Tội phạm thẻ sẽ dồn về Việt Nam?
Việc hàng loạt thẻ ATM Ngân hàng Agribank phát hành bị lấy cắp dữ liệu cách đây hơn một tháng khiến lộ trình chuyển đổi 70 triệu thẻ từ sang thẻ chip trở nên gấp rút. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam nếu không làm nhanh, sẽ trở thành vùng trũng của thế giới để tội phạm thẻ dồn về hoạt động.
Lo Việt Nam sẽ thành “vùng trũng”
Vụ việc hàng loạt tài khoản ATM không giao dịch vẫn bị báo rút và trừ tiền trong tài khoản của Agribank cách đây một tháng xảy ra trong xu hướng các vụ ăn cắp thông tin thẻ ATM (skimming) ngày một tăng đã khiến không ít người tỏ ra lo lắng về tính an toàn bảo mật ATM.
Giải pháp chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip được xem là cách tốt nhất để phòng chống và bảo vệ người sử dụng và ngân hàng trước sự tấn công của tội phạm công nghệ thẻ. Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ là bắt buộc. Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ thanh toán NHNN cho biết, đến nay hầu hết các quốc gia đã “chip hóa” thị trường thẻ. Do đó, Việt Nam không có lý do gì để đứng ngoài xu thế chung bởi nếu không sẽ trở thành vùng trũng thế giới.
Cụ thể hơn, theo thông tin Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) công bố, tính đến cuối năm 2017, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ chuyển đổi thẻ từ sang chip thấp nhất so với các châu lục khác. Một số quốc gia đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác chuyển đổi thẻ chip, điển hình gồm Trung Quốc với khoảng 1,2 tỷ người.
Malaysia từng được xem là “thủ đô của tội phạm thẻ” đã hoàn thành việc chuyển đổi thẻ chip cho toàn bộ thị trường vào đầu năm 2018. Thái Lan bắt đầu thực hiện chuyển đổi thẻ chip từ năm 2016 và dự kiến chuyển đổi toàn bộ từ thẻ từ sang thẻ chip vào tháng 1/2019.
Thực tế trên, theo NAPAS đã khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo thẻ skimming đang ngày càng gia tăng. Tại phiên họp thường niên 2018, Hội thẻ ngân hàng thống nhất đẩy nhanh tiến độ triển khai chuyển đổi thẻ nội địa sang thẻ chip nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn bảo mật, quản lý rủi ro gian lận và giả mạo thẻ.
Chi phí chuyển đổi - tốn ai chịu?
Theo kế hoạch về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip của NHNN, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thị trường thẻ Việt Nam chuyển đổi xong sang
thẻ chip.
Về phía Hội thẻ Việt Nam, ngoài kiến nghị NHNN sớm ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip và chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi chi tiết, còn kiến nghị chính sách về chuyển đổi trách nhiệm giữa các ngân hàng. Theo đó, nếu ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng thanh toán chưa thực hiện được việc phát hành hoặc chấp nhận thanh toán thẻ chip thì ngân hàng đó sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo.
Việc chuyển đổi cả 70 triệu thẻ từ sang thẻ chip chi phí sẽ ra sao? Tính toán sơ bộ, mức giá phổ biến của thẻ chip khoảng 1,5-2,5 USD/chiếc, tương đương 35.000-58.000 đồng/ thẻ. Trường hợp đặt số lượng lớn, từ 100.000 thẻ trở lên giá có thể thấp hơn. Bài toán đổi thẻ trên thị trường dự kiến sẽ “ngốn” chi phí lên tới cả trăm triệu USD cho hàng chục ngân hàng (chỉ riêng 4 ngân hàng quốc doanh đã ước khoảng 50 triệu USD) nếu chuyển đổi thẻ. “Đó là chưa kể phải bỏ chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích với thẻ chip. Điều này cũng khá tốn kém và hiện chúng tôi cũng đang phải cân nhắc tính toán nguồn đầu tư thế nào cho hợp lý”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết thêm.
Có hay không việc các ngân hàng sẽ tính tăng phí thẻ khi họ đầu tư một khoản tiền lớn đáng kể vào việc này? Theo đại diện NHNN, trên thực tế, chi phí sản xuất thẻ chip chắc chắn cao hơn thẻ từ nhưng các ngân hàng cần tính toán, đảm bảo lợi ích người sử dụng và buộc phải xác định đầu tư. “Chi phí mất một vụ như thế này xét về tổn hại uy tín còn lớn hơn số tiền mất, cho nên các ngân hàng không thể chần chừ mà phải đầu tư. Còn nếu muốn tính vào phí thẻ, hiện NHNN cũng đã có quy định khung trần, ngân hàng không thể muốn thu cao là được”, đại diện NHNN khẳng định.
Buôn bán thẻ ATM không chính chủ có thể bị xử lý hình sự
Trước phản ánh của báo Tiền Phong về tình trạng xuất hiện “chợ đen” buôn bán thẻ ATM, ngày 25/5, NHNN đã phát đi khuyến cáo về việc mở tài khoản ngân hàng, thẻ ATM.
Theo NHNN, hành vi sử dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, sau đó bán lại cho các người khác để sử dụng như phản ánh tại một số phương tiện thông tin truyền thông vừa qua sẽ vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về hành vi bị cấm như: Hành vi cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán; Hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; Hành vi sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Nhóm PV - Thu Huyền