Tín ngưỡng và nói “không” với mê tín dị đoan
(Baonghean) - Sau khi báo chí phanh phui và sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan chức năng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN), chùa Ba Vàng đã dừng hoạt động thỉnh vong giải oan gia trái chủ.
Tuy nhiên, câu chuyện mang tên “Ba Vàng” đã thực sự là một cơn chấn động mạnh, không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Giáo hội mà còn gây hoang mang trong dư luận. Dưới góc độ văn hóa, câu chuyện cũng gợi nên nhiều vấn đề về sự cần thiết phải rạch ròi giữa tín ngưỡng và tình trạng mê tín dị đoan.
Trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định pháp thỉnh "oan gia trái chủ" là chính pháp… những gia đình nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo. Ảnh: Báo giáo dục Việt Nam |
Có lẽ đến bây giờ, cho dù đã có nhiều ý kiến phân tích từ các vị chức sắc lãnh đạo Giáo hội PGVN, các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo… cho rằng việc thỉnh vong giải trừ oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng – Quảng Ninh là không đúng với giáo lý của đạo Phật, thì có lẽ, nhiều người vẫn chưa thể khẳng định là có hay không có “vong linh”! Bởi xưa nay, với người Việt Nam, cứ có người chết là mời nhà chùa cúng vong. Hầu hết chùa chiền ở nước ta, bên cạnh thờ Phật, bao giờ cũng có bàn thờ vong ở phía sau.
Đó là bàn thờ những Phật tử đã quy y hoặc chưa quy y nhưng sau khi mất, được gia đình “gửi” lên chùa để vong linh người thân của mình được sớm tối nghe kinh mà siêu thoát. Chuyện cúng vong ở các ngôi chùa Việt cứ thế mà tồn tại. Mà đã cúng vong thì phải có thỉnh vong. Đó chính là tín ngưỡng phổ thông của đại đa số người dân tin vào đạo Phật.
Tuy nhiên, Phật giáo trong sự tín ngưỡng của đại đa số người đi chùa sẽ khác với Phật giáo – với tư cách là một tôn giáo của những Phật tử chính thức, lại càng khác với những người đã xuất gia tu hành. Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyện có hay không có vong linh là tùy thuộc vào quan niệm, vào cách hiểu của mỗi người. Các chùa cúng vong, thỉnh vong chính là sự dung hòa của đạo Phật trong đời sống của người Việt.Chùa Ba Vàng vắng khách sau sai phạm “thỉnh vong”. Ảnh: vnexpress.net |
Phật giáo du nhập vào nước nào đều thu nhập tín ngưỡng bản địa của nước đó và lấy cơ sở giáo lý của đạo Phật để hướng dẫn. Hiếu đạo đã có từ trước, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên có trước khi đạo Phật đến Việt Nam. Không dung hòa với tín ngưỡng dân gian truyền thống, đạo Phật chắc chắn sẽ không thể bám rễ vào đời sống của người Việt và phát triển được như hôm nay.
Chả thế mà Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội PGVN khi nói về Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng là “thầy ấy học hành Phật pháp chưa có gì bài bản..., thể hiện theo kiểu nhảy cóc”.
Việc thỉnh vong vẫn được diễn ra tại chùa Ba Vàng sau khi có phản ánh trái chiều từ truyền thông. Ảnh: nld.com.vn |
Nói vậy để thấy rằng, cúng vong, thỉnh vong ở chùa đúng hay sai, có vong hay không có vong là tùy quan niệm, tùy đức tin ở mỗi người. Ai cho có thì là có, ai cho là không thì là không. Tuy nhiên, khi chùa Ba Vàng tổ chức mời vong nhập vào người nào đó để nói chuyện, để ra giá, vòi tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, dưới hình thức cúng dường cho chùa để giải tội; biến không thành có, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người có bệnh (cả thể xác và tinh thần) để lấy tiền, khiến bao người phải khốn đốn thì rõ ràng là biết sai mà vẫn làm.
Không ai có khả năng mời vong linh đã chết nhiều đời, nhiều kiếp về hiện thân nhập vào người để nói chuyện. Chẳng những không nằm trong giáo lý Đạo Phật (vì Phật không bao giờ nói đến việc này) mà về đạo lý ở đời, không ai có thể hành đạo bằng cách thu tiền kiểu ấy. Đó là chưa kể, chẳng có “vong” (là cái không hiện hữu) nào lại biết tiêu tiền thật do Ngân hàng Nhà nước phát hành cả!
Lễ cầu quốc thái dân an tại Chùa Đức Hậu vào tháng 2/2019. Thông qua khóa kinh cầu nguyện được đại đức Thích Định Tuệ xướng lên quý phật tử sẽ cùng ước nguyện những điều tốt đẹp nhất, cầu cho quốc thái dân an. |
Ranh giới giữa tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín rất khó phân định. Mê tín là tin mà không hiểu, tin một cách mù quáng.
Đức Phật Thích Ca nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Phật là Đức giác ngộ toàn năng. Phật giáo khuyên con người tin bằng trí tuệ, bằng thực nghiệm chứ không tin qua tuyên truyền, mê hoặc, đi theo mà chẳng hiểu gì.
Dưới góc độ văn hóa và đạo đức thì người Việt từ cổ xưa đã có tục thờ cúng tổ tiên. Đó là việc làm rất văn hóa, nhân văn. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là đạo hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà đã có công sinh thành, dưỡng dục với mình. Trong nhà là thờ cúng tổ tiên, ngoài xã hội chúng ta có tục thờ Quốc Tổ, thờ Mẹ Âu Cơ.Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại cũng bởi đó là tín ngưỡng dân gian có ý nghĩa sâu sắc về đạo lý làm người, là cơ sở văn hóa để dân tộc trường tồn.
Đại lễ Phật Thành Đạo ở chùa Viên Quang năm 2018 diễn ra với nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa như: thuyết giảng, tọa thiền, tụng kinh Bát Chánh Đạo, tụng sám Thành đạo, Dâng hoa… |
Phân biệt rạch ròi giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan để biết đâu là chính pháp, đâu là tà đạo; đâu là hoạt động tôn giáo, tâm linh đúng nghĩa, đâu là hành vi trục lợi trên sự mê muội của những người có vấn đề trong cuộc sống. Lợi dụng lòng tin của người khác để mưu cầu vật chất, tiền bạc thì đó là hành vi trục lợi.
Ví như mùa Vu lan báo hiếu, nhà chùa tổ chức lễ cúng vong để mọi người đến tụng kinh cầu siêu cho vong linh ông bà, tiên tổ, sau đó giảng dạy đạo lý, khuyên con người ta sống hiếu đạo thì đó là tín ngưỡng thuần túy. Nhưng nếu cứ xoáy vào việc vong là báo oán, là oan gia, phải bỏ tiền ra để mua lấy sự bình yên, nếu không phải mắc bệnh tật, thế này thế kia thì rõ ràng đó là hành vi trục lợi.