Tinh bột sắn khó tiêu thụ, các nhà máy ở Nghệ An tồn kho nhiều
Thị trường tinh bột sắn khó tiêu thụ khiến một số nhà máy, cơ sở chế biến bột sắn ở Nghệ An bị ứ đọng, tồn hàng khá nhiều.
Qua khảo sát tại các huyện Thanh Chương, Nghĩa Đàn, giá sắn củ các nhà máy chế biến thu mua cho dân vẫn đạt từ 2.200 -2.300 đồng/kg. Trong khi giá sắn củ đang khá ổn định, thì thị trường tinh bột sắn ở Nghệ An lại “tắc” đầu ra.
Ông Thái Văn Long - Đại diện Nhà máy sắn Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn cho biết: Ngay từ thời điểm đầu tháng 10/2024, sản phẩm tinh bột sắn đã khó tiêu thụ. Nhà máy đã có chính sách giảm giá từ 12 triệu đồng/tấn tinh bột, nay hạ xuống chỉ còn 9 triệu đồng/tấn nhưng thị trường Trung Quốc mua rất hạn chế. Hiện tại đơn vị đang tồn trên 2.000 tấn tinh bột sắn trong kho.
Địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có 4 nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn, hiện nay đang tồn đọng khoảng trên 4.000 tấn tinh bột sắn.
Để đối phó với tình trạng khó khăn, một số nhà máy sắn trên địa bàn Nghệ An vẫn tích cực tìm kiếm thị trường nội địa để tiêu thụ.
Tại cơ sở chế biến tinh bột sắn xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn hiện đang tồn kho trên 250 tấn tinh bột sắn. Đại diện cơ sở chế biến này cho biết: Do tắc đầu ra nên cơ sở có công suất chế biến 40 tấn sắn củ/ngày, nay hoạt động cầm cự chỉ đạt 15 tấn/ngày, để giữ chân công nhân.
Cũng trong tình cảnh trên là Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương. Ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương cho biết: Từ đầu tháng 10/2024 đến nay nhà máy tồn kho trên 2.100 tấn tinh bột sắn, đang phải chờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ trở lại. Mặc dù khó khăn về đầu ra nhưng nhà máy vẫn cố gắng thu mua vùng nguyên liệu sắn trên 3.000 ha cho bà con các huyện Thanh Chương, Đô Lương... không để xảy ra tình trạng ùn ứ, hư hỏng sắn.
Một số nhà máy tìm hướng tiêu thụ khá mới mẻ. Như Nhà máy sắn Hoa Sơn, huyện Anh Sơn những năm qua đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, chế biến trên 10.000 tấn tinh bột sắn thành đường lỏng glucose, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Mỹ, Nam Phi, Úc… hoặc bán cho các công ty nước ngoài đóng tại thị trường Việt Nam để chế biến các loại thực phẩm, bánh kẹo…
Do giá tinh bột sắn khó bán, nhà máy hoạt động cầm chừng kéo theo việc một số vùng nguyên liệu sắn ở Nghệ An chưa thể thu hoạch. Bà Trần Thị Tình ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cho biết: Mọi năm thời điểm này sắn củ dễ tiêu thụ, nhưng nay do nhà máy thu mua ít nên 4 sào sắn đang kỳ thu hoạch chưa thể nhổ bán.
Theo các nhà chuyên môn, để phát triển vùng nguyên liệu sắn ở Nghệ An hiệu quả, tiêu thụ ổn định cần đầu tư áp dụng công nghệ chế biến sâu để đa dạng hoá sản phẩm, như tinh bột biến tính, đường gluco, đường maltodextrin, cồn, lysin, sản xuất sản phẩm sắn lát khô… Đồng thời, đa dạng thị trường, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường, dẫn đến tình trạng sản xuất ra khó tiêu thụ, sản phẩm tồn kho nhiều.