Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo luật Hình sự bị xử lý như thế nào?
(Baonghean.vn) - Cho tôi hỏi tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự? – Vấn đề quan tâm của ông Hoàng Nghĩa Mai (Hưng Nguyên, Nghệ An).
Trả lời: Nếu các cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với khung hình phạt như sau:
1. Đối với cá nhân:
* Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm khi:
Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
Hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
* Khung 2: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp sau đây:
(i) Có tổ chức;
(ii) Phạm tội 02 lần trở lên;
(iii) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
(iv) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
(v) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Đối với pháp nhân thương mại:
Cụ thể tại khoản 4 Điều 226 , pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng khi thực hiện hành vi quy định tại Khung 1 đối với cá nhân với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu;
Hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này;
Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm khi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (i), (ii), (iii), (iv), (v) khung 2 đối với cá nhân;
+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.