Tồn tại, vướng mắc dài lâu ở Dự án Thủy điện Hủa Na: Có nhiều nguyên nhân chủ quan!

Ngày 30/11/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chính thức gửi Báo cáo số 150/BC- MTTQ-BTT báo cáo kết quả giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện Dự án Thủy điện Hủa Na lên Thường trực Tỉnh ủy. Tại đây, bên cạnh khái quát toàn diện về dự án và công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì nêu rõ ra nhiều tồn tại, hạn chế tiềm ẩn phát sinh những hệ lụy.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, quá trình triển khai dự án đã được nhân dân đồng thuận di dời, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình, đưa vào vận hành đúng tiến độ. Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân vẫn chưa hoàn thành, còn lúng túng và thiếu kiên quyết trong tổ chức thực hiện làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Đời sống của nhân dân vùng tái định cư vẫn còn khó khăn, nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn mất đoàn kết trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với các dự án triển khai trên địa bàn.

Công tác khảo sát, lập quy hoạch, khai hoang, phục hóa đất trồng lúa nước để giao cho hộ dân một số nơi không phù hợp, xa nơi ở của người dân, giao thông đi lại khó khăn, đất đai cằn cỗi, khó canh tác, hiệu quả thấp. Một số hộ dân chờ nhận đất sản xuất lúa nước của dự án quá lâu nên đã tự khai hoang đất để sản xuất. Đến nay, có 138 hộ không thống nhất phương án nhận đất sản xuất lúa nước của dự án giao. Số hộ dân này chủ đầu tư và Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ.

Việc khai hoang đất để sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp tại một số điểm tái định cư thực hiện chậm. Đến nay vẫn còn 251,89 ha đất đang có rừng tự nhiên không được chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thiếu quỹ đất sản xuất nông nghiệp để giao cho nhân dân.

Một số công trình hạ tầng ở các điểm tái định cư chưa phù hợp, chất lượng một số công trình hạn chế. Công tác quản lý, vận hành chưa được phân cấp trách nhiệm rõ ràng, thiếu nguồn vốn để bảo trì, bảo dưỡng nên một số công trình có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của địa phương và chủ đầu tư có lúc còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa thực sự quyết liệt, triệt để.

Dẫn đến nhiều tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thì có một số nguyên nhân khách quan như: Dự án thủy điện có phạm vi ảnh hưởng mặt bằng rộng lớn, thuộc vùng địa hình đồi núi dốc, quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, đặc biệt, đối với đất lúa nước và điều kiện cấp nước thủy lợi phục vụ cho quá trình sản xuất khó khăn. Một số quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 74, Luật Đất đai năm 2013; Khoản 5, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện…) liên quan đến vấn đề bồi thường đất chưa rõ, dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các bên liên quan…

Tuy nhiên, có nhiều những nguyên nhân chủ quan. Đó là dự án thiếu phương án chi tiết về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ khi lập, phê duyệt dự án dẫn đến các bên có liên quan vừa làm, vừa giải quyết vướng mắc, phát sinh các vấn đề bất cập và kéo dài thời gian chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư trong quá trình lập dự toán kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa sát với tình hình thực tế của dự án và các chính sách, quy định hiện hành của Nhà nước, dẫn đến nguồn kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đến nay đã chi trả đạt 96,2% so với tổng kinh phí được duyệt và dự kiến sẽ vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt (khoảng từ 20 – 45 tỷ đồng).

Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, di dân để triển khai dự án diễn ra tương đối nhanh, nhằm kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công, nhưng việc kiểm đếm, tính toán phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư còn mang tính thủ công, dẫn đến những sai sót nhất định.

Giữa chủ đầu tư, Hội đồng Bồi thường và Hỗ trợ tái định cư huyện Quế Phong, các sở và UBND tỉnh chưa có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật vào công tác bồi thường cho hộ dân. Trước tháng 5/2019, việc tính toán chi trả tiền bồi thường được chủ đầu tư với Hội đồng Bồi thường và Hỗ trợ tái định cư tính toán, thống nhất thực hiện theo Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 1/6/2009 của UBND tỉnh. Từ tháng 5/2019, nhận thấy việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư sẽ vượt tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Công ty CP Thủy điện Hủa Na đã có Văn bản số 280/HHC-KTKH ngày 29/5/2019 và số 369/HHC-KTKH ngày 17/7/2019 gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT đề nghị hướng dẫn phương án tính toán cụ thể. Điều này gây phát sinh các quan điểm khác nhau về cách thức tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến cho các hộ dân (Công ty CP Thủy điện Hủa Na đề xuất phương án 1: Tính theo tổng giá trị các loại đất nông nghiệp; UBND tỉnh đề xuất phương án 2: Tính theo tổng giá trị các loại đất sản xuất nông nghiệp (tách đất lâm nghiệp riêng); UBND huyện Quế Phong đề xuất phương án 3: Tính chi tiết theo từng loại đất nông nghiệp).

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và Hội đồng Bồi thường và Hỗ trợ tái định cư huyện trong quá trình tính toán đối trừ giá trị sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến. Việc đề nghị thay đổi cách tính đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến cho các hộ dân của chủ đầu tư sau khi đã thống nhất phương án bồi thường, công khai đến 5/13 điểm tái định cư và đã chi trả cho các hộ dân của 2/5 điểm tái định cư (67 hộ, với số tiền 5.553.563.800 đồng) đã làm cho các hộ dân hết sức bức xúc, liên tục phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện và Mặt trận Tổ quốc các cấp; đồng thời làm cho công tác vận động, tuyên truyền nhân dân gặp khó khăn.

Một số sở, ngành được giao tham mưu xử lý những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án chưa thực sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, thiếu quan điểm, chính kiến trong áp dụng pháp luật, hiệu quả tham mưu hạn chế, dẫn đến gây khó khăn chậm trễ trong công tác bồi thường cho người dân.

Từ xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế ở Dự án Thủy điện Hủa Na, tại Báo cáo số 150/BC- MTTQ-BTT, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã có những kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và đề ra những nội dung yêu cầu UBND huyện Quế Phong và Công ty CP Thủy điện Hủa Na thực hiện.

Trong đó, đáng lưu ý là việc kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét những vướng mắc về pháp luật trong công tác bồi thường đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các nghị định hướng dẫn và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; từ đó, hướng dẫn cụ thể cách tính toán đền bù giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến trong bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư các công trình thủy điện. Đôn đốc Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến thuộc Dự án Thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An theo yêu cầu tại Công văn số 6352/VPCP-NN ngày 4/8/2020 của Văn phòng Chính phủ; văn bản hướng dẫn cần có sự tham gia của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân…

Trao đổi với P.V Báo Nghệ An, bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định tổ chức mặt trận sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát giải quyết vướng mắc, tồn tại ở Dự án Thủy điện Hủa Na. Để tăng hiệu quả, hiệu lực của công tác này, ngày 7/12/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục có Công văn số 688/MTTQ-BTT gửi lên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị phối hợp thực hiện các kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An về giám sát Dự án Thủy điện Hủa Na. Cụ thể, bà Võ Thị Minh Sinh trao đổi: “Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án theo đúng quy định của pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm, có văn bản đề nghị Chính phủ và chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan kịp thời hướng dẫn xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến thuộc Dự án Thủy điện Hủa Na…”./.