Tổng Bí thư: Nghiên cứu tác chiến với chiến tranh công nghệ cao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bộ Quốc phòng tích cực nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, tác chiến với các loại hình chiến tranh công nghệ cao.
Ngày 20/12, phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tích mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân đạt được trong năm 2022.
Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp; có những vấn đề, sự việc xảy ra ngoài dự báo. Xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng.
Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu đổi mới, cải tiến chất lượng huấn luyện, diễn tập, đáp ứng điều kiện tác chiến mới; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Ông yêu cầu chủ động phát huy nội lực, tự lực, tự cường, phát triển công nghiệp quốc phòng có đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao; nâng cao năng lực tự sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị có trong biên chế; đẩy nhanh tiến độ sản xuất một số sản phẩm quốc phòng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại trong tình hình mới.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phải nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về quân sự; có đối sách xử lý linh hoạt quan hệ quốc tế; ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; các vấn đề biên giới, biển đảo, nhất là Biển Đông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Quân chính sáng 20/12. Ảnh: Mạnh Hùng |
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động triển khai toàn diện, hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Cụ thể, các cơ quan phải nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng song phương, đa phương; tạo thế đan xen lợi ích và củng cố sự tin cậy chiến lược với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống.
"Kịp thời nhận diện, xử lý đúng đắn, hài hòa, linh hoạt đối tác, đối tượng quốc phòng, không để bị động, bất ngờ; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc, không chọn bên", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" bằng biện pháp hòa bình. Tham gia có trách nhiệm vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội.
Báo cáo tại hội nghị, thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, nói năm 2022, toàn quân tổ chức nhiều cuộc diễn tập nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Công tác huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, bộ đội sử dụng thành thạo, làm chủ vũ khí trang thiết bị có trong biên chế.
Năm 2023, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án, hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội; bố trí lực lượng phù hợp với tiến trình điều chỉnh tổ chức quân đội; hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo tướng Nguyễn Tân Cương, Bộ Quốc phòng sẽ nâng cao sức mạnh chiến đấu, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, hoạt động phát triển kinh tế biển; phối hợp giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn cả nước...
Năm 2023, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai Đội Công binh số 2, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Đề án xây dựng Trung tâm điều phối quốc gia về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Luật Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.