Tình nguyện phân luồng, học sinh bớt áp lực tuyển sinh đầu cấp

Mỹ Hà 23/05/2024 19:45

(Baonghean.vn) - Thay vì thi vào lớp 10, nhiều học sinh đã lựa chọn đi học nghề ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9. Điều này cũng giúp các em giải toả áp lực tuyển sinh đầu cấp và sớm định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Phân luồng đúng đối tượng

Nguyễn Khắc Hoàng là học sinh lớp 9A2, Trường THCS Nghi Kim là một trong những học sinh của trường năm nay không dự thi vào lớp 10. Hoàng tự thấy học lực của mình có nhiều hạn chế, điểm thi thử và điểm tổng kết không cao. Vì thế, thay vì tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, em có thể sẽ đăng ký đi học nghề: Em thích nấu ăn nên có thể em sẽ chọn ngành chế biến thực phẩm. Em hy vọng rằng, sau này sẽ dễ dàng kiếm việc làm và sớm có thu nhập.

Ở Trường THCS Nghi Kim, Hoàng không phải là học sinh duy nhất lựa chọn không thi vào lớp 10. Toàn trường năm nay có 164 học sinh lớp 9. Kết thúc năm học, trường có 4 học sinh không đủ điều kiện để công nhận tốt nghiệp. Số còn lại có 124 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, 29 học sinh đăng ký để xét tuyển thẳng vào các trường ngoài công lập và có 7 học sinh tự nguyện đăng ký học nghề, tỷ lệ phân luồng của trường là 22%.

bna_Buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 - Trường THCS Nghi Kim.jpg
Buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, Trường THCS Nghi Kim. Ảnh: Mỹ Hà

Lớp tôi không phải là lớp chọn của trường nên năng lực của các em có những hạn chế. Qua kết quả của các bài khảo sát, kiểm tra thực tế chỉ có khoảng 50% học sinh của lớp đạt 7 điểm/môn trở lên và có khả năng thi đậu vào các trường công lập. Vì thế, với những học sinh còn lại, chúng tôi phải định hướng trước cho phụ huynh để phụ huynh thấy được năng lực của con mình và tìm các phương án khác phù hợp.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh - chủ nhiệm lớp 9A3 - Trường THCS Nghi Kim - Thành phố Vinh

Qua thực tế làm công tác giáo viên chủ nhiệm và công tác hướng nghiệp, phân luồng, cô giáo Phương Anh cho biết, “đây là công việc rất khó khăn” bởi “tâm lý chung của phụ huynh là muốn con thi vào lớp 10. Nếu bị trượt mới tính tới các phương án khác. Thứ hai là nhiều phụ huynh chưa tìm hiểu được thông tin về các trường. Thứ ba, bản thân học sinh cũng chưa biết nên lựa chọn trường nào phù hợp”.

Để giúp phụ huynh yên tâm, thường từ đầu học kỳ II, những học sinh nào có nguy cơ không đậu công lập, cô giáo Phương Anh thường gặp riêng học sinh và trao đổi riêng với phụ huynh để động viên học sinh cố gắng học tập. Bên cạnh đó, đề nghị với phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên đốc thúc học sinh học tập ở nhà. Cuối năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ cung cấp cho phụ huynh các thông tin tuyển sinh của các trường THPT công lập và ngoài công lập. Ngoài ra, nhà trường cũng giới thiệu về thông tin tuyển sinh của các trường nghề. Trên cơ sở năng lực thực tế của học sinh, phụ huynh sẽ tiếp tục được tư vấn để có lựa chọn đúng đắn.

IMG_0179.JPG
Nhiều học sinh ở Trường THCS Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) lựa chọn đi học nghề. Ảnh: Mỹ Hà

Ở Trường THCS Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), tỷ lệ học sinh phân luồng cũng lên tới hơn 30%. Học sinh Nguyễn Đình Thắng - lớp 9E cho biết: Đợt vừa rồi em thi thử được 10,5 điểm và không tự tin vào bản thân mình. Bố mẹ em thời gian qua cũng cố gắng cho em đi học thêm với mong muốn em thi vào lớp 10 nhưng có lẽ em sẽ không thi vì em không thích đi học. Em đang muốn học nghề hàn và sẽ đăng ký vào trường nghề ở huyện Quỳnh Lưu để được đi học gần nhà.

Thị xã Hoàng Mai là địa phương có tỷ lệ phân luồng khá cao với tỷ lệ trung bình 27%. Ông Cao Tiến Thành – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã nói thêm: Việc phân luồng trên địa bàn thực hiện hiệu quả bởi người dân đã ý thức và hiểu rõ về công tác phân luồng và thực hiện một cách tự nguyện. Về phía phòng, việc triển khai trên tinh thần không ép buộc, không gây áp lực đến phụ huynh, học sinh.

Giảm áp lực cho học sinh

Mặc dù Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chưa diễn ra nhưng đến thời điểm này, nhiều học sinh đã có thể thở phào vì tìm được ngôi trường phù hợp cho bản thân.

Chị Nguyễn Thị Hoa - phụ huynh của một học sinh tại Trường THCS Vinh Tân – thành phố Vinh cho biết: Tôi hơi hụt hẫng khi nghe cô giáo nói rằng con tôi khó có khả năng thi vào lớp 10 nhưng không quá bất ngờ với kết quả này. Bởi lẽ, qua thực tế 4 năm con học trung học, tôi thấy năng lực của con so với các bạn còn nhiều hạn chế. Vì thế, thay vì cứ đốc thúc con thi vào lớp 10, vượt quá khả năng của cháu, tôi đã đăng ký cho cháu vào học tại một trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố Vinh.

IMG_0132.JPG
Giờ học của học sinh lớp 9 - Trường THCS Quỳnh Vinh - thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, trong đợt đầu tuyển thẳng nguyện vọng 1 đối với đối tượng học sinh có học lực loại khá trong 2 năm lớp 8 và lớp 9, nhà trường dự kiến chỉ lấy 150 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đã lên đến 250 em.

Cô giáo Trần Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Rất nhiều học sinh quyết định tuyển thẳng vào trường chúng tôi bởi các em xác định khó cạnh tranh ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Nhà trường cũng có chính sách học bổng để thu hút những học sinh đạt học sinh giỏi cấp thành phố, cấp huyện, thị xã trở lên, học sinh đạt kết quả học tập giỏi để nâng chất lượng tuyển sinh đầu vào.

IMG_8702.JPG
Tiết ôn tập tiếng Anh của học sinh lớp 9 - Trường PT Dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, trong năm học trước, điểm tuyển sinh đầu vào ở ngôi trường này là 19 điểm, tương đương với điểm xét tuyển vào hệ tiên tiến của các trường công lập. Vì thế, lựa chọn nộp hồ sơ xét tuyển sớm theo NV1, học sinh không phải cạnh tranh với hàng trăm học sinh khác đăng ký xét tuyển NV2, NV3. Các em cũng không phải tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, giảm được áp lực ôn tập.

Ngoài các trường công lập, thời điểm này, các trường nghề cũng đang vào mùa tuyển sinh với rất nhiều chính sách ưu tiên. Tại Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp – Thủ công nghiệp Nghệ An, hiện nhà trường đã nhận được hơn 300 hồ sơ học sinh lớp 9 theo diện phân luồng.

Theo thông báo của nhà trường, học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp sẽ được miễn học phí. Riêng học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật được hưởng học bổng chính sách bằng 100% mức lương cơ sở, tương ứng 1.800.000 đồng/1 tháng.

z4329089598212-d23949007f6b8b7fb814046d261ed705.jpg
Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp – Thủ công nghiệp đi thực tế tại các khu công nghiệp. Ảnh: NTCC

Các đối tượng khác như học sinh tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh người dân tộc Kinh là người khuyết tật. Học sinh người Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc biên giới, hải đảo được hỗ trợ từ 1.080.000 - 1.440.000 đồng/ tháng, bằng, 60% hoặc 80% mức lương cơ sở. Quá trình theo học học sinh còn được hỗ trợ kinh phí để mua đồ dùng cá nhân và tiền đi lại...

Hiện trên toàn tỉnh, qua thống kê, trong số hơn 47.000 thí sinh đăng ký vào lớp 10 năm nay có hơn 3000 học sinh đã đăng ký vào các trường ngoài công lập hoặc các trung tâm GDNN – GDTX hoặc các Trung tâm GDTX. Bên cạnh đó, có khoảng 6000 học sinh không đăng ký học tiếp phổ thông, dự kiến có thể vào trường nghề hoặc làm các công việc khác.

Đây là một tín hiệu tích cực và để phát huy hiệu quả của phân luồng thì cần phải tiếp tục định hướng chọn trường, chọn nghề cho học sinh, giúp các em có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích và sát với thị trường lao động trong tương lai.

Tình nguyện phân luồng, học sinh bớt áp lực tuyển sinh đầu cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO