Tín dụng chính sách: Mang cơ hội học tập đến sinh viên nghèo ở Nghệ An

Thu Huyền 25/08/2022 07:25

(Baonghean.vn) -  Nghệ An là tỉnh có dư nợ chương trình học sinh, sinh viên đứng đầu trong toàn quốc. Với tinh thần “không để bất kỳ một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí”, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An quyết tâm khắc phục khó khăn, đưa nguồn vốn đến với người dân, mang lại cơ hội học tập cho hàng chục ngàn sinh viên nghèo.

Tiếp sức đến trường

Đã qua rồi những ngày “cơm không đủ no, áo không đủ ấm”, nhưng ông Nguyễn Thế Tuyên (SN 1968) - là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn (Đô Lương) không quên những ngày gian khó ấy. Nếu không có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ thì gia đình ông đã không thể trả hết số nợ ngân hàng, phát triển kinh tế gia đình và nuôi các con học xong đại học, ra trường có nghề nghiệp ổn định.

Thời điểm năm 2007, nhà ông Tuyên thuộc diện hộ nghèo; 2 vợ chồng làm nông nuôi 4 con đang tuổi ăn học. Quá khó khăn nên 2 con đầu của ông tốt nghiệp 12 là phải khăn gói đi làm thuê kiếm sống. Đến năm 2008, con thứ 3 thi đậu vào Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng “kinh tế gia đình khó khăn lấy tiền đâu mà học”.

Ngoài việc vay vốn cho con ăn học, gia đình ông Nguyễn Thế Tuyên ở xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn (Đô Lương) cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Ảnh: Thu Huyền

Ông Tuyên cho hay: Được sự động viên và bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội xóm 8 (nay là xóm Thuận Phú), tôi đã mạnh dạn vay vốn Chương trình học sinh, sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cho con ăn học. Nhờ đó mà gia đình tôi có đủ kinh phí để trang trải chi phí học tập cho con thứ 3, rồi đến con thứ 4 với tổng số tiền 76,6 triệu đồng. Ngoài việc vay vốn cho con ăn học, gia đình cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản.

Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã, tài sản hiện có là 15 con trâu, bò với trị giá khoảng trên 300 triệu đồng; đặc biệt là 2 con út được đi học đến nơi, đến chốn, nay đã ra trường và có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Ông Nguyễn Thế Tuyên - thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn (Đô Lương)

20 năm qua, huyện Đô Lương đã có 22.585 lượt hộ gia đình được vay vốn để cho con em đến với các giảng đường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Quá trình triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng học sinh, sinh viên, tại huyện Đô Lương không có trường hợp nào bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí. Ra trường, cơ bản các em đều có việc làm, có thu nhập để trả nợ đúng hạn.

Chị Đậu Thị Thu ở xóm Minh Thắng, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu (bên trái) vay vốn sinh viên đầu tư cho con theo học Đại học Y khoa Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Tại huyện Diễn Châu, chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với doanh số cho vay 20 năm đạt trên 500 tỷ đồng với 26.218 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học. Nhiều gia đình có 3 - 4 con đi học có đủ điều kiện học tập. Tiêu biểu có hộ ông Hoàng Văn Thụ ở xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn. Ông Thụ có 5 người con đều học đại học, cả 5 đều vay vốn học sinh, sinh viên, được học hành đến nơi, đến chốn, ra trường có việc làm ổn định. Số tiền vay 125,5 triệu đồng, hiện tại gia đình ông đã trả hết nợ vay.

Hay chị Hoàng Thị Hường ở xóm 5, xã Diễn Tân cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà học xong đại học, nay là Bí thư Đoàn xã Diễn Tân (Diễn Châu). Chia sẻ với chúng tôi, chị còn nhớ như in những ngày gian khó khi bước vào giảng đường Đại học Khoa học Huế.

Chị Hoàng Thị Hường ở xóm 5, xã Diễn Tân cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà học xong đại học, nay là Bí thư Đoàn xã Diễn Tân (Diễn Châu). Ảnh: Thu Huyền

Chị Hường cho biết: “Năm 2006, tôi đỗ đại học nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên khá lo lắng. Thế rồi, nhờ nguồn vốn Chương trình học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội mà bố mẹ tôi có tiền cho anh em chúng tôi ăn học đầy đủ. Ra trường, chúng tôi có việc làm ổn định tại quê nhà, có điều kiện trả nợ cho ngân hàng. 37 triệu đồng vay trong 4 năm học đó có ý nghĩa rất lớn, giúp tôi có điều kiện đến trường, mở ra tương lai tươi sáng. Mong rằng, nguồn vốn này tiếp tục phát huy hiệu quả, nhiều gia đình có hoàn cảnh được vay”.

Phát huy giá trị của chương trình

Để không có em học sinh nào phải ngừng học vì không có tiền đóng học phí, từ mức cho vay ban đầu chỉ 800.000 đồng, ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng, đáp ứng nhu cầu chi phí tối thiểu để các em ăn học.

Ông Thái Văn Chín ở xóm 3, xã Lý Thành, Yên Thành vay vốn cho con trai theo học đại học. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài ra, quyết định này còn sửa đổi, mở rộng cho vay học sinh, sinh viên đối với các hộ gia đình, ngoài hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất còn thêm hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Thêm một chính sách mới rất rộng mở, tiếp sức cho học sinh, sinh viên là ngày 4/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09/2022/QĐ-TTg giúp học sinh, sinh viên được mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, mức vay tối đa 10 triệu đồng/trường hợp, với lãi suất 1,2%/năm. Điều kiện là thành viên của hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, huyện Yên Thành là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Nghệ An giải ngân vốn vay cho sinh viên mua máy tính. Đó là trường hợp sinh viên Thái Văn Lực - con trai ông Thái Văn Chín ở xóm 3, xã Lý Thành, đang theo học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Gia đình ông Thái Văn Chín là hộ nghèo, hai vợ chồng làm nông lại đau ốm thường xuyên nên việc nuôi con ăn học gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc được vay vốn 12,5 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con, gia đình được hỗ trợ vay số tiền 10 triệu đồng với lãi suất 1,2%/ năm, thời hạn cho vay 36 tháng.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu tặng quà động viên sinh viên ở xóm 12, xã Quỳnh Tân. Ảnh: Thu Huyền

Ông Phan Hữu Trang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Thành cho biết: Yên Thành là vùng đất có truyền thống hiếu học, trên địa bàn toàn huyện có hàng chục ngàn em học sinh, sinh viên đang theo học. Đến nay, đã có 27.836 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; nhờ đó, không còn tình trạng sinh viên nghèo phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí, giúp các em có cơ hội được học tập nâng cao trình độ, được học nghề và có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định.

Theo số liệu tổng hợp, doanh số cho vay Chương trình cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Nghệ An đạt 4.475 tỷ đồng với hơn 250.000 lượt hộ gia đình vay vốn cho 625.000 học sinh, sinh viên theo học. Doanh số thu nợ 4.179 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 30/6/2022 là 295 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,8% tổng dư nợ, với 8,4 ngàn hộ đang vay vốn.

Tín dụng đối với học sinh, sinh viên thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, khẳng định chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ, đã tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng xã hội. Chương trình đã góp phần quan trọng trong chính sách phát triển, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Đây là chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương trong huy động nguồn vốn đến việc tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ. Để chương trình tiếp tục đạt hiệu quả cao, chính quyền các cấp cần thường xuyên rà soát bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có cơ sở thực hiện nghiêm túc về việc xác nhận các gia đình thuộc diện vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên đúng đối tượng, phát huy giá trị tích cực của chương trình.

Mới nhất

x
Tín dụng chính sách: Mang cơ hội học tập đến sinh viên nghèo ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO