Tin vui cho nông dân, HTX từ hôm nay (1/7): Vay vốn đến 5 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp
Nghị định số 156/2025/NĐ-CP của Chính phủ mang đến một “làn gió mới”, mở ra những cơ hội to lớn về vốn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghị định không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng mà còn góp phần tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại lâu nay trong hoạt động của các hợp tác xã.
Tăng mức vay, giảm rào cản tài sản đảm bảo
Một trong những điểm nổi bật nhất của Nghị định 156 là việc nâng mức cho vay tối đa không cần tài sản đảm bảo đối với các cá nhân, hộ kinh doanh, HTX và liên hiệp HTX.
Cụ thể, mức cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được nâng lên đến 5 tỷ đồng – so với mức cũ là 3 tỷ đồng. Với các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, mức vay không thế chấp cũng được tăng đáng kể – từ 100-200 triệu đồng lên 300 triệu đồng; với tổ hợp tác và hộ kinh doanh là 500 triệu đồng; với chủ trang trại là 3 tỷ đồng.

Đây là quyết định mang tính đột phá khi mà trước đó, một trong những rào cản lớn nhất đối với khu vực hợp tác xã là không có đủ tài sản đảm bảo để vay vốn mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ. Việc gỡ bỏ yêu cầu thế chấp đã “mở khóa” dòng vốn tín dụng, giúp HTX có cơ hội hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư bài bản hơn.
Không chỉ tăng mức vay, Nghị định 156 còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Ví dụ như: Bỏ yêu cầu phải có giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác nhận đất không có tranh chấp. Thỏa thuận linh hoạt giữa khách hàng và tổ chức tín dụng về việc nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thay vì bắt buộc như trước. Giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Đặc biệt, nghị định cũng bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn – những hướng đi mới mà nhiều hợp tác xã đang tiếp cận để nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường.
Nghị định 156/NĐ-CP, ngày 16/6/2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo
Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ.
Tín hiệu vui từ thực tiễn các hợp tác xã
Nghị định 156/2025/NĐ-CP đã tạo ra những tác động tích cực, đặc biệt đối với các hợp tác xã đang có nhu cầu đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Nguyễn Diệu Thúy – đại diện Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ chia sẻ: “Hợp tác xã chúng tôi chuyên sản xuất tinh bột nghệ, được thị trường tin dùng. Tuy nhiên, muốn nâng cao chất lượng, giảm nhân lực và chi phí thì cần có dây chuyền sản xuất hiện đại. Việc nâng mức cho vay và nới lỏng điều kiện thế chấp là cơ hội rất lớn để chúng tôi có thể đầu tư dây chuyền mới, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Chị Nguyễn Diệu Thúy kiến nghị: “Chính quyền và ngân hàng cần tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu rõ điều kiện, thủ tục, cách thức làm hồ sơ vay theo quy định mới. Có như vậy, chính sách tốt mới phát huy được hiệu quả”.

Tương tự, ông Hồ Đăng Tâm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng (đóng tại xã Quỳnh Anh) cũng nhận định rằng, trước đây hợp tác xã chủ yếu bán sản phẩm nông nghiệp tươi ra thị trường, thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” do không có kho bảo quản và cơ sở chế biến. Hiện nay, hợp tác xã đã quy hoạch hơn 5.000 m² để xây dựng hệ thống chăn nuôi hươu và chế biến nông sản.
“Nếu tiếp cận được nguồn vốn lớn từ chính sách mới, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng dây chuyền chế biến ngay, tránh tình trạng sản xuất tự phát như hiện nay”, ông Tâm cho biết.
Ông Hồ Đăng Tâm cho rằng, không ít hợp tác xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin và kỹ năng tài chính. Do đó, cần tăng cường hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ cụ thể để tránh việc hợp tác xã có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận được vốn.
Những ý kiến của đại diện các hợp tác xã nói trên cũng là mong muốn chung của lĩnh vực hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực liên kết sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Bá Châu – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, những thay đổi trong Nghị định 156 không chỉ giải quyết bài toán vốn, mà còn góp phần giúp hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới.
Với nguồn vốn vay lớn hơn, không cần tài sản đảm bảo, các hợp tác xã có thể mạnh dạn đầu tư vào máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, mở rộng sản xuất. Từ đó, không chỉ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn có điều kiện tham gia sâu vào chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như chế biến, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, phát triển du lịch nông thôn… sẽ giúp hợp tác xã có thêm nguồn thu, giảm rủi ro từ việc phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp.
“Điều quan trọng là nguồn vốn vay phải được sử dụng hiệu quả, đi kèm với việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hợp tác xã. Khi đó, hợp tác xã không chỉ phát triển ổn định mà còn đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên”.
Ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
Mặc dù cơ hội là rất lớn, song để chính sách thực sự nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, hệ thống Liên minh Hợp tác xã và chính bản thân các hợp tác xã. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Châu cho rằng, nếu tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của ngân hàng, là phải có tài sản thế chấp, thì các hợp tác xã khó tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định mới, bởi hiện nay toàn tỉnh có gần 900 hợp tác xã đang hoạt động đa dạng lĩnh vực, trong đó chỉ có gần 10% hợp tác xã có diện tích đất xây dựng trụ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc ban hành Nghị định 156/2025/NĐ-CP là một bước tiến rất quan trọng trong hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là khu vực hợp tác xã. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội lớn này, các hợp tác xã cần chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có khả năng trả nợ, và minh bạch tài chính./.