Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”. Vấn đề quan trọng nhất là làm gì để đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống có hiệu quả nhất? Điều đó đặt ra cho ngành nông nghiệp cả nước là phải phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng và các địa phương để triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp.

Trước hết, phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung cốt lõi về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp, khó lường,… Trên cơ sở đó làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức đến mỗi cán bộ, doanh nhân, nhà khoa học, người nông dân,… để họ tự giác, sáng tạo, vận dụng thực hiện trên lĩnh vực nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy khi người sản xuất và nghiên cứu khoa học có nhận thức đúng bản chất sự việc họ mới có thể có hành động hiệu quả trong thực hiện.

Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn, trong đó phần nào có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Kinh nghiệm nhiều nhiệm kỳ đại hội qua cho thấy, nghị quyết chỉ có thể được thực thi trên thực tế khi Đảng lãnh đạo, Nhà nước sớm thể chế hóa các nội dung cốt lõi của Nghị quyết thành các văn bản pháp luật, làm cơ sở cho mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi người dân thực hiện, chấp hành.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh tư liệu
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh tư liệu

Để nông nghiệp có bước phát triển mới rất cần thiết được Nhà nước sớm bổ sung Luật Đất đai, trong đó khẳng định đất đai vẫn là sở hữu của Nhà nước nhưng có thể xem xét cho phép người nông dân được bán quyền sử dụng cho người có nhu cầu theo thỏa thuận, nhằm góp phần áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn liên quan rất chặt chẽ đến quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất.

Việc gắn kết giữa 4 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học rất cần có chính sách, nhất là chính sách kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, hộ nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, đầu tư công nghệ bảo quản và tổ chức thị trường xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, thương hiệu doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng thương hiệu quốc gia trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cũng rất cần Nhà nước sớm có chính sách đưa công nghiệp về nông thôn, có chính sách tái thiết nông thôn để thực hiện cho được mục tiêu “ly nông bất ly hương”, chính sách đào tạo nông dân trở thành chủ doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại,… Có các giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy quá trình chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”, phải minh bạch thị trường, kiểm soát chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp.

Đi đôi với việc tuyên truyền làm chuyển nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách, ngành nông nghiệp phải tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước như quy hoạch, thanh tra chuyên ngành, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các công trình thủy lợi,… Thúc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản,… Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư khoa học công nghệ và ứng dụng có chọn lọc các tiến bộ khoa học của thế giới vào điều kiện thực tế của nước ta, phát huy tốt nguồn lực con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, tài nguyên đất đai, nguồn nước,… trong nước và nguồn lực bên ngoài như khoa học quản trị, khoa học công nghệ và nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đại hội XIII của Đảng khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì trong nông nghiệp người nông dân cũng có vai trò, vị trí như vậy để góp phần chỉ đạo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân trong thời gian tới.

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Nghệ An phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần sớm xác định được các sản phẩm hàng hóa tập trung để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Là một tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.648.649 ha), trong đó đất lâm nghiệp chiếm 71,6%, đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là 303.039,87 ha (chiếm 18,4% diện tích tự nhiên), tỉnh cần rà soát, đánh giá khách quan để tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại.

Quang cảnh một trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Quang cảnh một trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Hiện nay, một số địa phương đã chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung rất rõ. Họ quan tâm sản xuất cây, con gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Riêng về cây ăn quả họ chỉ chọn 2-3 cây chủ lực để trồng với diện tích lớn, sản lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và thu hút sớm nhà đầu tư tiềm năng chế biến sâu sản phẩm. Tỉnh Bến Tre có gần 100.000 ha cây ăn quả thì có đến 74.000 ha dừa. Dừa được đầu tư chế biến ra 208 sản phẩm, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đến 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tỉnh Tiền Giang có 72.000 ha cây ăn quả thì chủ yếu trồng bưởi da xanh và chôm chôm. Tỉnh Bắc Giang từ hàng chục năm nay kiên trì phát triển cây vải, với diện tích trên 28.000 ha. Tỉnh miền núi rất khó khăn như Sơn La, chủ yếu là đất đồi núi dốc, giao thông khó khăn, xa cảng Hải Phòng nhưng chỉ hơn 5 năm nay họ đã chỉ đạo phát triển cây ăn quả đạt trên 82.000 ha, chủ yếu là cây xoài (trên 20.000 ha), sắp tới sẽ phát triển thêm cây dứa. Điều đáng tham khảo là tỉnh quan tâm công tác chọn tạo giống chất lượng, thu hút nhanh được các nhà đầu tư chế biến, xuất khẩu trái cây lớn như Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty CP Nafoods Group,… và sớm xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong 3 nhà máy chế biến hoa quả có công suất khá lớn được xây dựng thì 2 nhà máy đã đi vào sản xuất từ năm 2018, 2019. Trái cây Sơn La đã xuất khẩu được sang một số nước phát triển và theo kế hoạch trong những năm tới tỉnh sẽ chỉ đạo mở rộng nhanh diện tích lớn hơn nữa.

Theo nhận thức của tôi, trong những năm tới đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh nhà nên xác định rất rõ sản phẩm hàng hóa tập trung để tham mưu cho tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển. Hiện nay, ngành đã thống kê có trên 16 loại cây ăn quả nhưng diện tích chỉ từ 57-4.735 ha. Như vậy, số lượng cây thì nhiều nhưng trồng phân tán chưa rõ cây nào là chủ yếu, trong lúc sản xuất hàng hóa yêu cầu sản phẩm phải có khối lượng lớn, chất lượng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thị trường tiêu thụ.

Tôi xin mạnh dạn đề xuất (để tỉnh tham khảo) nên phân sản phẩm hàng hóa tập trung làm 2 giai đoạn: 2021 – 2025 và 2025 – 2030. Từ nay đến năm 2025, tỉnh chỉ nên chọn 2 sản phẩm hàng hóa tập trung là dứa và chuối để có điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển (các sản phẩm hàng hóa đã có như sữa, đường, sản phẩm gỗ,… thì vẫn tạo điều kiện sản xuất bình thường). Cây dứa là cây có thể phát triển trên các vùng đồi núi thấp rộng lớn của tỉnh. Mạnh dạn quy hoạch tập trung và chuyển diện tích đất đang trồng keo lai ở những vùng đồi dưới 150 để trồng dứa (keo lai 5-6 năm mới cho thu hoạch và bình quân chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng/ha/năm).

Thu hoạch dứa ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Quang An - Xuân Hoàng - Sách Nguyễn
Thu hoạch dứa ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Quang An - Xuân Hoàng - Sách Nguyễn

Dứa là cây chịu hạn khá, ít sâu bệnh, không bị ảnh hưởng nhiều của bão lụt. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến từ dứa có thị trường xuất khẩu lớn và là cây có thể điều tiết ra hoa kết quả quanh năm, có điều kiện cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chạy hết công suất thiết kế. Cây chuối là cây có thị trường lớn, có thể chế biến quả ra nhiều loại sản phẩm, có thể xuất khẩu quả tươi (nhất là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ,…). Việc nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô rất thuận lợi (hơn hẳn các cây trồng khác) nên đảm bảo cho chuối sinh trưởng và chín đồng loạt để thu hoạch. Cây chuối ít sâu bệnh, có điều kiện thâm canh, tăng năng suất trên nhiều loại đất. Hạn chế nhất của chuối là dễ gây đổ khi ra hoa, kết quả nếu gặp gió bão lớn (Nghệ An bão thường đổ bộ vào thời gian từ tháng 8 đến trước 20/10 dương lịch), vì thế phải chọn thời vụ trồng thích hợp.

Tỉnh cần quy hoạch trồng tập trung, chuyển toàn bộ đất lúa kém hiệu quả và đất màu ven các con sông (như sông Lam, sông Hiếu) sang trồng chuối. Để khuyến khích nông dân trồng dứa và chuối thì phải tạo môi trường thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, sớm xây dựng nhà máy chế biến có công suất lớn, thiết bị công nghệ tiên tiến, thu mua hết nguyên liệu (kể cả các loại trái cây khác) và tổ chức thị trường tiêu thụ tốt. Khi nhà doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy thì họ sẽ gắn kết với hợp tác xã, hộ nông dân để góp phần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần làm công tác khuyến nông và thu mua tiêu thụ nguyên liệu cho người sản xuất. Nếu tỉnh ưu tiên quỹ đất để phát triển mạnh cây dứa, cây chuối và chỉ đạo quyết liệt thì Nghệ An sẽ sớm trở thành địa phương có diện tích dứa, chuối lớn nhất cả nước. Đó cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư chế biến và tiêu thụ hoa quả.

Giai đoạn từ năm 2025 – 2030 đề nghị xác định thêm 4 loại sản phẩm hàng hóa tập trung như là: sản phẩm rau, củ, quả, sản phẩm chè, sản phẩm dược liệu và con tôm.

Nghệ An là tỉnh có thể phát triển các loại rau, củ, quả như bắp cải, su hào, cải, đậu, cà rốt, dưa, cà, bầu, bí,… Để rau, củ, quả trở thành sản phẩm hàng hóa thì phải có nhà đầu tư thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ với khối lượng lớn, bảo đảm chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ nay đến năm 2025, do chưa thu hút được nhà đầu tư tiềm năng và chính quyền các cấp chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm nên khó tạo được lòng tin của khách hàng. Sản phẩm chè chất lượng cao sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, Đài Loan thì không cần nhiều diện tích. Nếu tỉnh thu hút được nhà đầu tư theo hướng trên thì trồng chè ở những vùng đất đai, khí hậu phù hợp mới có hiệu quả (chè chất lượng cao xuất khẩu có giá cả cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm chè hiện có). Cây dược liệu rất phong phú và có điều kiện phát triển, có giá trị kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích so với các loại cây trồng khác nhưng bí quyết vẫn là có nhà đầu tư thu mua, chế biến và tiêu thụ thì nông dân sẽ hăng hái phát triển cây nguyên liệu. Nghệ An có 82km bờ biển, nếu khuyến khích được các doanh nghiệp, các tổ hợp và hộ dân đầu tư nuôi tôm theo công nghệ bể nổi thì sẽ có sản lượng tôm khá lớn để chế biến xuất khẩu.

Mô hình nuôi tôm trong bể tròn nổi của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Trân Châu - Mai GIang
Mô hình nuôi tôm trong bể tròn nổi của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Trân Châu - Mai GIang

Cần tuyên truyền mô hình nuôi tôm bể nổi lấy trực tiếp nước biển của hộ anh Nguyễn Viết Thắng xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu để nhân rộng. Hộ anh đầu tư 6 bể, mỗi bể rộng 500m2, nuôi 3 vụ tôm/năm, thu hoạch bình quân 9-10 tấn tôm/bể/năm, cho hiệu quả, lợi nhuận cao. Nếu các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có nhiều hộ đầu tư nuôi như thế thì cho sản lượng hàng năm là không nhỏ. Công nghệ nuôi tôm bể nổi tiết kiệm diện tích đất, hạn chế dịch bệnh, xử lý môi trường tốt hơn, sử dụng được nguồn nước biển dồi dào,… (Cây cam tuy là cây truyền thống nhưng để nhân dân trồng và bán quả tươi trong nước thì có hiệu quả. Cây cam đòi hỏi thâm canh cao lại thường bị bệnh vàng lá, phòng trừ khó khăn. Hơn nữa giống cam Việt Nam chưa khắc phục được quả nhiều hạt, giá quả tươi còn cao nên xuất khẩu hoặc chế biến chưa hấp dẫn các doanh nghiệp).

Kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp phát triển bền vững và sự bứt phá của một số tỉnh gần đây là sớm xây dựng được chiến lược sản phẩm hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, có môi trường đầu tư tốt để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm và tổ chức được thị trường tiêu thụ. Với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học nông nghiệp đông đảo, năng động, sáng tạo, sự hưởng ứng của bà con nông dân dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, nhất định nông nghiệp tỉnh nhà sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới./.

Những cánh đồng dứa nguyên liệu được người dân các xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) và xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) trồng 2 bên Quốc lộ 36. Ảnh: Hải Vương
Những cánh đồng dứa nguyên liệu được người dân các xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) và xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) trồng 2 bên Quốc lộ 36. Ảnh: Hải Vương