Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công cuộc xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh
80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, trái tim của người cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập sau khi đã tận hiến đời mình cho nước cho dân.
Là một nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn và nhân văn, nghĩa tình của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những di sản vô giá từ lý luận đến thực tiễn trên trên nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị đất nước. Nhưng có lẽ dấu ấn sâu đậm nhất chính là vai trò trung tâm đoàn kết, đầu tàu của Tổng Bí thư trong nỗ lực xốc lại tinh thần đấu tranh, xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, vững mạnh hơn. Trong đó, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được xem như là cách đột phá để thanh lọc ra khỏi bộ máy lãnh đạo những phần tử thoái hóa biến chất, phản bội lời thề danh dự đảng viên, phản bội mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy lại niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào Đảng cầm quyền.
Là người kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của các bậc tiền bối, hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Vì vậy, Đảng phải biết tự soi, tự sửa, phải dựa vào dân để chỉnh đốn; chỉnh đốn Đảng phải làm từ trên trở xuống, để Đảng luôn chiếm trọn niềm tin yêu của nhân dân.
Nhắc lại điều này để thấy rằng vì sao, cả 3 nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, BCH Trung ương luôn đặt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng lên hàng đầu, xem đó là then chốt của then chốt, bằng việc ban hành Nghị quyết trung ương 4 các khóa XI, XII và XII, cùng các giải pháp cụ thể, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…
Cùng với đó, tùy thời điểm, yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Tổng Bí thư cũng là người giữ vai trò cốt yếu khi cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng các Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về vấn đề miễn nhiệm, từ chức của cán bộ lãnh đạo khi mắc sai lầm, khuyết điểm; Quy định khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo, đổi mới, dám hy sinh vì lợi ích chung; Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu; Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới…
Không chỉ chuẩn bị về mặt lý luận, bằng hành động thực tế, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trên tinh thần chặt bỏ cành sâu để cứu cây; chặt một vài cây xấu, cây hư hỏng để cứu cả khu rừng khỏe khoắn, xanh tươi.
Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả rõ rệt, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cho Đảng ta trong quá trình tự chỉnh đốn, tự gột rửa, lấy cái đẹp dẹp bỏ cái xấu, giữ gìn danh dự, niềm tin, sức mạnh cho Đảng.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ chuyện đấu tranh phòng-chống tham nhũng được nói nhiều, được người dân quan tâm như những năm qua. Bởi, ai cũng hiểu, tham nhũng là “giặc nội xâm”, là mối đại họa làm hao mòn nguồn lực, làm suy sụp rường cột quốc gia, băng hoại đạo đức cán bộ, đảng viên - những người từng được dân tin, dân yêu vì đạo đức trong sáng, luôn quên mình vì dân, vì nước.
Hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng trong bộ máy cai quản đất nước. Cho nên bằng tất cả dũng khí và sự tính toán chu đáo, bằng những bước đi cẩn trọng, chắc chắn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phất lên ngọn cờ tiên phong đúng lúc, đúng chỗ, hiệu triệu được lòng người ủng hộ tuyệt đối cho cuộc đấu tranh đầy cam go này, kiên quyết tiêu diệt nạn tham nhũng đang hoành hành trong bộ máy lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. .
Dù ai đó có thể thích hay không thích cụm từ “Người đốt lò vĩ đại” mà một số cơ quan báo chí đã dùng để nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò là người giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, khiến hàng trăm cán bộ cao cấp từ trung ương đến các bộ ngành, địa phương phải bị kỷ luật, bị cách chức, thậm chí là phải vào tù vì thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng, đục khoét quốc khố, vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm quy định “những điều đảng viên không được làm”, sống xa hoa, phè phỡn, trong khi người dân phải vật lộn với dịch bệnh, sống chết.
Dù có người lúc đầu còn hoài nghi về tính khả thi của cuộc đấu tranh này, nhưng rõ ràng, cái “lò thiêu tham nhũng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm lên với cách nói giản dị, gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu nhưng lại hàm chứa đầy tâm huyết, trách nhiệm với nước với dân, sau hơn chục năm ra tay quyết liệt, cùng với sự chung tay của toàn dân, đã có câu trả lời thỏa đáng.
Danh sách “bầy sâu” tham nhũng liên quan đến các ngân hàng, đất đai, chứng khoán; các dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông, điện lực… có giá trị hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng… lộ sáng cứ càng ngày càng dài thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đó cho thấy, công cuộc “đốt lò” của người đứng đầu Đảng ta thật cam go và quyết liệt, không thể vì những khó khăn nhất thời mà lùi bước. Bởi mong muốn lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân là kẻ phạm tội phải bị pháp luật trừng trị, tài sản tham nhũng phải được thu hồi cho đất nước.
“Người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng đã nhóm lên cái lò được cháy bằng ngọn lửa của lương tâm và công lý, của đạo lý ngàn đời dân tộc: yêu cái tốt, ghét cái xấu, quyết loại bỏ "sâu mọt" hại nước hại dân, dẹp cho được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền để tập trung nguồn lực lo cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Tinh thần đấu tranh quyết liệt đó đã dần lấy lại niềm tin của dân về một Đảng cầm quyền trong sạch, không tham nhũng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bởi ai cũng thấy rằng, cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt nhưng cũng hết sức nhân văn ấy, không gì ngoài mục đích làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; bộ máy lãnh đạo đất nước ta ngày càng chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về với thế giới người hiền, về với Bác Hồ và các bậc tiền bối của Đảng. Nhưng cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách sáng ngời của Tổng Bí thư mãi mãi sống trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nghĩ về những việc đã làm, đang làm dang dở, mỗi người chúng ta luôn mong muốn những điều tâm huyết, những ước vọng cháy bỏng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo tiếp theo kế tục, phát huy để đất nước ta có một Đảng cầm quyền đủ đức, đủ lực cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam tự tin vượt muôn thác ghềnh đi đến ngày thắng lợi, vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, văn minh, nhân nghĩa.