Toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ

06/05/2017 06:52

(Baonghean.vn) - Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là trận đọ sức quyết liệt nhất giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Để giành thắng lợi trong trận đánh quyết định này, cả hai phía đã có những nỗ lực cao nhất cả về lực lượng và phương tiện chiến tranh. Sau đây là một số sự kiện và con số tiêu biểu của cả ta và địch về chiến dịch lịch sử này.

» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khoảnh khắc lịch sử ở Điện Biên

24/7/1953: Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch Nava. Theo đó, trong Đông - Xuân 1953-1954, quân Pháp thực hiện phòng ngự chiến lược, tránh giao chiến toàn diện với đối phương ở phía bắc vĩ tuyến 18; tăng cường lực lượng cơ động, tiến công nam vĩ tuyến 18 nhằm bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương; với mục tiêu lấn chiếm bằng được vùng tự do Khu 5.

Chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ 1954. Từ trái qua: Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp
Chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ 1954. Từ trái qua: Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp.

Từ mùa Thu năm 1954, sẽ chuyển sang tiến công phía bắc Hoành Sơn, tạo nên cục diện quân sự mới, đồng thời đi tới một giải pháp chính trị có lợi cho Pháp trong cuộc chiến tranh. Để thực hiện kế hoạch này, Pháp tăng cường lực lượng ngụy binh và xin viện trợ Mỹ.

8/1953: Nava trở lại Đông Dương, tiến hành tổ chức quân đội như kế hoạch đã định.

20/8/1953: Tổng Quân ủy trình lên Bộ Chính trị bản đề án: Tình hình địch - ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu - Đông 1953.

9/1953: Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ và phương án tác chiến chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, quyết định “lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp”.

2/11/1953: Nava gửi chỉ lệnh đặc biệt cho tướng Cônhi - Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ: Chuẩn bị chiếm đóng Điện Biên Phủ bằng cuộc hành binh không vận vào trước ngày 1-12.

Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

15/11/1953: Đại đoàn 316 do Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba và Chính ủyChu Huy Mân chỉ huy hành quân lên Tây Bắc.

19 - 23/11/1953: Tại Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Tổng Tư lệnh mở Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông - Xuân 1953-1954.

20 - 22/11/1953: Dưới sự chỉ huy của tướng Gin, Pháp mở cuộc hành quân Hải ly (Castor) nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

3/12/1953: Nava quyết định rút bỏ Lai Châu, tăng cường lực lượng về Điện Biên Phủ, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá và đưa thêm lực lượng, vật tư, khí tài xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm.

5/12/1953: Pháp thực hiện cuộc hành quân Pônluých, rút quân khỏi Lai Châu.

6/12/1953: Bộ Chính trị thông qua Báo cáo của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Đại tướng ,Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch.
Đại tướng ,Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch.

7/12/1953: Dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 hành quân lên phòng tuyến Nậm Hu. Đại đoàn 316 chặn đánh địch rút từ Lai Châu về Điện Biên Phủ.

8/12/1953: Nava cử Đại tá Đờ Cátxtơri lên Điện Biên Phủ thay tướng Gin chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc.

24/12/1953: Đại đoàn 312 gồm các trung đoàn: 141, 209 và 165 dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn và Chính ủy Trần Độ, tiến lên Tây Bắc. Tại Điện Biên Phủ, Nava dự lễ Nôen cùng với binh sĩ. Ông ta khẳng định: “Việt Minh đang gặp khó khăn về tiếp tế, quân viễn chinh Pháp nhất định thắng lợi”.

5/1/1954: Bộ Tổng tư lệnh lệnh cho các đơn vị dự bị tiến lên Tây Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Điện Biên Phủ.

14/1/1954: Tại Thẩm Púa, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch mở Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Giờ nổ súng được quyết định vào 17 giờ ngày 20/1/19541.

Đoàn xe đạp thồ tập trung vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Quân dân ta đã chuẩn bị tích cực với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động 261.464 lượt dân công vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí , làm hàng ngàn km đường để vận chuyển, đào hàng trăm km đường hầm ôm chặt lấy Điện Biên Phủ.
Đoàn xe đạp thồ tập trung vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Quân dân ta đã chuẩn bị tích cực với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động 261.464 lượt dân công vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí , làm hàng ngàn km đường để vận chuyển, đào hàng trăm km đường hầm ôm chặt lấy Điện Biên Phủ.

20/1/1954: Quân Pháp hoàn thành việc xây dựng 7 cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh mang tên hoa Huguette, đánh số từ 1 đến 7.

26/1/1954: Hội nghị cán bộ được khai mạc tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng. Sau khi thảo luận ý kiến của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tình hình thực tế của phái viên từ các đơn vị báo cáo, Đảng ủy chiến dịch thống nhất thay đổi cách đánh, chuyển sang vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nêu quyết tâm khắc phục mọi khó khăn tiến hành đánh địch trong thời gian dài.

Chiều cùng ngày, lệnh thay đổi phương châm, cách đánh và kéo pháo ra khỏi trận địa được phổ biến tới tất cả các đơn vị.

2/2/1954: Tướng Ô. Đanien - Tư lệnh các lực lượng quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Trưởng phái đoàn quân sự của Mỹ ở Đông Dương lên thị sát và kiểm tra công việc bố phòng của cứ điểm Điện Biên Phủ.

5/2/1954: Quân ta hoàn thành công việc kéo pháo ra khỏi Bản Nghịu, Bản Tấu, Nà Tem và Nà Hy.

19/2/1954: Thủ tướng Plêven cùng nhiều quan chức và tướng lĩnh Pháp lên thị sát Điện Biên Phủ.

7/3/1954: Nava kiểm tra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bộ đội kéo pháo vào lần 2 chuẩn bị tác chiến theo phương án
Bộ đội kéo pháo vào lần 2 chuẩn bị tác chiến theo phương án "đánh chắc, tiến chắc"...

8/3/1954: Trọng pháo 105 mm và pháo cao xạ của ta đã chiếm lĩnh trận địa xung quanh Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Nava vẫn cho rằng quân ta khó có thể vượt qua nhiều khó khăn để đưa pháo vào Điện Biên Phủ.

12/3/1954: Tướng Cônhi lên thị sát Điện Biên Phủ, đến trung tâm Him Lam và ra những chỉ lệnh cần thiết khi bị quân ta tiến công.

13/3/1954: 17 giờ, ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam. Trận đánh mở màn chiến dịch kết thúc vào lúc 23 giờ 30 phút. Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt. 300 tên địch bị tiêu diệt, 200 tên bị bắt sống. Tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn lê dương thứ 13 bị xóa sổ hoàn toàn.

14/3/1954: Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho phép quân địch ở Mường Thanh ra nhận thương binh ở một số điểm do ta quy định. Địch tăng cường cho Điện Biên Phủ Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5è BPVN), 4 khẩu pháo 105 mm. 17 giờ, pháo ta bắn vào cứ điểm đồi Độc Lập.

15/3/1954: Vào lúc 2 giờ sáng, Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308, dưới sự chỉ huy của đồng chí Vương Thừa Vũ, tấn công vào đồi Độc Lập. 18 giờ 30 phút ta làm chủ trận địa, tiêu diệt tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường, bắt gần 200 tên. 12 giờ 45 phút, Trung tá Pirốt, chỉ huy pháo binh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tự sát. 6 khẩu pháo 105 mm của địch bị phá hủy. Trong ba ngày 13, 14, 15 địch bắn về phía quân ta 30.000 quả đạn pháo các loại.

Pháo binh là lực lượng không thể thiếu trong những trận đánh của chiến dịch.
Pháo binh là lực lượng không thể thiếu trong những trận đánh của chiến dịch.

16/3/1954: Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6è BPC) nhảy dù tăng viện cho Điện Biên Phủ. Nava chỉ thị cho tướng Gambie, Tổng Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương phải thực hiện gấp kế hoạch làm mưa nhân tạo trên các tuyến giao thông, nhằm ngăn cản việc tiếp tế của ta.

17/3/1954: Quân ta bắt đầu tiến công vào Bản Kéo. Đờ Cátxtơri ra lệnh cho Đại úy Clátsăm đưa tiểu đoàn ngụy Thái BT3 lui về Mường Thanh, nhưng quân địch kéo nhau ra hàng. Trung đoàn 36 chưa cần nổ súng đã chiếm được Bản Kéo.

Đợt 1 chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Quân ta đã đập tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng bắc và đông bắc, xóa sổ phân khu bắc và một bộ phận lớn phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ,... tiêu diệt 2 tiểu đoàn tinh nhuệ bậc nhất của địch, làm tan rã nhiều tiểu đoàn khác, mở thông đường xuống lòng chảo Điện Biên.

Tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, Hội nghị sơ kết đợt 1 đã đánh giá tình hình ta - địch và chủ trương tiếp tục xây dựng trận địa, tiến công bao vây, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để tiến công đợt 2.

Bộ đội vợt cầu Mường thanh tấn công vào sào huyệt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm  Điện Biên Phủ.
Bộ đội vợt cầu Mường thanh tấn công vào sào huyệt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

19 /3/1954: Dự trữ đạn 105 mm của địch bắt đầu cạn. Đờ Cátxtơri gọi điện báo cho tướng Cônhi việc mất Điện Biên Phủ là điều khó tránh khỏi trong thời gian ngắn và tính chuyện rút sang Lào.

25/3/1954: Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 tiến hành đào hào cắt đứt hành lang tiếp viện giữa Hồng Cúm và Mường Thanh. Địch cho tiểu đoàn lê dương số 1 ra phản kích đánh bật chốt của Trung đoàn 57, nhưng sau đó Trung đoàn 57 đã khôi phục lại và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chia cắt địch.

25 - 27/3/1954: Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập Hội nghị cán bộ để thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt 2 với mục đích đánh chiếm các điểm cao phía đông, uy hiếp quân địch ở Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch để chuẩn bị cho tổng công kích.

30/3/1954: Đợt tiến công thứ hai vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 45 phút chiến đấu, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Lăng tiêu diệt cứ điểm C1, bắt sống 140 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm đồi E. Sau 2 giờ chiến đấu, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 làm chủ điểm cao D1. 18 giờ 30, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu An, nổ súng tiến công cứ điểm A1.

31/3/1954: Vào lúc 3 giờ sáng, trận địa pháo kích địch ở cứ điểm 210 bị tiêu diệt hoàn toàn. Trận đánh ở đồi A1 diễn ra ác liệt. Ta và địch giằng co từng góc chiến hào.

Bộ đội xung phong lên chiếm cột cờ, một lô cốt cuối cùng của địch ở đồi C1.
Bộ đội xung phong lên chiếm cột cờ, một lô cốt cuối cùng của địch ở đồi C1.

4/4/1954: Trước tình thế phát triển tiến công không thuận lợi, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định ngừng tiến công để nghiên cứu, tìm cách đánh mới, đồng thời củng cố lực lượng, giữ vững trận địa, chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo. Sau năm ngày chiến đấu, đợt tiến công thứ hai đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu phía đông và cứ điểm 106, Căngna phía tây, thêm 3 tiểu đoàn thiện chiến của địch bị tiêu diệt, phạm vi chiếm đóng của chúng bị thu hẹp.

7/4/1954: Tư lệnh không quân khu vực Thái Bình Dương của Mỹ tới Sài Gòn gặp Nava để triển khai kế hoạch ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ.

8/4/1954: Địch tăng viện cho Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 (2CBEP).

9/4/1954: Địch tổ chức phản kích chiếm lại được một một nửa cứ điểm C1.

18/4/1954: Tướng Mỹ Cađêra đến Sài Gòn kiểm tra việc chuẩn bị kế hoạch thực hiện “Chiến dịch Diều hâu”.

19/4/1954: Ta tổ chức lại các trận địa pháo. Đại đội lựu pháo 804 kéo pháo vào chiếm Him Lam. Đại đội 801, 802 lập trận địa sau Bản Kéo. Đại đội lựu pháo 805 xây dựng trận địa gần Hồng Cúm.

Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.
Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.

22/4/1954: Ta làm chủ sân bay, cắt đứt hoàn toàn việc tiếp tế đường không của địch.

1/5/1954: Đợt tiến công thứ ba bắt đầu. Trưa, pháo ta bắn dồn dập vào khu vực trận địa của địch, lần đầu tiên hỏa tiễn H6 của ta xuất trận. Đêm, các đơn vị của Đại đoàn 312, 316 và 304 đánh chiếm các cứ điểm C1, 505 và 505A, 311A.

2/5/1954: Trước sự vây ép của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, quân địch ở Hồng Cúm phải tháo chạy khỏi khu C. Đêm, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiêu diệt cứ điểm 311B.

3/5/1954: Địch mở kế hoạch “Chim biển” để tháo chạy nhưng không thành.

5/5/1954: Địch tăng cường lực lượng, tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 (1CBEP) đổ bộ xuống Điện Điên Phủ.

6/5/1954: Quân ta tiến công cứ điểm Al, C2.

Lá cờ
Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries.

7/5/1954: 4 giờ sáng, cứ điểm A1 bị tiêu diệt. 9 giờ, quân ta làm chủ cứ điểm C2. 15 giờ, các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 và 312 tiến công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ, Thiếu tướng Đờ Cátxtơri cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. 17 giờ 30 phút, lá cờ Quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy địch.

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO