Tôn tạo hào thành cổ Vinh cần nghiên cứu kỹ sử liệu
(Baonghean.vn) - Đồng thuận cao, phấn khởi, mong chờ ... là chia sẻ của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử cũng như đông đảo nhân dân thành phố về "Dự án nâng cấp và cải tạo hào xung quanh thành cổ Vinh".
Clip ý kiến của các nhà nghiên cứu và người dân
.
Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Đào Tam Tỉnh:
Hiện nay, những sử liệu ghi chép về thành cổ Nghệ An khá đầy đủ. Theo đó, thành Nghệ An được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1804) ở địa phận hai xã Vĩnh Yên và Yên Trường, nay thuộc thành phố Vinh. Kiến trúc của thành được xây dựng theo kiểu truyền thống phương Đông, nhưng vì thành mang tính chất bảo vệ (phòng ngự) nên có ảnh hưởng của lối xây dựng thành trì của Pháp và Tây Âu (hay còn gọi là Vauban).
Thành Nghệ An có hình con rùa (kiểu Quy hình) với 6 cạnh và 6 góc, xung quanh thành có hào sâu 8 thước, rộng 8 thước. Hào luôn có nước và được lưu thủy qua sông Vinh, nguồn từ kênh nhà Lê qua Chính Đích, thông qua sông Lam qua ngã ba Mỏ Hạc. Hồ hào ngoài thành được nhân dân dùng để trồng sen, mùa thu hoạch phải nộp hạt sen cho triều đình.
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Đào Tam Tỉnh. |
Như vậy có thể thấy, hào thành là một bộ phận cấu thành nên quần thể di tích thành cổ Nghệ An. Việc phục hồi, tôn tạo lại hào thành là việc làm đúng đắn, là người nghiên cứu văn hóa – lịch sử, bản thân tôi cảm thấy rất phấn khởi. Chỉ lưu ý về vấn đề phục dựng, tôn tạo cần nghiên cứu thật kỹ sử liệu về hình dáng kiến trúc, chất liệu xây dựng ... của hào thành. Điều này theo tôi là không quá khó, bởi trong các sách như Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ … hoặc các châu bản nhà Nguyễn mà chúng ta còn gìn giữ được đến bây giờ, có thể tìm thấy những ghi chép khá cụ thể về kiến trúc, chất liệu của hào thành nói riêng, thành cổ Nghệ An nói chung.
Khi hào thành đượctôn tạo xong, có thể thả sen vào như cách làm của các bậc tiền nhân, vừa tạo được cảnh quan tươi đẹp, vừa giữ được vệ sinh môi trường. Người dân có thể tìm đến hào thành để dạo bộ, thư giãn …
Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Trần Minh Siêu:
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Trần Minh Siêu. |
Dự án tôn tạo hào xung quanh thành cổ là việc mà các nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, người dân … chờ đợi, mong mỏi rất lâu rồi. Ngoài những lợi ích thiết thực như cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sống dân cư, tiến tới làm kinh tế du lịch …, thì hơn cả là phục dựng lại hào thành có giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử của quê hương mình. Sau này có thể tổ chức ngoại khóa, hoặc những buổi thuyết trình lịch sử ngay tại di tích hào thành thì còn gì bằng. Đó sẽ là những bài học sâu sắc nhất, có tác động mạnh mẽ nhất đến giới trẻ.
Ông Nguyễn Viết Tư - Khối trưởng khối 2, phường Cửa Nam:
Khối 2 có 248 hộ, trong đó có 39 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án phục dựng, tôn tạo hào thành. Cụ thể 10 hộ thuộc diện tái định cư nơi khác, còn lại là cắt một phần diện tích cho dự án. Phải khẳng định đây là dự án hợp lòng dân. Một là giải quyết được ô nhiễm môi trường, thứ hai là cảnh quan ở hào thành tạo nên vẻ khang trang, phấn khởi của tập thể cũng như của từng gia đình nói riêng.
Hiện nay, chính quyền địa phương đã tiến hành đo đạc, thống kê, định giá tài sản trên đất của từng hộ gia đình và công khai đưa ra dự thảo giá, được niêm yết ở UBND phường, nhà văn hóa khối cho bà con nhân dân xem xét. Cơ bản người dân đã đồng thuận, chỉ còn một số hộ băn khoăn về mức giá đền bù. Người dân mong muốn sớm thống nhất được vấn đề này để dự án mau chóng được tiến hành.
Ông Châu Văn Trinh, người dân khối 5, phường Đội Cung:
Ông Châu Văn Trinh chỉ phần diện tích đất ảnh hưởng bởi dự án tôn tạo hào thành. |
Không chỉ gia đình tôi, mà nhìn chung hầu hết các gia đình thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án phục dựng hào thành cổ đều rất đồng thuận, phấn khởi và mong muốn làm sao dự án tiến hành càng nhanh càng tốt. Mong muốn nữa là về vấn đề kỹ thuật, chất lượng xây dựng phải đảm bảo, tránh ảnh hưởng đến những hộ liền kề công trình.
Gia đình tôi có 41 m2 đất vườn “cắt” cho dự án này, ngoài vấn đề xem xét lại mức giá đền bù thì điều chúng tôi quan tâm nhất là trong quá trình xây dựng hào thành, cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng về thiết kế, tránh làm lún, nứt công trình nhà ở của nhân dân.
Ảnh tư liệu về hào thành cổ Vinh. |
Ông Hồ Xuân Tư, người dân khối 5, phường Đội Cung:
Người dân chúng tôi rất mong mỏi dự án phục dựng hào thành cổ và hy vọng là khi dự án hoàn thành sẽ cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường, hàng năm mưa lũ không còn bị ngập úng. Chỉ có băn khoăn về mức giá đền bù cho đất trước và sau mốc năm 1993, chúng tôi đã trình bày nguyện vọng với chính quyền địa phương. Còn lại toàn bộ mức giá đền bù về tài sản, cây cối, nhà cửa … thì nhân dân đồng tình cao và thấy đền bù như vậy là rất thỏa đáng.
Phước Anh
TIN LIÊN QUAN