Tòa án nhân quyền châu Âu bác khiếu nại của Kiev; Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự tại Syria
(Baonghean.vn) - Tòa án nhân quyền châu Âu bác bỏ khiếu nại của Kiev về vụ việc ở eo biển Kerch; Xoa dịu đồng minh, Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện quân sự tại Syria; 2.600 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin sự kiện Mỹ - Triều; Belarus cân nhắc có phản ứng chung với Nga nếu Mỹ triển khai tên lửa... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Tòa án nhân quyền châu Âu bác bỏ khiếu nại của Kiev về vụ việc ở eo biển Kerch
Tàu hải quân Ukraine bị Nga bắt. Ảnh: Sputnik |
Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) không đáp ứng yêu cầu của Kiev về áp dụng các biện pháp đảm bảo mới liên quan tới vụ bắt giữ tàu hải quân Ukraina ở Eo biển Kerch, theo như tin đưa trên trang web của Bộ Tư pháp Nga. Yêu cầu được dựa trên thông tin về tình trạng sức khỏe của các thành viên đoàn thủy thủ. Các luật sư và người thân tuyên bố rằng 3 tù nhân cần được chăm sóc y tế chuyên khoa. Kiev còn tìm cách khiếu nại về chất lượng chăm sóc y tế do các bác sỹ Nga thực hiện.
Tòa án Nhân quyền châu Âu cho rằng, yêu cầu này không chứa các lập luận mới và giống hệt như đơn đề nghị trước đó, đã được chính quyền Nga trả lời thấu đáo.
Xoa dịu đồng minh, Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện quân sự tại Syria
Mỹ sẽ vẫn duy trì khoảng 200 binh sỹ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau khi rút khỏi Syria. Ảnh: Axios |
Trong một bước đi được xem là nhằm xoa dịu các đồng minh, Chính phủ Mỹ ngày 21/2 cho biết, sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria. Quyết định đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander, một nhóm nhỏ lực lượng gìn giữ hòa bình khoảng 200 người sẽ vẫn ở lại Syria trong một thời gian nữa sau khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên, vấn đề số binh sỹ này sẽ ở lại trong thời gian bao lâu và được triển khai tại khu vực nào lại không hề được nhắc đến. Ước tính, Mỹ hiện triển khai khoảng 2.000 quân tại Syria và theo các nguồn tin, tiến trình rút quân dự kiến sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. Thông báo đưa ra trong bối cảnh, Mỹ cùng các đồng minh Arab và người Kurd chuẩn bị tuyên bố về một chiến thắng hoàn toàn trước nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
2.600 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin sự kiện Mỹ - Triều
Báo chí nước ngoài tập trung trước Nhà khách Chính phủ, Hà Nội để săn tin các hoạt động bên lề ngày 21/2 trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Ảnh: Nam Trần |
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hoài Trung cho biết, đã có khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đăng ký tác nghiệp tại sự kiện này. Cho tới ngày 22/2, đã có rất đông nhà báo từ những đài, báo, hãng tin lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản như KBS, NHK, Yonhap… đã có mặt tại Việt Nam. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 nước có số phóng viên đăng ký tác nghiệp tại sự kiện Trump - Kim ở Hà Nội lớn nhất.
Cũng theo ông Lê Hoài Trung, Việt Nam chỉ có 20 ngày để lo công tác chuẩn bị cho cuộc hội đàm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố thủ đô Hà Nội của Việt Nam là địa điểm diễn ra sự kiện. Trong khi đó, ở lần hội đàm trước Singapore có tới gần 2 tháng để chuẩn bị.
Belarus cân nhắc có phản ứng chung với Nga nếu Mỹ triển khai tên lửa
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo, nước này và Nga sẽ buộc phải cân nhắc một phản ứng chung nếu Mỹ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung mới ở châu Âu.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: DocumentaryTube |
Ngày 22/2, hãng thông tấn Belta dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo, nước này và Nga sẽ buộc phải cân nhắc một phản ứng chung nếu Mỹ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung mới ở châu Âu.
Theo ông Lukashenko, động thái như vậy sẽ là cần thiết nếu Washington xúc tiến việc triển khai các tên lửa mới sau khi nước này rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tổng thống Belarus nêu rõ: "Chúng tôi sẽ buộc phải cùng với Nga cân nhắc các biện pháp đáp trả (nếu Mỹ triển khai tên lửa)".
Mỹ có thể giảm bớt điều kiện để nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 1/2. Ảnh: AFP |
"Người dân Mỹ nên biết rằng chúng tôi áp đặt những lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từng có đối với Triều Tiên và sẽ không nới lỏng tới khi chúng tôi tự tin rằng mối đe dọa đã giảm đáng kể", AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. "Vì sự an toàn của người Mỹ, chúng tôi phải giảm bớt mối đe dọa từ hạt nhân của Triều Tiên. Sau đó, chúng tôi có thể thực hiện các công việc vì hòa bình, an ninh trên bán đảo và một tương lai tươi sáng cho người dân Triều Tiên", Pompeo trả lời khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng thỏa hiệp về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng hay không.
Theo AP, bình luận này của Ngoại trưởng Mỹ dường như để mở khả năng Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng mà không cần nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, điều kiện mà Mỹ luôn kiên quyết giữ vững. Pompeo bày tỏ hy vọng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện tốt cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trong hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào 27-28/2. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết về những việc mà hai bên sẵn sàng thực hiện để thúc đẩy đàm phán.
Có 120.000 công dân Thái Lan đăng ký bỏ phiếu ở nước ngoài
Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Jarungvith Phumma. Ảnh: KT |
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, đã có 120.000 công dân nước này đăng ký bỏ phiếu ở nước ngoài, trong đó đông nhất là ở Sydney, Australia có hơn 10.000 người đăng ký. Việc đăng ký bỏ phiếu ở nước ngoài được thực hiện theo hình thức trực tuyến hoặc đăng ký trực tiếp tại 94 đại sứ quán, lãnh sự quán và Văn phòng Kinh tế và Thương mại Thái Lan từ ngày 28/1/2019 đến hết ngày 19/2/2019.
Trước đó, truyền thông Thái Lan dẫn lời Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Jarungvith Phumma cho biết, hơn 1,5 triệu cử tri nước này đã đi đăng ký bầu cử sớm trước ngày tổng tuyển cử 24/3. Cuộc bầu cử lần này có nhiều cử tri đi đăng ký bầu cử sớm hơn so với những cuộc bầu cử trước đó. Công dân Thái Lan ở nước ngoài sẽ bỏ phiếu tại trụ sở đại sứ quán, lãnh sự quán và Văn phòng Kinh tế và Thương mại gần nhất ở đất nước mà họ cư trú từ ngày 4-16/3 tới.