Xã hội

Tín ngưỡng thờ Vua Hùng là một giá trị văn hóa cốt lõi trong đời sống người dân Nghệ An

Minh Quân 07/04/2025 07:04

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ hiện diện tại vùng đất Tổ Phú Thọ mà còn lan tỏa rộng khắp các miền đất nước, trở thành mạch nguồn văn hóa chung, biểu tượng gắn kết tinh thần dân tộc Việt Nam.

72b93ab7-gio-to-hung-vuong copy

Minh Quân (Thực hiện) • 07/04/2025

Tại Nghệ An – vùng đất địa linh nhân kiệt của miền Trung, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng cũng mang sức sống bền bỉ, giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An quanh vấn đề này.

PV: Được biết trên đất Nghệ An, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng thể hiện rõ nét qua cả chiều dài lịch sử và đời sống văn hóa tâm linh của người dân, ông có thể cho biết rõ hơn?

Ông Bùi Công Vinh: Theo các nhà nghiên cứu, vùng Nghệ Tĩnh từ xa xưa đã là địa bàn cư trú của cộng đồng người Lạc Việt. Tiêu biểu là di chỉ khảo cổ làng Vạc tại Nghệ An, mặc dù niên đại còn có tranh luận, song đa số đều liên hệ di chỉ này với văn hóa Đông Sơn, niên đại khoảng 2.500 năm trước, tức thời kỳ Hùng Vương.

Người dân Nghệ An cũng có truyền thống lâu đời thờ phụng trực tiếp các Vua Hùng. Điển hình nhất là Đền Hồng Sơn ở thành phố Vinh, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Đến nay, đền vẫn lưu giữ nguyên vẹn long ngai và bài vị của 18 đời Vua Hùng tại gian trung điện. Đây là ngôi đền duy nhất thờ cúng Vua Hùng tại thành phố Vinh, trở thành trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng, nơi người dân địa phương hướng về nguồn cội.

Giỗ tổ Đền Hồng Sơn
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hồng Sơn (thành phố Vinh). Ảnh: Minh Quân

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Nghệ An càng được chú trọng phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều di tích lịch sử liên quan được trùng tu, các lễ nghi truyền thống được phục dựng, hòa cùng xu thế hướng về cội nguồn dân tộc chung của cả nước.

Mỗi dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba âm lịch, Đền Hồng Sơn lại chật kín người dân và du khách về dâng hương tưởng niệm. Lễ dâng bánh chưng bánh dày tại đây luôn là khoảnh khắc thiêng liêng, nhắc nhở câu chuyện truyền thuyết thời Vua Hùng thứ 6. Tiếp đó, nghi thức tế lễ cổ truyền diễn ra trang nghiêm với sự tham gia của các thành viên chủ tế, bồi tế, đội tế mặc trang phục truyền thống, thành kính dâng hương, rượu và đọc văn tế tri ân công đức tổ tiên.

Tại Đền Kim Lung (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai), hằng năm vào ngày 10 tháng Ba âm lịch, nhân dân tổ chức Lễ Kỳ phúc thắp hương tưởng nhớ bốn vị thần núi (Cao Sơn, Cao Các, Hàn Sơn, Hiệp Sơn), những người được tin là có công giúp Vua Hùng dựng nước. Một phần đặc biệt của lễ hội này là nghi thức rước kiệu trang trọng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Lễ rước kiệu tại đền Kim Lung (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai) vào dịp giỗ tổ. Ảnh Thanh Yên
Lễ rước kiệu tại đền Kim Lung (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai) vào dịp giỗ tổ. Ảnh: Thanh Yên

Một điểm độc đáo tại Nghệ An là việc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngay tại chùa. Điển hình là chùa Đại Tuệ trên đỉnh núi Đại Huệ (huyện Nam Đàn), dù là một ngôi chùa Phật giáo cổ nhưng hằng năm đều tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ rất trang nghiêm. Điều này phản ánh sự giao hòa độc đáo giữa tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng Phật giáo, làm nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất Nghệ An.

Bên cạnh những di tích tiêu biểu trên, Nghệ An còn nhiều địa điểm thờ tự khác liên quan đến thời đại Hùng Vương như Đền Đức Hoàng (huyện Yên Thành) thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ, đình Trung Cao (huyện Nghi Lộc) thờ vị thành hoàng vốn là tướng lĩnh thời Hùng Vương. Những địa điểm thờ tự này tạo thành một hệ thống không gian văn hóa tâm linh rộng lớn, chứng minh rõ nét câu nói: “Nơi đâu có người Việt, nơi đó có thờ cúng Hùng Vương”.

PV: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Nghệ An?

Ông Bùi Công Vinh: Có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một giá trị văn hóa – xã hội cốt lõi trong đời sống người dân Nghệ An. Thông qua các hoạt động Giỗ Tổ, địa phương luôn chú trọng lồng ghép giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và cộng đồng. Hằng năm, vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, chính quyền địa phương đều tăng cường tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn công đức của các Vua Hùng. Bên cạnh đó, các trường học trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu về thời đại Hùng Vương vào tháng Ba âm lịch. Nhờ vậy, thế hệ trẻ thêm hiểu biết và tự hào về nguồn cội, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước cùng ý thức trách nhiệm kế thừa và phát huy truyền thống cha ông.

Bàn thờ Quốc Tổ tại chùa Đại Tuệ.
Bàn thờ Quốc Tổ tại chùa Đại Tuệ. Ảnh: Huy Thư

Không những thế, tín ngưỡng thờ Vua Hùng còn góp phần gắn kết cộng đồng và làm phong phú đời sống văn hóa địa phương. Các lễ hội thờ cúng Hùng Vương như lễ Giỗ Tổ tại đền Hồng Sơn, đền Kim Lung… là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Mọi người cùng chung tay góp công, góp của để tổ chức lễ hội, trùng tu, tôn tạo đền miếu – đó chính là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Về mặt văn hóa, các lễ hội thờ Vua Hùng góp phần bảo tồn và phát huy nhiều giá trị truyền thống quý báu của xứ Nghệ. Những làn điệu dân ca ví, giặm, ca trù, các nghi thức hầu thánh, trò chơi dân gian… được trình diễn trong dịp lễ hội, qua đó duy trì và trao truyền cho các thế hệ sau. Các trang phục cổ truyền, văn tự Hán Nôm trên văn tế, hoành phi câu đối cổ trong đền miếu cũng được gìn giữ và tôn vinh.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương là một di sản văn hóa vô cùng quý giá trên quê hương Nghệ An, với bề dày lịch sử và sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Trong dòng chảy hiện đại, người dân Nghệ An vẫn một lòng giữ vững đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tự hào truyền lại cho con cháu ngọn lửa thiêng liêng thờ Quốc Tổ – ngọn lửa của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết và bản sắc dân tộc không bao giờ tắt.

PV: Ngoài tổ chức trọng thể lễ Giỗ Tổ ngay tại địa phương, những năm qua, Nghệ An đã có những hoạt động nào tham gia vào lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở tỉnh Phú Thọ?

Ông Bùi Công Vinh: Trong những năm qua, Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về đất Tổ, thể hiện lòng thành kính đối với các Vua Hùng, đặc biệt là thông qua việc tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Phú Thọ. Hằng năm, tỉnh Nghệ An đều cử các đoàn đại biểu tham dự lễ dâng hương tại Đền Hùng vào dịp Giỗ Tổ.

074153-gio-to-hung-vuong-le-hoi-den-hung-2024.jpg
Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng - nơi tọa lạc Đền thờ các Vua Hùng, tạ Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2024. Ảnh tư liệu: TTXVN

Một dấu mốc quan trọng là năm 2019, Nghệ An vinh dự được chọn là một trong ba địa phương (cùng với Cần Thơ và Sơn La) phối hợp tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng. Với vai trò là địa phương góp giỗ, Nghệ An còn tích cực tham gia nhiều hoạt động khác trong lễ hội như hội thi gói bánh chưng, trình diễn trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật và triển lãm giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương. Sự góp mặt của Nghệ An đã góp phần tạo nên không khí sôi nổi, trang trọng cho lễ hội, đồng thời là cơ hội để tỉnh quảng bá nét văn hóa đặc sắc trong sự kiện mang tầm quốc gia.

Năm 2023, Nghệ An tiếp tục hiện diện tại Phú Thọ bằng việc cử đoàn nghệ thuật tham gia "Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh" tổ chức tại thành phố Việt Trì. Sự kiện này diễn ra từ ngày 21 đến 24/4/2023, nằm trong chuỗi hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023. Đoàn Nghệ An đã mang đến liên hoan các tiết mục biểu diễn dân ca ví, giặm đặc sắc, thu hút sự quan tâm và hào hứng của đông đảo công chúng, góp phần làm phong phú thêm không khí lễ hội và quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Nghệ An (như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh) tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Liên hoan...
Một tiết mục của đoàn Nghệ An tham gia "Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh" - sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023. Ảnh: Hồ Hà

Sự chung sức, đồng lòng của Nghệ An trong các sự kiện tại đất Tổ, cũng như việc tổ chức trọng thể lễ Giỗ Tổ ngay tại quê hương mình, đã góp phần củng cố ý thức về một nền văn hóa dân tộc thống nhất trong sự đa dạng của các vùng miền.

PV: Bên cạnh các hoạt động trên, sự kết nối di sản giữa hai tỉnh Nghệ An – Phú Thọ còn được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Công Vinh: Mối quan hệ kết nối di sản giữa Nghệ An và Phú Thọ đang ngày càng gắn bó khăng khít, thể hiện qua nhiều hoạt động hợp tác ý nghĩa trong những năm gần đây. Một minh chứng tiêu biểu là năm 2024, hai tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công triển lãm chuyên đề “Phú Thọ – Nghệ An, kết nối miền di sản” tại Bảo tàng Nghệ An. Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng những di sản văn hóa tiêu biểu của cả hai địa phương, như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan của Phú Thọ, cùng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Nghệ An.

Các đại biểu tham quan Triển lãm “Phú Thọ - Nghệ An, kết nối miền di sản”. Ảnh Công Kiên
Các đại biểu tham quan Triển lãm “Phú Thọ - Nghệ An, kết nối miền di sản” được tổ chức vào tháng 11/2024. Ảnh: Công Kiên

Hoạt động hợp tác này không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà còn khơi dậy niềm tự hào, tình cảm gắn bó với cội nguồn dân tộc trong mỗi người dân. Bên cạnh ý nghĩa văn hóa – xã hội, việc duy trì và phát triển mối liên kết di sản giữa Nghệ An và Phú Thọ còn mở ra cơ hội đẩy mạnh du lịch văn hóa. Những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc liên quan đến thời đại Hùng Vương chính là nguồn tài nguyên quý báu, có sức hút lớn đối với du khách, góp phần thúc đẩy du lịch của cả hai địa phương cùng phát triển. Trong thời gian tới, để mối quan hệ kết nối di sản giữa Nghệ An và Phú Thọ ngày càng bền chặt, theo tôi, hai tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, trao đổi văn hóa, tăng cường phối hợp nghiên cứu lịch sử – văn hóa thời đại Hùng Vương, đồng thời liên kết quảng bá du lịch văn hóa. Có như vậy, chúng ta vừa tôn vinh cội nguồn chung của dân tộc, vừa cùng nhau vun đắp tương lai tươi sáng trên nền tảng di sản quý báu mà cha ông để lại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Tín ngưỡng thờ Vua Hùng là một giá trị văn hóa cốt lõi trong đời sống người dân Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO