thị Thỏa, Vi Thị Toán…).

Chị Hà Thị Long - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng được tnhiều đóng góp trong thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ được nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền
Chị Hà Thị Long - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng được nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam vì có nhiều đóng góp trong thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ. Ảnh: Thu Huyền

Nhờ phát huy tốt hiệu quả vốn vay, tổ Tiết kiệm và vay vốn đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế của Làng Xiềng đi lên một cách vững chắc và ngày càng phát triển, năm 2016 đạt danh hiệu Làng Văn hóa, năm 2018 đạt Làng Văn hóa kiểu mẫu. Năm 2017 bản được UBND tỉnh công nhận làng nghề Dệt thổ cẩm trong đó có 12 thành viên chủ chốt của HTX sản xuất được hàng thủ công mỹ nghệ và dịch vụ là nhờ nguồn vốn vay NHCSXH do tổ quản lý. Tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm từ 33.15% năm 2015 xuống còn 9% năm 2019.

TẠO CHUYỂN BIẾN VÙNG KHÓ

Thực hiện Nghị quyết số 76 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo nghị quyết Quốc hội đề ra, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội.

Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng tặng quà gia đình chính sách ở Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. Tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An

Đến 30/6/2019, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ với tổng nguồn vốn đạt 8.237 tỷ đồng. Trong 5 năm (2014 - 2019), NHCSXH Nghệ An đã thực hiện giải ngân 12.719 tỷ đồng cho 461.250 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 8.222 tỷ đồng, tăng 1.991 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng


Mới nhất

x
Tín dụng chính sách giúp nhiều người dân ở Nghệ An thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO