Tôn sư trọng đạo, không xứng đáng đừng đòi hỏi

Tôi viết điều này hẳn sẽ có đồng nghiệp không bằng lòng, nhưng tôi nghĩ cần có cái nhìn thẳng thắn của người trong cuộc. Cũng phải nói ngay, bản thân tôi không phải là người giỏi giang hoàn hảo, và tôi luôn ý thức điều đó, để học hỏi không ngừng.

Xưa, khi người thầy là “đỉnh cao trí tuệ”, là tinh hoa tri thức của xã hội, họ được trọng vọng. Cha mẹ gửi con cho thầy là ký thác hoàn toàn, đầy tin tưởng. Bản thân họ luôn nhìn người thầy một cách ngưỡng mộ nên mới có sự tôn kính thực sự.

Nay, mọi sự đã khác. Người thầy, nhất là dạy cấp học phổ thông, tất nhiên không phải tất cả, không còn là người thông tuệ hơn phụ huynh họ. (Hơn sao được khi điểm thi đầu vào của trường Cao đẳng Sư phạm có năm chỉ 9 điểm 3 môn. Đau lòng thay!). Điều đó dẫn đến một tầng lớp người thầy hiểu biết thấp kém so với mặt bằng xã hội. Người thầy có xuất phát điểm thấp như thế lại không chịu học hỏi thêm về chuyên môn kiến thức, không rèn luyện tu dưỡng nhân cách, không chăm chút trong cách đối nhân xử thế thì đừng trách vì sao xã hội không còn trân trọng như xưa.

Đối tượng học sinh của chúng ta đã khác.

Phụ huynh của chúng ta càng khác.

Đừng nghĩ được gắn cái mác giáo viên mà mặc định họ phải tôn trọng.

Đừng nghĩ mình là thầy cô mà áp đặt trò.

Đừng nghĩ cái cách ngày hôm qua đúng là ngày mai cũng đúng.

Tôi từng viết rất chân thành rằng “học trò là người thầy đặc biệt của tôi”. Bởi vì tôi luôn học từ trò, luôn rút ra bài học kinh nghiệm cho mình từ trò. Kinh nghiệm đó không sách nào trường nào dạy ta một cách đầy đủ.

Muốn được họ, học sinh và phụ huynh tôn trọng mình, hãy tôn trọng họ!

Muốn được họ tôn trọng, hãy học hỏi và trau dồi để mình xứng đáng!

Viết điều này ra là để tôi tự răn mình thêm nữa!