Kinh tế

Tổ tiết kiệm và vay vốn – 'cầu nối' của tín dụng chính sách

Thu Huyền 26/07/2024 11:05

Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự là những “cánh tay nối dài”, phát huy tốt vai trò trợ giúp người dân làm các thủ tục vay vốn tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, bình xét vay vốn…

Gương tổ trưởng giỏi việc nước đảm việc nhà

Về xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương hỏi thăm chị Nguyễn Thị Kim Long - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Long, không ai không biết. Nhiều năm qua chị đã làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay chính sách, hình ảnh của chị đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân nơi đây.

Ai cũng ngợi ca chị Nguyễn Thị Kim Long - Chi hội Phó phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiệt huyết với công tác hội, tận tâm với người nghèo. Chị Long có “thâm niên” 12 năm làm chi hội phó phụ nữ, 5 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, luôn được bà con yêu mến; được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm.

chị Long tổ trưởng tổ vay vốn Thanh Lĩnh, Thanh Chương
Chị Nguyễn Thị Kim Long - Tổ trưởng tổ vay vốn Thanh Lĩnh thăm hộ vay vốn trên địa bàn. Ảnh: TH

Hội Phụ nữ xã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3 tỷ đồng, riêng tổ chị Long đảm nhận gần 2 tỷ đồng. Địa bàn rộng nhưng tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Trong quá trình tác nghiệp, chị còn khéo léo lồng ghép việc tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước và tác dụng của nguồn vốn ưu đãi mang lại vào các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến nay, Hội Phụ nữ xã có dư nợ với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3 tỷ đồng, cho 67 hộ vay; trong đó Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Long quản lý có dư nợ đạt 3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp 17 chị em thoát nghèo, 30 hộ kinh tế từ trung bình lên khá và giàu.

chị Long thanh lĩnh, thanh Chương
Chị Long kiểm tra mô hình sản xuất. Ảnh: TH

Nhiều năm nay Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Long làm Tổ trưởng đều đạt “3 không”: Không có lãi tồn, không có nợ quá hạn, không vay xâm tiêu. Chia sẻ về kinh nghiệm trong quản lý vốn, chị Long cho biết, sau một tháng ngân hàng giải ngân, chị thường dành thời gian đến tận từng hộ hỏi thăm việc sử dụng vốn vay của tổ viên, cũng như lắng nghe tâm tư của chị em để kịp thời phản ánh với ngân hàng cùng tìm hướng giải quyết.

Về bình xét vay vốn, tổ cũng thống nhất ưu tiên các hộ đang hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng tháng trước phiên giao dịch tại xã, chị em tổ viên họp trao đổi việc sử dụng vốn, chuyện làm ăn… Bên cạnh đó, chị thường xuyên quan tâm, động viên chị em tham gia các lớp tập huấn của hội, của Trung tâm Khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, định hướng cho hội viên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để đồng vốn phát huy hiệu quả.

Chị Long là Chi hội Phó hết lòng vì phong trào, một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đầy trách nhiệm. Từ sự quan tâm, nhiệt tình trong công việc của chị đã giúp bà con thấy rõ lợi ích thiết thực do nguồn vốn ưu đãi mang lại, xóa hẳn tính tự ti, mặc cảm, mạnh dạn vay vốn tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hồng Yên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Lĩnh

“Cầu nối” giúp hội viên phát triển kinh tế

Xóm Tân Hữu, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn thuộc vùng sâu, vùng khó khăn. Toàn xóm có 95 hộ với 430 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào dân tộc Thái, trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và một số ít làm dịch vụ. Thế nhưng, biết phát huy hiệu quả vốn vay Ngân hàng Chính sách, cuộc sống người dân ở đây đã dần đổi thay.

Chị Bùi Thị Trang – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Hữu cho biết, tổ tiết kiệm vay vốn được UBND xã Nghĩa Lộc thành lập năm 2008, thuộc tổ chức Hội LHPN quản lý. Trong quá trình hoạt động, tổ chúng tôi luôn thực hiện tốt việc bình xét, lựa chọn đối tượng có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình và được Hội LHPN xã thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, đảm bảo 100% thành viên sử dụng tiền vay đúng mục đích có hiệu quả. Các thành viên chấp hành nghiêm chỉnh quy định trả nợ gốc, lãi đúng hạn, tự nguyện tham gia gửi tiết kiệm qua tổ, mức gửi tối thiểu hàng tháng 100.000 đồng/tổ viên.

cán bộ ngân hàng chính sách huyện nghĩa đàn thăm mô hình vay vốn trên địa bàn
Cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện Nghĩa Đàn thăm mô hình vay vốn trên địa bàn. Ảnh: TH

Chính vì vậy, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2024, tổ luôn duy trì hoạt động tốt, đảm bảo về công tác cho vay cũng như thu nợ, không để xảy ra tình trạng nợ xấu, lãi tồn, sử dụng vốn sai mục đích, sai đối tượng thụ hưởng... Điều này mang lại những kết quả rõ nét trong việc phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi. Năm 2014, dư nợ của tổ là 1,2 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2024, tổ có 60 thành viên với tổng dư nợ là 2,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, hiện nay các hộ trong Tổ đã có 70 con trâu, bò, 90 con dê, 210 con lợn, xây dựng được 29 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia và 29 công trình vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh, có 1 hộ làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Một số hộ từ hộ nghèo không có vốn sản xuất, nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách đã vươn lên thoát nghèo như gia đình bà Lô Thị Lan, bà Hồ Thị Cường, chị Vi Thị Hợi... Nhiều hộ cận nghèo đã vươn lên thành hộ khá, nhiều diện tích đồi núi trọc đã được phủ xanh, người dân ăn ở sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, xóm làng ngày càng khang trang hơn, đẹp hơn.

“Nhờ việc phát huy tốt hiệu quả vốn vay, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ 17,3% năm 2014 xuống còn 7,29% năm 2024. Năm 2021 xóm được công nhận đạt tiêu chí Làng văn hoá, được UBND xã chọn để xây dựng mô hình điểm về bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Thái. Và đặc biệt, năm 2024 Tổ Tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Hữu được Hội LHPN tỉnh Nghệ An lựa chọn chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Tổ Tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững, gắn với các hoạt động cộng đồng”, chị Trang chia sẻ.

Nâng chất lượng, hiệu quả mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn

Đến nay, nguồn vốn tín dụng của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An triển khai đến 100% các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí quản lý, phương thức chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, phương thức cho vay uỷ thác một số công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức giao dịch tại cấp xã và kết nối với mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động sâu rộng đến tận thôn, bản là phương thức hoạt động hiệu quả.

Trang trại anh Lô Văn Môn ở Châu Khê, Con Cuông ảnh Thu Huyền
Cán bộ Ngân hàng Chính sách, tổ vay vốn và tiết kiệm địa phương thăm trang trại anh Lô Văn Môn ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: TH

Đến ngày 30/6/2024, Nghệ An có 84 tổ chức hội cấp huyện, 1.726 tổ chức hội cấp xã đang nhận ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách với Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, quản lý 6.146 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại 3.804 thôn, bản trên toàn tỉnh (đảm bảo 100% thôn, bản đều có Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động); 460 xã, phường, thị trấn đều được Ngân hàng Chính sách xã hội mở điểm giao dịch và thực hiện giao dịch hàng tháng vào một ngày cố định. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khi có nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu giải ngân nguồn vốn tại xã Diễn Ngọc. Ảnh: Thu uyền
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu giải ngân nguồn vốn tại xã Diễn Ngọc. Ảnh: TH

Ông Hoàng Sơn Lam – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An chia sẻ: Với mô hình này đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, là kênh dẫn vốn nhanh, rộng khắp và tin cậy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nguồn vốn tín dụng ưu đãi được tổ chức bình xét công khai, công bằng, dân chủ; đối tượng thụ hưởng được nhận vốn vay kịp thời ngay tại nơi cư trú, tạo điều kiện để tiết kiệm tối đa về thời gian và chi phí cho người vay, và chi phí quản lý cho ngân sách.

Đội ngũ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đang được ví như những “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện tốt vai trò quản lý, tuyên truyền chính sách, giúp nguồn vốn ủy thác đến với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục quan tâm, nâng chất lượng đội ngũ mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn để tiếp tục tạo hiệu quả cao hơn cho hoạt động tín dụng chính sách...

Mới nhất

x
Tổ tiết kiệm và vay vốn – 'cầu nối' của tín dụng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO