Tín hiệu tích cực từ mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục đã được ngành Giáo dục Nghệ An triển khai từ năm học 2021 - 2022 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức dạy thật, thi thật và kết quả thật. Qua quá trình triển khai đã bước đầu xuất hiện những “điểm sáng”.
Sự tiến bộ vượt bậc
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 có trên 95% học sinh là người dân tộc thiểu số đến từ các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An. Cách đây 3 năm, khi các em trúng tuyển vào trường, điểm trúng tuyển của các em chỉ ở mức trung bình, khá và chỉ nằm vào tốp giữa của tỉnh.
Thế nhưng, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng của toàn tỉnh, chỉ đứng sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Qua thống kê của nhà trường, năm học này, trường có một Á khoa khối C toàn tỉnh, đó là em Nguyễn Thị Ngọc Mai (29 điểm), 1 Thủ khoa toàn tỉnh là em Lương Cao Trúc Linh. Dự kiến, trường có 6 học sinh được lọt vào danh sách được UBND tỉnh tuyên dương tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tiết ôn tập của học sinh lớp 12,Trường PT DTNT THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà |
Giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng nhưng kết quả này không quá bất ngờ với tập thể nhà trường, bởi nếu so sánh với điểm cam kết trước đó của các bộ môn thì điểm thi thực tế không quá nhiều khác biệt, điểm chênh lệch chỉ tăng, giảm 0,1 điểm.
Thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối sánh kết quả học bạ và qua 6 lần thi thử của nhà trường, kết quả này phản ánh đúng thực chất công tác dạy học và học tập của học sinh nhà trường thời gian qua.
Với đầu vào thấp, để nâng cao chất lượng đại trà, thời gian qua nhà trường có nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, từ năm học 2021 - 2022, sau khi triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, nhà trường có nhiều đổi mới trong chỉ đạo dạy và học. Theo đó, để tổ chức dạy và học hiệu quả, nhà trường chủ động trong việc phân hóa từng đối tượng học sinh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học tập để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.
Giáo viên Trường PT DTNT THPT số 2 phụ đạo thêm môn Ngoại ngữ cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Mỹ Hà |
Trước đó, ngay từ tháng 9, nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng nội dung, kịch bản để tiến hành tổ chức các Câu lạc bộ tự học các môn Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh cho học sinh. Trong đó, chú trọng hoạt động tương tác trực tiếp giữa giáo viên giảng dạy và học sinh nhằm giải quyết những thắc mắc, lo lắng của học sinh trong việc học tập và đề ra phương pháp tự học bộ môn cho mình phù hợp với năng lực bản thân và có tính hiệu quả cao. Trên cơ sở khung chương trình các môn học, nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung kiến thức, kỹ năng cần đạt của các môn học, từ đó, thống nhất xây dựng phân phối chương trình của các môn học phù hợp với đối tượng học sinh của từng lớp học. Việc đánh giá xếp loại thi đua cuối năm cũng căn cứ trên kết quả học tập cho học sinh.
Nằm trong tốp đầu của giáo dục Nghệ An còn có Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, với điểm trung bình là 7,19 điểm, điểm trung bình chung các môn vượt xa điểm trung bình chung toàn tỉnh. Đây cũng là thành tích đáng tự hào, bởi với một ngôi trường mà học sinh là người Mông, người Khơ mú và người Ơ đu chiếm tỷ lệ khá cao thì việc nâng điểm trung bình của các em, từ điểm đầu vào chỉ 4 - 5 điểm lên điểm 7, điểm 8 là một sự cố gắng vượt bậc.
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An cho biết: Đây là một khóa học gặp rất nhiều khó khăn khi một thời gian các em bị gián đoạn việc học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy học, chúng tôi giao trách nhiệm đến từng giáo viên bộ môn, từng giáo viên chủ nhiệm và kèm cặp đến từng học sinh, nhất là những học sinh có học lực vừa phải. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường tổ chức nhiều đợt thi thử để đánh giá kết quả học tập của các em.
Trên cơ sở đó, có phương án tổ chức dạy học phù hợp theo từng đối tượng. Vì vậy, năm học này, không chỉ điểm trung bình của trường tăng mà số học sinh có điểm xét đại học cũng rất cao. Với kết quả này, nhà trường đạt mục tiêu “đầu ra” về đảm bảo chất lượng giáo dục.
Khó khăn, thách thức là động lực cho dạy và học
Phiếu thăm dò sự hài lòng của phụ huynh, học sinh là một trong những điểm mới của Trường THPT Đô Lương 1 trong năm học này và là một trong những khâu quan trọng trong lộ trình triển khai mô hình đảm bảo chất lượng của nhà trường. Với hơn 1.500 phiếu được phát đi trong năm học 2021-2022, nhà trường cũng đã nhận được hơn 1.500 phiếu phản hồi của phụ huynh, học sinh đối với từng giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm của 39 lớp với các mức độ rất hài lòng, hài lòng và chưa hài lòng.
Phiếu lấy ý kiến hài lòng phụ huynh, học sinh của Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà |
Quá trình thực hiện, được nhà trường triển khai một cách khách quan, tôn trọng từng giáo viên, học sinh, phụ huynh. Kết quả kiểm phiếu được thông qua trong toàn tổ kiểm phiếu và hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm để thông báo kết quả cho từng giáo viên. Trong đó, nếu giáo viên nào nhận được nhiều phiếu hài lòng, rất hài lòng sẽ được nhà trường khuyến khích, động viên để phát huy năng lực. Những giáo viên nào nhận nhiều phiếu chưa hài lòng cũng sẽ được nhắc nhở một cách khéo léo để giáo viên điều chỉnh thái độ, phương pháp dạy học.
Thầy giáo Lê Đức Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 cho biết: Phiếu thăm dò sự hài lòng là một kênh khách quan để nhà trường đánh giá được hiệu quả chất lượng dạy và học đến từng giáo viên. Qua thống kê, một số giáo viên được đánh giá là chưa hài lòng chủ yếu là do các thầy, cô còn nặng về thành tích khiến cho học sinh thấy áp lực. Để việc lấy ý kiến có hiệu quả, chúng tôi không công khai kết quả trong toàn trường mà chỉ thông báo riêng cho từng giáo viên để tránh quá nhiều áp lực. Điều này, sẽ hạn chế việc thăng hoa của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Buổi họp chuyên môn của giáo viên Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà |
Nói về mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục trong năm đầu triển khai, Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 cũng thừa nhận có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, cũng theo thầy giáo Lê Đức Hưng - Hiệu trưởng nhà trường, thì “nếu nói khó mà không làm là chưa làm hết trách nhiệm của nhà trường. Thay vào đó, phải biến khó khăn thành động lực”.
Trên thực tế, tại Trường THPT Đô Lương 1, dù năm đầu triển khai nhưng nhà trường đã xây dựng khá bài bản kế hoạch thực hiện từ đánh giá tổng quan năng lực của nhà trường, phân tích đầu vào của từng học sinh, xác định chuẩn đầu ra của từng lớp học đến thiết kế chương trình giáo dục, kế hoạch đảm bảo chất lượng của giáo viên, của từng học sinh được thực hiện một cách chi tiết. Trong năm học vừa qua, song song với chú trọng đến học sinh lớp 10, nhà trường cũng chú trọng đầu ra cho học sinh lớp 12 để đạt kết quả cao tại các kỳ thi. Quá trình triển khai, nhà trường lấy kết quả của các kỳ thi học kỳ, kỳ thi thử để đánh giá năng lực từng học sinh và trên cơ sở đó có phương án dạy học thích hợp. Nhờ những nỗ lực này, từ vị trí thứ 5 (năm học 2020 - 2021), năm nay nhà trường vươn lên vị trí thứ 3 về kết quả thi tốt nghiệp THPT và là một trong những kết quả tốt nhất của nhà trường trong vài năm trở lại đây.
Tại Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương), để năm thứ 3 liên tục nhà trường đạt tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, giữ vị trí thứ 24/198 đơn vị toàn tỉnh, ban giám hiệu nhà trường cũng kiên trì triển khai chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục.
Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Mỹ Hà |
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuần - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đầu vào của trường chúng tôi thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung các trường khác trên địa bàn, vì vậy, việc nâng cao chất lượng đại trà là rất khó khăn. Chính vì thế, trong năm học vừa qua, để thực hiện đúng cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục đã ký kết, các giáo viên của trường đã tình nguyện dạy học hơn 250 buổi miễn phí cho học sinh, tập trung chính là ở học sinh trung bình, trung bình khá. Vì vậy, kết quả đạt được là cả quá trình làm việc hết mình, tâm huyết trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và của cả các em học sinh.
Vị trí xếp hạng của tỉnh Nghệ An cũng đã cải thiện khi nâng 14 bậc so với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thầy giáo Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ đầu năm học này, Sở đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện công tác đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Nghệ An và là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình này. Trong quá trình triển khai, việc thực hiện giám sát, quản lý chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục, nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tổ chức ký cam kết và đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục dựa trên tiêu chí chính là chất lượng đầu ra của học sinh. Đây cũng được xem là bước đột phá trong quản trị giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học với mục tiêu lớn nhất là vì sự tiến bộ của người học.