Tinh gọn để bộ máy có đội ngũ cán bộ giỏi giang, tinh nhuệ
Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang tích cực thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy nhằm giảm cấp trung gian, tránh chồng chéo, hướng công tác quản lý về cơ sở.
Việc tinh giản bộ máy luôn gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đó cũng chính là yêu cầu quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm khi khẳng định rằng, đây là một “cuộc cách mạng” để chuẩn bị đội ngũ cán bộ tinh nhuệ cho bộ máy quản lý, điều hành khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tính từ lúc bài viết: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố đến nay vừa tròn 3 tháng - một quãng thời gian quá ngắn để một chủ trương lớn của Đảng đi vào cuộc sống. Thế nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy hệ thống chính trị đang quyết tâm thay đổi toàn diện và triệt để mô hình tổ chức bộ máy quản lý, điều hành đất nước, khi chủ trương ấy đã nhanh chóng chuyển hóa thành những kế hoạch hành động dứt khoát, cụ thể ở từng cấp, ngành, địa phương, được được công khai với người dân cả nước.
“Cách mạng” là thay đổi. Đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Những bất cập, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị- vốn tồn tại qua nhiều thập kỷ phải được rà soát và sắp xếp lại. Nhất là khi bộ máy cồng kềnh ấy đã sử dụng đến 70% ngân sách chi thường xuyên của quốc gia.
Người đứng đầu Đảng ta cho rằng, đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để thay đổi. Giờ là lúc phải tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để bộ máy hệ thống chính trị không chỉ “gọn”, mà còn phải “tinh”. Gọn, nhẹ để bay cao, bay xa; tinh nhuệ để chất lượng hơn, bền vững hơn trên hành trình chinh phục mục tiêu dân giàu nước mạnh, phồn thịnh, hùng cường.
Trên tinh thần Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, đến nay, đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy các Ban Đảng, Mặt trận đoàn thể; Chính phủ, Quốc hội cơ bản đã xong, với lộ trình, số lượng đơn vị cấp Ban, Bộ, Cục, Vụ, Viện phải sáp nhập, tinh giản đã được công bố công khai.
Các địa phương cũng không trông chờ cấp trên, không nhìn sang tỉnh bạn, đều chủ động xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy; tỉnh nào cũng giảm bình quân 5-7 sở, ngành và nhiều cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng - Mặt trận, đoàn thể; đồng thời, giảm mạnh các tổ chức trung gian, nhằm làm gọn nhân sự lãnh đạo, giảm tầng nấc, khắc phục tình trạng không rõ chức năng, nhiệm vụ, chồng chéo trong quản lý, điều hành…
Ví như Nghệ An, tỉnh sẽ tiến hành hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy; kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh; kết thúc hoạt động của 11 Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Với khối chính quyền, Nghệ An sẽ hợp nhất từ 12 xuống còn 6 sở; đồng thời, kết thúc hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, chuyển chức năng này về các sở mới sau khi hợp nhất.
Hay như Khánh Hòa, dự kiến sáp nhập, tinh giản 7 sở và 1 Ban quản lý dự án cấp tỉnh (giảm hơn 1/3 số cơ quan, đơn vị hành chính trực thuộc UBND tỉnh). Với khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị, xã hội, tỉnh kết thúc hoạt động 16 cơ quan gồm các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, Ban chỉ đạo; giải thể 2 đảng bộ là Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh... Đồng thời, hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ban Dân vận Tỉnh ủy; nghiên cứu hợp nhất Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa với Báo Khánh Hòa…
Nêu một vài dẫn chứng để thấy rằng, khi tư tưởng đã thông, ý chí đã quyết thì mọi việc đều có thể thông đồng bén giọt. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang chuyển động mạnh mẽ và dứt khoát sẽ thành công.
Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của cuộc cách mạng này là thay đổi mạnh mẽ về chất lượng hoạt động. Những điều chỉnh về tổ chức bộ máy mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cho sự thành công trọn vẹn của cuộc cách mạng là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong vai trò phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Đây cũng chính là những yêu cầu cơ bản mà Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần phát biểu khi chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 gần đây.
Muốn làm được điều này, thì việc đánh giá, lựa chọn cán bộ phải “đúng và trúng”, đảm bảo công khai, minh bạch, công tâm, dựa trên hiệu suất, kỹ năng, khả năng đóng góp của từng cá nhân, phải loại ra khỏi bộ máy những cán bộ “sáng vác ô đi tối vác về”; dành ưu tiên cho người tự nguyện nghỉ công tác sớm nhường chỗ cho cán bộ trẻ, năng lực hơn; Thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy Nhà nước bằng các cơ chế khuyến khích hợp lý, không chỉ vượt trội về chế độ lương, thưởng mà quan trọng hơn là tạo cho họ môi trường làm việc và cống hiến đúng với năng lực, sở trường. Việc Chính phủ trong thời gian ngắn, ban hành 3 nghị định 177, 178 và 179/ NĐ-CP mới đây chính là để phục vụ cho chủ trương này.
Điều kiện đã đủ, thời cơ đã chín, không thể chần chừ, trì hoãn làm vuột mất cơ hội xây dựng lại bộ máy quản lý, điều hành đất nước tinh gọn mà hiệu lực, hiệu quả.
Hơn lúc nào hết, từng cá nhân, tập thể trong bộ máy lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương; từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, đủ bản lĩnh, đủ trách nhiệm để vượt qua chính mình, mà thực chất là đặt lợi ích cá nhân sang một bên, để cùng hướng tới một nền quản trị chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.