Tổ đuổi voi ở Bắc Sơn

Người xác nhận việc voi rừng xuất hiện ở vùng núi huyện Quỳ Hợp là Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn, anh Đậu Ngọc Tuân. Qua điện thoại anh Tuân cho hay, từ vài chục năm trước vùng rừng Bắc Sơn, Nam Sơn có một đàn voi sinh sống, nhưng hiện nay, chỉ còn duy nhất 1 con voi cái. Con voi này thường xuất hiện gần các bản tiếp giáp với rừng, thường vào phá những khu vực người dân trồng hoa màu, lúa nước, keo. “Tôi nghe bà con phản ánh cứ thời điểm ngô, lúa chín thì nó thường từ rừng ra để ăn. Một số hộ ở bản Mánh, bản Nguộc, bản Hiêng vì bị voi xéo ruộng vườn, ăn mất lúa, phá hỏng cây cối… đã khá bức xúc, năm nào cũng có đơn kiến nghị gửi lên xã” – Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn cho biết.

Rời Quỳ Châu sang Quỳ Hợp, đến xã Bắc Sơn chúng tôi được anh Lô Văn Vang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân đưa đến điểm voi rừng ra phá cây cối, hoa màu. Trên đường đi, Lô Văn Vang cho hay, con voi độc này thường sống trong những khu rừng của các xóm bản Mánh, Nguộc và bản Hiêng. Ở đấy, có Thung Nguộc là nơi bà con hai bản Mánh, Nguộc trồng các loại cây ngô, mía, keo và làm lúa nước; có khu vực suối Nậm Huống, nơi bà con bản Huống làm lúa nước. Cứ đến dịp thu hoạch mùa vụ thì voi lại thường xuyên ra phá hại. Như đợt tháng 5 năm nay, có nhiều lần voi ra phá hỏng lúa của bà con; phá cả vùng sản xuất của bà con bản Tăng, xã Nam Sơn. “Bây giờ ta sẽ đến vùng sản xuất lúa nước của bà con bản Mánh. Ở đó, voi mới về đầu tháng 8, làm gãy một số cây trồng và phá một số khoảnh lúa” – Lô Văn Vang nói.

Mất chừng 20 phút đi quanh co qua bản Hiêng, bản Mánh, đến một khu vực có nhiều đồi đất trồng keo xen lẫn rừng tự nhiên, có những vùng trùng thấp trồng nhiều lúa nước, Lô Văn Vang nói: “Đến nơi rồi”. Tại đây, Vang đi trước, vạch cây bụi dẫn  đường, đưa chúng tôi xuống một đám lúa nước đang kỳ trổ đòng: “Đây. Nơi này voi vừa mới về ăn lúa. Dấu vết còn rõ lắm”. Quan sát, ruộng có đến 7 – 8 khoảnh, rộng chừng vài m2 có tình trạng phá hại. Ở đó, các cây lúa đều đã bị cắn đứt mất hết phần thân ngọn, chỉ còn phần gốc chừng 10cm. Trên bề mặt đất bùn, có vô số những hủm thụt có hình tròn, đường kính lên đến khoảng xấp xỉ 40 cm. Chủ tịch Hội Nông dân Lô Văn Vang khẳng định, đấy là vết chân voi.

Tại một khu vực lân cận, chúng tôi gặp một phụ nữ luống tuổi tên là Lo Văn Tiệp (gọi theo tên chồng), người bản Mánh đang thu dọn vườn mía. Nghe Lô Văn Vang giới thiệu, bà cho hay, từ đầu tháng 8 đến nay voi về qua vườn mía hai lần. Trước đây, mỗi khi voi về thì ăn mất nhiều mía, nhưng 2 lần vừa qua do mía còn non nên voi chỉ làm gãy một số cây, rồi phá hỏng một đoạn rào. “Gần như tháng mô hắn cũng về một lần. Tháng ni thì về hai lần rồi. Vườn ni là đường đi của hắn nên lần mô về hắn cũng đi qua đây…” – bà Tiệp nói. Hỏi bà Tiệp: Dân bản ta đã khi nào thấy con voi này chưa? Bà đáp: “Thấy rồi chi. Mới đây hắn về ban ngày. Người dân đi làm ruộng sớm trông thấy nên báo cho bản biết. Ông Tiệp cùng người dân chạy ra xua voi trở vào rừng rồi còn quay được voi đứng ở vạt mía ni chi. Bây giờ vẫn còn trong máy điện thoại đó. Voi hay về phá lắm. Hắn phá nhiều nhưng dân bản Mánh hiền, chỉ đuổi hắn trở lại rừng thôi…”.

Ở bản Mánh, chúng tôi tìm gặp được ông Lo Văn Tiệp. Người đàn ông bản Mánh này nghe hỏi chuyện voi thì nhiệt tình lục tìm trong điện thoại rồi đưa ra đoạn clip quay được cảnh voi về. Clip chỉ được 37 giây, ghi lại khoảng khắc voi đang đứng ở vườn mía bị xua đuổi đi ngược lên núi, khuất vào cây rừng. Nhưng dù vậy cũng đủ để hình dung về một con voi trưởng thành, có cơ thể to lớn, đồ sộ. “Tôi nghĩ con voi này phải nặng đến 2 tấn. Cái chân của nó đã bằng cả người mình, bước đi rất nhanh và dài. Một bước của nó bằng mình đi đến ba, bốn bước…”. Rồi ông Tiệp nói về cái sự lo lắng, pha chút bức xúc của người dân trên địa bàn: “Khoảng vài chục năm trước, voi có một đàn 5 – 6 con. Chúng cũng thường qua lại vùng Nam Sơn, Bắc Sơn rồi xuống đến cả vùng Châu Lý, đi ngược lên mạn huyện Tân Kỳ. Bây giờ, chỉ còn duy nhất con voi cái này sống quanh quất nơi đây. Voi hay về phá nhưng vì thế không ai muốn làm hại nó. Nhưng voi phá quá, làm dân thiệt hại nhiều. Chỉ mong chính quyền quan tâm hỗ trợ…”.

Trở lại trụ sở xã Bắc Sơn, Lô Văn Vang cho chúng tôi xem một loạt những hình ảnh đuổi voi ban đêm. Xem ảnh, thấy cách đuổi voi là dùng loa nén, micro tạo tiếng động lớn, đốt lửa và dùng đèn pin chiếu sáng. Hỏi chuyện, anh cho biết, những hoạt động xua đuổi voi ở Bắc Sơn đã khá chuyên nghiệp, bài bản. Sở dĩ vậy là nhờ Vườn Quốc gia Pù Mát giúp xã Bắc Sơn thành lập được một đội phản ứng nhanh, chuyên thực hiện nhiệm vụ xua voi, giúp người dân đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiểu những thiệt hại.

Tổ đuổi voi xã Bắc Sơn được thành lập cuối năm 2018, với tên gọi đầy đủ là “Tổ phản ứng nhanh phòng tránh xung đột giữa voi và người xã Bắc Sơn”. Tổ có 6 thành viên, là Trưởng các thôn, bản trên địa bàn gồm các ông: Lô Văn Đúi (bản Vy), Lương Văn Gương (bản Hiêng), Lô Văn Hợp (bản Pục Nháo), Vi Văn Đạt (bản Vạn Nguộc), Lô Văn Hiển (bản Mánh); và Tổ trưởng là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lô Văn Vang. Nhiệm vụ của tổ là thực hiện tuyên truyền đến nhân dân quy định của pháp luật, không săn bắt động vật hoang dã, không thực hiện những hành vi gây hại đến voi, loài động vật quý hiếm đã được quy định phải có những biện pháp ưu tiên bảo vệ. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân những cách thức phòng vệ phù hợp từ treo chuông cảnh báo trong vườn; chuẩn bị những vật dụng để tạo tiếng động lớn, hoặc dễ cháy để đốt khi voi về. Đối với từng thành viên của tổ, được phân công trực 5 ngày/tháng để nắm tình hình về voi, xác định voi đang hoạt động khu vực nào để có kế hoạch dự phòng. “Như khoảng thời gian này là phiên trực của Trưởng bản Vạn Nguộc Vi Văn Đạt…” – anh Lô Văn Vang cho biết.

Đề nghị diễn giải cách thức nắm thông tin về voi, Lô Văn Vang cho hay các thành viên tổ phải chịu khó đi lại trong các bản gặp gỡ, nắm bắt thông tin từ người dân. Vì “Chỉ người dân đi rừng thì mới có thể phát hiện được dấu chân, hoặc phân voi để lại, mới biết voi đang sống ở khu rừng nào…”. Vang cũng cho hay, sau khi thành lập Tổ phản ứng nhanh, các thành viên được Vườn Quốc gia Pù Mát tổ chức tập huấn, được nghe một số chuyên gia hướng dẫn các phương thức thực hiện nhiệm vụ, và trang bị công cụ như loa nén treo vai, micro cầm tay, đèn pin, áo quần đồng phục… “Các thành viên của tổ cũng được hỗ trợ kinh phí mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, chúng tôi có trách nhiệm báo cáo hoạt động của tổ về cho Vườn Quốc gia Pù Mát để họ nắm được diễn biến, tình hình hoạt động của voi ở vùng Bắc Sơn, Nam Sơn” – Lô Văn Vang trao đổi.

Xem những báo cáo lưu tại tổ (có xác nhận của UBND xã Bắc Sơn), thì rất chi tiết các hoạt động và có cả thống kê những thiệt hại của người dân. Như Báo cáo số 13/BC-UBND ngày 21/5/2021 , được thống kê hoạt động của tổ từ ngày 20/4 – 20/5/2021. Qua đó, cho thấy tổ đã tổ chức nhiều đợt tuần tra ở các khu vực rừng bản Mánh, bản Hiêng, bản Vi, bản Pục Nháo của xã Bắc Sơn và bản Tăng, xã Nam Sơn. Gồm: Ngày 21/4, các tổ viên Lô Văn Hiển, Lương Văn Gương, Vi Văn Đạt đi tuần tra ở các khu rừng bản Mánh, bản Hiêng thì phát hiện dấu vết của voi tại khu rừng của bản Mánh. Ngày 27/4, tổ nhận được tin báo của người dân là voi ra phá lúa tại khu vực gần rừng thuộc khu vực bản Mánh. Ngày 28/4, các tổ viên Lô Văn Đúi và Lương Văn Gương theo phân công của Tổ trưởng đã đi kiểm tra thiệt hại của người dân và tuần tra vùng rừng từ bản Mánh sang đến bản Hiêng. Qua đó, hai tổ viên đã phát hiện dấu vết của voi ở vùng rừng này, nhưng không gây ảnh hưởng đến người dân đang ở nơi đây. Ngày 1/5, voi di chuyển sang vùng rừng bản Hiêng giáp bản Tăng, xã Nam Sơn; sau đó ra phá lúa của người dân bản Tăng. Nhận được tin báo, tất cả các thành viên của tổ đã sang bản Tăng xua đuổi voi giúp nhân dân trong 2 đêm. Đến ngày 10/5, voi di chuyển đến vùng rừng bản Vi giáp bản Pục Nháo và ra phá lúa của người dân khu vực này. Ngày 11/6, các tổ viên Lô Văn Đúi và Lo Văn Hợp đi kiểm tra, xác định có dấu vết voi đang sinh sống tại vùng rừng bản Vi giáp bản Hiêng…

Tại Báo cáo số 13/BC-UBND, Tổ phản ứng nhanh thống kê trong khoảng thời gian này có đến 6 lần voi ra phá lúa, gây thiệt hại 3.300m2 diện tích lúa nước sắp đến kỳ thu hoạch, giá trị khoảng 9.600.000 đồng. Để rồi có kiến nghị lên UBND xã Bắc Sơn “đề xuất lên cấp trên có sự hỗ trợ những thiệt hại do voi gây ra cho nhân dân”. Hỏi Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn Lô Văn Vang: Đã bao giờ người dân được hỗ trợ thiệt hại do voi gây ra chưa? Một thoáng buồn hiện trên nét mặt, anh trả lời: “Từ nhiều năm trước xã cũng đã thống kê những thiệt hại của dân do voi gây ra để đề nghị cấp trên hỗ trợ, chứ không chỉ đến khi có Tổ phản ứng nhanh mới làm đâu. Thế nhưng, chưa lần nào người dân được hỗ trợ cả…”.

(Còn tiếp)