Toan tính của HLV Park Hang-seo trong trận hòa với Singapore?

Hoa Bùi 31/12/2022 10:54

(Baonghean.vn)- Một trận hòa đương nhiên không phải là thảm họa, bởi tuyển Việt Nam vẫn còn trận đấu sau đó 3 ngày với đối thủ yếu ngay trên sân nhà để có thể toan tính.

Dưới thời ông Park Hang-seo, tuyển Việt Nam liên tiếp có 3 trận hòa 0-0 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng các kỳ AFF Cup 2018, 2020 và 2022 trước lần lượt các đối thủ khác nhau Myanmar, Indonesia và Singapore. Chưa kể U23 Việt Nam dưới tay ông thầy Hàn Quốc cũng từng hòa trận thứ 3 hồi Thường Châu 2018, hòa trận thứ 2 tại SEA Games 31 trên sân nhà…

Để thấy, chuyện thi đấu đang thăng hoa bỗng nhiên mất nhịp, không đạt được kết quả không mong muốn là “một phần của bóng đá”, một phần không thể khác của các đội bóng được dẫn dắt bởi một “phù thủy” hay phải chăng bài vở của ông Park Hang-seo luôn dễ dàng bị “hóa giải”, Việt Nam luôn không ổn định?

HLV Park Hang-seo chỉ đạo tuyển Việt Nam trong trận đấu trên sân của Singapore ngày 30/12. Ảnh: VnE

Nên nhớ để chuẩn bị cho AFF Cup 2022, tuyển Việt Nam từng gặp đối thủ Singapore và thắng dễ 4-0 trên sân Thống Nhất. Giao hữu là thế nhưng khi vào giải, thầy trò ông Park Hang-seo bế tắc hoàn toàn dù ở hiệp 2, các quân bài chính đều được tung vào sân, kể cả việc giữ ngòi nổ Văn Quyết thi đấu trọn vẹn 90 phút. Thi đấu sân cỏ nhân tạo có thể là một trong nhiều lý do Đội tuyển Việt Nam không thể chọc thủng lưới chủ nhà dù cầm bóng tới 70% thời gian. Đối thủ chơi chắc chắn ở 2 biên, tập trung số đông ở trung lộ, hóa giải hầu hết các tình huống bóng bổng…khiến các chân sút đội khách rất ít có cơ hội và nếu có cũng gặp vô vàn khó khăn, không thể thực hiện chính xác.

Hãy nhớ lại 3 trận đấu vừa qua để thấy ông Park Hang-seo toan tính điều gì? Trận mở màn ông thầy tung đội hình mạnh nhất để tìm một trận thắng khai thông dù đối thủ yếu. Nhiều người cho là không cần thiết nhưng thực ra các tuyển thủ cần được thi đấu sớm để lắp ghép, ổn định bộ khung ngay từ đầu. Với lại khoảng cách giữa trận gặp Lào và đối thủ mạnh Malaysia là 7 ngày nên chuyện giữ sức trụ cột là không cần thiết. Trận thứ 2 ông thầy cất Quang Hải và thế bằng Văn Toàn. Bài toán sai này khiến toàn đội phải trải qua những phút giây căng thẳng do chơi thiếu người và đối thủ thi đấu khó chịu hơn so với trước đây nhiều lần. Trận thứ 3 và trận thứ 4 chỉ cách nhau 3 ngày nên việc tính toán là điều bắt buộc nếu muốn tính chuyện đường dài.

Việt Nam không quá tiếc nuối với trận hoà Singapore, dù đứt mạch bảy trận thắng trên mọi đấu trường. Ảnh" VnE

Nhưng ở đây, có vẻ ông Park Hang-seo lại gặp vấn đề khi tung tới 8 cầu thủ dự bị vào sân khiến mọi việc bế tắc, đi ra ngoài quỹ đạo mong đợi. Đôi cánh Hồng Duy-Văn Thanh “cùn mằn”, vô hại thấy rõ, nhất là những quả tạt thiếu ý tưởng và thiếu chính xác của Văn Thanh. Tuyến giữa Ngọc Quang-Hùng Dũng không tạo được sự an tâm nào, liên kết và sáng tạo cũng không, nên đầu hiệp 2 bộ đôi này phải thay ra là hoàn toàn đúng đắn. Văn Quyết và Tuấn Hải lọt thỏm giữa rừng phòng thủ của người Singapore. Điều ông Park Hang-seo cần sự tinh quái, lọc lõi của Văn Quyết đã không xảy ra. Vậy nên một lần nữa lại thấy lý do vì sao từ đầu ông thầy đã loại bỏ ngôi sao của Hà Nội FC là có lý do cụ thể, chuyên môn chứ không phải là chuyện thích hay không thích ở đây.

Vậy tại sao khi ông Park Hang-seo lần lượt tung những ngôi sao Quang Hải, Văn Đức, Tiến Linh, Hoàng Đức, Tấn Tài…vào sân mà mọi việc chỉ ở mức “cơ hội” mà thôi, trừ cú sút xa sở trường đập cột dọc của Hoàng Đức. Rõ ràng, bệnh cũ các đội tuyển thời ông Park Hang-seo vẫn chưa có thuốc chữa. Ai đó nói do thiếu Văn Hậu nhưng đó chỉ là giả sử, là tiếc nuối. Vấn đề là ông Park Hang-seo muốn tạo cơ hội cho hầu hết cầu thủ, chuẩn bị cho đường dài nên phải chấp nhận sai số trong quá trình đó. Sau trận hòa không mong muốn này, chắc chắn một lần nữa ông thầy sẽ biết đích xác những ai là trụ cột trong các trận đấu quyết định tới đây, ai sẽ là nhân tố dự bị chỉ vào sân ở những thời điểm thích hợp, cần thiết.

Một trận hòa đương nhiên không phải là thảm họa, bởi vẫn còn trận đấu sau đó 3 ngày với đối thủ yếu, hết cơ hội là Myanmar để toan tính. Người Thái cũng vừa có một trận hòa hú vía trước Indonesia và biết đâu đối thủ này lại về nhì ở bảng A, liệu khi đó tuyển Việt Nam có cần thiết về nhất bảng B? Sẽ không hay ho gì khi đối đầu với Thái Lan ở bán kết, điều từng xảy ra tại AFF Cup 2020 diễn ra muộn 2021 cách nay một năm và kết cục như nhiều người còn nhớ? Vậy nên, tuyển Việt Nam cứ…hòa cái đã, hòa để đó xem tình hình ra sao ở bảng đấu khác, rồi xử lý cũng đâu có muộn.

Hơn nữa, một kết quả không mong muốn sẽ buộc thầy trò ông Park Hang-seo sớm xốc lại đội hình, biết mình, biết ta hơn để đủ sức tiến xa chăng? Đã biết, đã quen “hội chứng” hòa trận thứ 3 vòng bảng và đã từng vượt qua ở AFF Cup 2018, bất lực ở AFF Cup 2020, lẽ nào tại AFF Cup 2022 này, thầy trò ông Park Hang-seo không biết cách vượt lên một cách đĩnh đạc, đàng hoàng ở vòng đấu knock-out phía trước?

Mới nhất

x
Toan tính của HLV Park Hang-seo trong trận hòa với Singapore?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO