Tin tức nổi bật trong nước tuần qua

05/11/2017 06:39

(Baonghean.vn) - Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10/2017; Yên Bái có quyền giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra Khaisilk;... là những tin tức trong nước đáng chú ý tuần qua.

1. Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng cần quan tâm hơn nữa quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, không để giá trị doanh nghiệp sụt giảm mới tiến hành thoái vốn.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng cần quan tâm hơn nữa quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, không để giá trị doanh nghiệp sụt giảm mới tiến hành thoái vốn.

Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Không khí phát biểu trong các ngày qua rất sôi nổi, có chất lượng và tranh luận rất thẳng thắn và xây dựng. Có đến 79 đại biểu phát biểu và có 16 đại biểu tham gia tranh luận, 6 Bộ trưởng: Bộ TN-MT, KH-ĐT, Công thương, Bộ NN-PTNT, Y tế, Tài chính đã tham gia giải trình.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, cả năm ước đạt 6,7%.

2. Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10/2017

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp

Sáng 3/11, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2017.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm hai thành viên Chính phủ mới là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Chúc mừng hai thành viên Chính phủ mới, Thủ tướng tặng các đồng chí câu mà dân gian hay nói: “Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”, đi đến đâu là tốt đến đó, đóng góp nhiều hơn nữa cho Chính phủ, cho đất nước.

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận về một số vấn đề lớn chuẩn bị cho dự thảo Nghị quyết chỉ đạo điều hành năm 2018 để đầu tháng 1/2018 có Nghị quyết cụ thể, thực hiện tốt nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.

3. Đề xuất hợp nhất một số bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định.

Nội dung này được thể hiện trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội, sáng nay (30/10).

Qua đó, trong năm 2017, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.

Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế.

4. Yên Bái có quyền giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Ông Hồ Đức Hợp (giữa), Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. (Ảnh: vanchan.yenbai.gov.vn).
Ông Hồ Đức Hợp (giữa), Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ảnh: vanchan.yenbai.gov.vn

Sáng 1/11, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, ngay sau khi ông Phạm Sỹ Quý bị thôi chức Giám đốc, UBND tỉnh này đã có quyết định bổ nhiệm ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn giữ chức quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái kể từ ngày 1/11/2017.

Trước đó, ngày 27/10, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái quyết định áp dụng hình thức kỷ luật về Đảng đối với ông Phạm Sỹ Quý là “cảnh cáo”. Đồng thời, cho ông Quý thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về chính quyền, tỉnh Yên Bái quyết định kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý bằng hình thức “cảnh cáo”, đồng thời cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; điều động ông Quý đến nhận công tác tại Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra Khaisilk

Mặt hàng khăn của Khaisilk bị tố là hàng Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt
Mặt hàng khăn của Khaisilk bị tố là hàng Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt.

Ngày 31/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty TNHH Khải Đức.

Quyết định thành lập đoàn kiểm tra được ký một ngày sau khi người đứng đầu ngành công thương yêu cầu chuyển cơ quan điều tra vụ việc Khaisilk bán hàng nhập nhèm xuất xứ.

Theo quyết định, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan tại Công ty TNHH Khải Đức, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng về kết quả kiểm tra, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước liên quan.

6. Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng, BHXH chính thức lên tiếng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chiều 31/10, tại buổi cung cấp thông tin báo chí, trả lời câu hỏi liên quan trường hợp cô giáo ở Hà Tĩnh, sau 37 năm cống hiến, nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận: Với mức lương hưu 1,3 triệu đồng cho 37 năm cống hiến thì thực sự là con số thấp. Chính vì thế, câu chuyện không dừng lại ở địa phương mà đã lên đến nghị trường, các đại biểu quốc hội đã lên tiếng.

Lý giải lý do vì sao giáo viên mầm non mức lương hưu thấp, bà Đinh Thu Hiền - Phó trưởng ban thu, BHXH Việt Nam cho rằng, phụ thuộc vào hai yếu tố là: Tiền lương tham gia BHXH; Thời gian tham gia đóng BHXH.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH.

7. Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Gió giật mạnh khiến nhiều nhà cửa của người dân bị sập đổ, tốc mái (ảnh: Báo Khánh Hòa)
Gió giật mạnh khiến nhiều nhà cửa của người dân bị sập đổ, tốc mái. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Chiều 4/11, sau khi đi vào đất liền phía Nam Tây Nguyên, bão số 12 đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, cơn bão số 12 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Số liệu cập nhật lúc 17h chiều 4/11 từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai cho biết, bão số 12 (bão Damrey) đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các tỉnh Nam Trung Bộ.

Cụ thể, 20 người bị chết (18 người tại các tỉnh và 2 người do sự cố tàu vận tải). Trong đó Khánh Hoà 12, Bình Định 5, Lâm Đồng 3.

17 người mất tích (6 người tại các tỉnh và 11 người do sự cố tàu vận tải). Có 531 nhà bị đổ sập, gần 24.000 nhà bị tốc mái, hơn 40 tàu bị chìm.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin tức nổi bật trong nước tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO