Tổ chức Y tế Thế giới kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm soát rượu bia

Hồng Hải 06/08/2018 16:01

TS.BS Shin Young-soo Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh không lây nhiễm, trong đó, sử dụng rượu bia là yếu tố chính gây ra gánh nặng này. Vì thế, rượu bia cần được kiểm soát để giảm tỉ lệ sử dụng.

Trong bức thư gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, TS Shin Young - soo cho rằng, sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là một yếu tố nguy cơ chính gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam đang phải đối mặt. Sử dụng rượu bia cũng là một nguyên nhân gây tai nạn giao thông, bạo lực và thương tích.

WHO cho rằng tỉ lệ sử dụng bia rượu của Việt Nam là nhiều hơn các quốc gia trong khu vực.

"Tiêu thụ rượu bia của người dân Việt Nam đứng ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. WHO ước tính trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi) năm 2016 - cùng mức với Thái Lan.

Các nước khác trong khu vực tiêu thụ ở mức thấp hơn nhiều, ví dụ: Mông cổ 7,4L lít, Trung Quốc 7,2 lít, Campuchia 6,7 lít, Philippines 6,6 lít và Singapore 2 lít. Tiêu thụ rượu bia cũng tăng nhanh chóng. Trong số nam giới có uống rượu bia, mức tiêu thụ đã tăng 15% vào năm 2015 so với 2010", TS Shin Young - soo dẫn chứng.

Với lượng tiêu thụ rượu bia như trên, rượu bia chịu trách nhiệm cho khoảng 79.000 trường hợp tử vong tại Việt Nam năm 2016. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn người khác phải điều trị những bệnh do sử dụng rượu bia gây nên. WHO ước tính hậu quả về mặt xã hội do sử dụng rượu bia gây ra tại Việt Nam là khoảng 1,3% đến 3,3% tổng thu nhập trong nước (GDP).

Vì thế, WHO khuyến nghị: "Để bảo vệ sức khỏe người dân, hệ thống pháp luật phải điều chỉnh chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị và tiêu thụ rượu bia".

Theo đó, TS Shin Young - soo cho rằng cần thực hiện chính sách về giá đối với rượu bia và đồ uống có cồn khác. Bởi bằng chứng đã cho thấy tăng giá rượu bia mang lại hiệu quả trong việc giảm tiêu thụ rượu bia ở mức có hại đối với người đang sử dụng nói chung và giới trẻ. Số trường hợp tử vong do sử dụng rượu bia cũng giảm.

Hạn chế sự sẵn có của rượu bia: Chính sách này có thể bao gồm việc điều tiết mật độ điểm bán rượu bia thông qua việc cấp phép chặt chẽ; hạn chế thời gian được bán rượu bia; và quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác.

Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bởi hoạt động này ảnh hưởng tới giới trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ: giới trẻ bị tiếp xúc với quảng cáo rượu bia có nhiều khả năng bắt đầu uống rượu bia hoặc uống nhiều hơn.

Một quy định kiểm soát hoặc cấm hiệu quả việc quảng cáo rượu bia có thể làm giảm mức tiêu thụ, đặc biệt là ở giới trẻ và góp phần giảm tai nạn giao thông và bạo lực. Đầu tư cho việc thực hiện các chiến lược phòng ngừa tác hại do dử dụng rượu bia sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội.

"Mỗi Đô la đầu tư cho việc thực hiện các chiến lược hiệu quả nêu trên, lợi ích thu lại là 9,13 Đô la", TS Shin Young - soo nói.

Vì thế, ông cũng mong muốn Thủ tướng Chính Phủ ủng hộ xúc tiến việc trình dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia lên Quốc Hội cho đợt xem xét lần đầu vào tháng 10 năm 2018.

Theo dantri.com.vn
Copy Link
Tổ chức Y tế Thế giới kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm soát rượu bia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO