Tình nguyện trên đất nước triệu voi
Phonsavan, Phukout, Phaxay… những cái tên tưởng chừng xa lạ nay đã hóa thân quen trong lòng các sinh viên tình nguyện Nghệ An. 1 tháng không phải là quãng thời gian quá dài nhưng nó chứa đựng biết bao phần việc, công trình thanh niên ý nghĩa để vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Lào.
Thanh Quỳnh - Quang Huy • 30/08/2024
Phonsavan, Phukout, Phaxay… những cái tên tưởng chừng xa lạ nay đã hóa thân quen trong lòng các sinh viên tình nguyện Nghệ An. 1 tháng không phải là quãng thời gian quá dài nhưng nó chứa đựng biết bao phần việc, công trình thanh niên ý nghĩa để vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Lào. Trở về Nghệ An khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tuổi trẻ quê hương Bác có quyền tự hào khi đã có một hành trình đầy ắp yêu thương trên đất nước Triệu Voi.
Lan tỏa tình yêu tiếng Việt
“Nát Đa sẽ luôn nhớ đến cô, đây là chiếc túi mà mẹ Nát Đa tự làm mong cô nhận để khi về Nghệ An vẫn luôn có hình ảnh Nát Đa trong lòng cô nhé!” - cô học trò 12 tuổi Nát Đa ở huyện Phukout, tỉnh Xiêng Khoảng nói lời bịn rịn trong khoảnh khắc chia tay “cô giáo” Nguyễn Thị Hoài Thương – sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Vinh.
Vậy là sau gần 1 tháng triển khai các hoạt động tại nước bạn Lào, Hoài Thương cùng 24 sinh viên tình nguyện Nghệ An đã phải nói lời tạm biệt với đất - người Xiêng Khoảng. Vậy nhưng những kỷ niệm thì mãi vẫn còn…
Cầm trên tay chiếc túi đỏ xinh xắn mà mình đem về từ đất nước Triệu Voi, Nguyễn Hoài Thương chia sẻ, sau khoảng thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, tháng 7 vừa qua, hành trình tình nguyện của tuổi trẻ Trường Đại học Vinh trên đất nước Lào được nối lại với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đội tình nguyện quốc tế của Trường Đại học Vinh lần này gồm 25 thành viên, trong đó có 5 cán bộ, 6 tình nguyện viên là sinh viên lưu học sinh Lào và 14 tình nguyện viên là sinh viên nhà trường. Đoàn hoạt động tại 3 điểm (thành phố Phonsavan, huyện Phukout và huyện Phaxay, tỉnh Xiêng Khoảng), nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 7/7/2024 đến 5/8/2024.
Địa bàn tình nguyện đầu tiên mà đoàn triển khai hoạt động là thành phố Phonsavanh của tỉnh Xiêng Khoảng, nơi đây cách thành phố Vinh hơn 300 km và có khá đông bà con kiều bào người Việt Nam sinh sống. Tuy là thành phố nhưng khu vực vùng ngoại thành đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
“Dù vượt quãng đường xa như thế, nhưng đón nhận những cái bắt tay nồng hậu, được nghe lời bài hát "Tình Việt - Lào" đầm ấm mà tổ chức Đoàn Thanh niên nước bạn bật lên để đón chào các sinh viên tình nguyện Nghệ An thì tất cả mệt mỏi đều tan biến”, em Chích Văn Khút - Lớp 62A1 Sư phạm Toán, Trường Sư phạm, Đội phó Đội tình nguyện quốc tế tại Xiêng Khoảng - Đại học Vinh chia sẻ.
Khút là chàng trai Khơ Mú của bản Phia Khoáng, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Em là một trong những người tiên phong dẫn dắt các hoạt động tình nguyện của sinh viên tại Lào rất hiệu quả. Khút cho biết, nhiệm vụ chính của đoàn là giảng dạy tiếng Việt cho học sinh và học viên Lào; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, tìm hiểu văn hóa nước bạn.
Theo dự kiến, có khoảng 300 học sinh và học viên sẽ tham gia học tiếng Việt, thế nhưng, khi nghe tin có sinh viên tình nguyện sang dạy tiếng Việt, hơn 500 người đã đăng ký học, trong đó có hơn 200 cán bộ, công an, bộ đội, giáo viên đang công tác tại địa phương. Vì thế, chúng em đã khéo léo bố trí thời khóa biểu khoa học để phù hợp với tình hình.
Chích Văn Khút - Đội phó Đội tình nguyện quốc tế tại Xiêng Khoảng - Đại học Vinh
Dù những ngày tháng 7 đang là mùa mưa ở Lào nhưng các bạn Lào rất ham học và thường đến lớp rất sớm. Ban ngày đến lớp, ban đêm lại có nhiều học sinh Lào đến nơi ở của đội để ôn bài, học thêm. Sự ham học của các em đã tiếp thêm động lực cho những người trẻ lần đầu tiên tham gia hoạt động tình nguyện quốc tế.
Nội dung các bài học gồm những mẫu câu cơ bản, bao gồm chào hỏi, giới thiệu, tên tuổi, quê quán, từ vựng với đa dạng chủ đề, các sinh viên đã lồng ghép nhiều hoạt động, trò chơi vào bài giảng của mình để học sinh có thêm hứng khởi trong quá trình học tiếng Việt và tiếp thu bài nhanh hơn.
Lương Thị Vân Anh - sinh viên năm thứ 4, khóa 62, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh được phân công tham gia dạy tiếng Việt cho các cán bộ tại Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải Lào.
Là người dân tộc Thái nên Vân Anh hiểu biết được tiếng nói của người Lào. Chính vì vậy, Vân Anh có thể dễ dàng truyền đạt tiếng Việt cho các cán bộ, người dân tại nước Lào.
Ngoài dạy tiếng Việt cho cán bộ tại các sở, Vân Anh còn hỗ trợ dạy tiếng Việt cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở. Vân Anh chia sẻ: "Mọi người thích học tiếng Việt lắm. Ở các sở, ngành, các cán bộ học để sau này sang Việt Nam công tác, du lịch. Còn các em học sinh học tiếng Việt để sau này sang du học, đi chơi cùng gia đình. Ngôn ngữ đã mở ra những cánh cửa mới, kết nối con người và nền văn hóa của Việt Nam tới nước bạn Lào”.
Những sứ giả thắm tình hữu nghị
Bên cạnh việc dạy học tiếng Việt, các sinh viên trong đội hình tình nguyện quốc tế của Trường Đại học Vinh còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như phủ xanh hoa Chăm Pa – Quốc hoa của nước bạn Lào tại các tuyến đường của thành phố Phonsavan.
Cùng với đó, lực lượng này còn kết hợp với tuổi trẻ nước bạn để tiến hành vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên của các nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng; tổ chức dâng hương tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại mặt trận Lào; tham gia hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Lào. Và còn nhiều những hoạt động, chương trình thiết thực khác mà đội hình sinh viên tình nguyện đã chia sẻ, hỗ trợ với các em nhỏ và người già tại địa bàn mình trú chân.
Những bức thư của các học sinh Lào gửi tới các "thầy", "cô" trong đội hình sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Là người đồng hành cùng các em trong hành trình tình nguyện, cô Đoàn Minh Trang - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh chia sẻ: Khi cô đưa đoàn sinh viên về bàn giao cho Huyện đoàn, các bạn được tiếp đón rất nồng nhiệt và chu đáo.
Vậy nhưng, vì điều kiện tại các địa bàn tình nguyện còn nhiều khó khăn nên địa điểm sinh hoạt, nghỉ ngơi của các em sinh viên vô cùng thiếu thốn. Trời nắng nhưng không có quạt, rồi nhìn nhà bếp và công trình vệ sinh, đến các phòng ngủ thiếu thốn đủ bề cô rơm rớm nước mắt. Những tưởng là các em sinh viên có thể sẽ không vượt qua được khó khăn này, nhưng thật không ngờ các em đã vượt qua ngoài sự mong đợi của thầy, cô.
Trong điều kiện thiếu tiện nghi như vậy, các em tự xoay xở, chia sẻ nhau từng chút một, từ chăn màn đến đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khó khăn này, tinh thần đoàn kết, chia sẻ lại càng được thể hiện rõ nét.
Cô Đoàn Minh Trang - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh
Trong khoảng thời gian ấy, những câu chuyện vui trong bữa cơm đạm bạc, những buổi tối quây quần bên nhau kể chuyện làng bản, là những khoảnh khắc quý giá giúp các em vượt qua thử thách và cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của tinh thần tình nguyện. Các em còn có được rất nhiều tình yêu thương của học sinh, phụ huynh và cán bộ nước bạn Lào.
Ngày chia tay, đồng chí Phetsamone Davongsone – Bí thư Tỉnh đoàn Xiêng Khoảng cho biết, đã 7 năm rồi tỉnh bạn mới lại được đón các bạn sinh viên tình nguyện Nghệ An về với đất nước của mình. Gần 1 tháng triển khai các hoạt động, bằng nhiều phần việc ý nghĩa đã góp phần làm thắm thiết hơn tình cảm của thanh niên 2 địa phương, giáo dục thế hệ trẻ về mối quan hệ hữu nghị gắn bó của 2 đất nước.
Hành trình 1 tháng tuy không dài nhưng đã để lại trong trái tim của người dân, cán bộ, thanh niên, 2 tỉnh những dấu ấn không phai mờ. Sau hành trình ý nghĩa, mỗi bạn sinh viên đều tự nhủ với lòng mình, sẽ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện vun đắp cho mỗi quan hệ hữu nghị của 2 dân tộc Việt – Lào ngày càng gắn bó và chắc chắn một quyết tâm sẽ trở lại Xiêng Khoảng, đến với đất nước Lào mến yêu vào những mùa Hè sau!